Giám sát việc chấp hành pháp luật trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện
BHG - Chiều 15.10, tại Phòng họp tầng 2 trụ sở UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Thường trực UBND tỉnh thông báo kết quả giám sát về việc chấp hành pháp luật trong quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Dự có các đồng chí: Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên kết luận tại buổi làm việc. |
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 65 dự án thủy điện với tổng công suất 960,4MW đã được quy hoạch, trong đó có 29 nhà máy thủy điện (NMTĐ) hoàn thành và đang phát điện với tổng công suất lắp máy đạt 588,8 MW. Kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy: Cơ bản các dự án thủy điện đã triển khai thực hiện xây dựng theo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; 100% NMTĐ đang vận hành phát điện đều có Giấy phép hoạt động điện lực; 3/12 dự án thủy điện đi vào hoạt động phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn, đã được lắp đặt theo quy định... Các NMTĐ đi vào hoạt động đã mang lại nguồn thu ngân cho tỉnh, đóng góp, hỗ trợ kinh phí cho địa phương xây dựng các công trình phúc lợi, ngoài ra tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tận dụng các lòng hồ nuôi trồng đánh bắt thủy sản, phát triển du lịch, góp phần vào sự phát triển KT - XH của địa phương. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các chủ dự án đều chưa thực hiện niêm yết công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường tại trụ sở nhà máy và tại UBND xã nơi NMTĐ đóng chân; một số dự án thủy điện khi tích nước đã làm ảnh hưởng đến đường giao thông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của các sông suối, phá vỡ cân bằng sinh thái, làm tăng nguy cơ lũ lụt về mùa mưa, cạn kiệt nước về mùa khô; công tác phối hợp xả lũ giữa các NMTĐ có lúc chưa tốt dẫn đến những tác động tiêu cực của một số dự án trên địa bàn; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan của tỉnh, chính quyền địa phương đối với một số dự án thủy điện chưa thực sự chặt chẽ trong việc khảo sát, quyết định đầu tư...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh đã đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan giải trình các nội dung mà Thường trực HĐND tỉnh đã nêu như: Đánh giá cụ thể tác động môi trường và công tác cấp phép xây dựng đối với các dự án thủy điện không thuộc đối tượng miễn cấp; trách nhiệm và thời gian cụ thể để khắc phục tình trạng nhiều dự án thủy điện đã đi vào hoạt động nhưng còn thiếu các thủ tục liên quan đến thu hồi, cho thuê đất, cấp phép sử dụng nước mặt; nguyên nhân điều chỉnh công suất lắp máy nhiều lần đối với các dự án thủy điện khi triển khai thi công; quan trắc an toàn đập, giải pháp khắc phục sau xây dựng của các NMTĐ... Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp giải trình những ý kiến thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh. Trong đó, đánh giá cụ thể hoạt động các NMTĐ Sông Lô 6, Sông Chừng và giải pháp giải quyết tình trạng lòng hồ thủy điện Bảo Lâm 3 (tỉnh Cao Bằng) tích nước gây thiệt hại đến tài sản của người dân; việc phân cấp ủy quyền trong quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, cấp phép khai thác quản lý vật liệu thông thường. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, ban hành cơ chế phối hợp giữa các thủy điện và các chế tài trong thu hồi đất...
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Chúng Thị Chiên đề nghị trong thời gian tới: UBND tỉnh tiếp tục rà soát đánh giá tổng thể quy hoạch xây dựng thủy điện trên địa bàn tỉnh, không bổ sung vào quy hoạch những NMTĐ nhỏ, công suất không cao và những NMTĐ gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân phải được xem xét cụ thể; chỉ đạo thực hiện tốt các văn bản liên quan đến xây dựng, vận hành và quy chế phối hợp, làm rõ thẩm quyền của UBND các huyện, xã; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với dự án thủy điện nhất là trong lĩnh vực đất đai; chỉ đạo khắc phục trình tự thủ tục trong đầu tư, xây dựng các NMTĐ; thực hiện dứt điểm công tác đền bù đất đai, xây dựng đường truyền dữ liệu quan trắc theo tiêu chuẩn quy định đối với các dự án thủy điện. Bên cạnh đó, tích cực chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện... Đối với các ý kiến của Đoàn giám sát đã nêu, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn thành và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 17.10.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc