Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

14:24, 30/05/2018

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 30/5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Luật Giáo dục đại học 2012 bộc lộ nhiều hạn chế

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực tế 05 năm qua đã cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cũng như sự vận động, biến đổi không ngừng của đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cùng với yêu cầu thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, những hạn chế, bất cập này của Luật giáo dục đại học năm 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Do vậy, giáo dục đại học cần có môi trường pháp lý phù hợp hơn để bắt kịp và thích ứng với những thay đổi này. Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, giáo dục đại học ngày nay không chỉ phát triển trong phạm vi quốc gia mà còn phải có tính cạnh tranh toàn cầu.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31/73 điều; giữ nguyên 42 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 01 điều và 01 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 05 điều; thay thế cụm từ tại 01 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật. Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng; mở rộng và nâng cao quyền tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế, đổi mới quản lý nhà nước để thực hiện tự chủ đại học, phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật giáo dục đại học năm 2012, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong điều kiện phát triển và hội nhập.

Cần thiết phải sửa đổi 

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng việc sửa đổi Luật là cần thiết để khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương, quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 29/NQ-TW; Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và yêu cầu về cơ cấu, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về phạm vi sửa đổi, đa số ý kiến thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất rà soát toàn diện, nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Về loại hình cơ sở giáo dục đại học, đa số thành viên Ủy ban đồng ý với việc phân loại cơ sở giáo dục đại học theo sở hữu như thể hiện trong Dự thảo Luật nhưng đề nghị cần làm rõ hơn các hình thức cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ngay trong Luật này. Có một số ý kiến đề nghị giữ quy định như Luật hiện hành.

Liên quan đến các hình thức giáo dục thường xuyên, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cơ bản tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung như trong Dự thảo Luật song đề nghị cân nhắc làm rõ trong Luật các hình thức thực hiện, bảo đảm tương thích với Luật Giáo dục; đồng thời có quy chế thích hợp bảo đảm chất lượng trong giáo dục thường xuyên.

Đối với nội dung về tự chủ đại học, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng cho rằng, việc đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học; đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường.  Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình; đồng thời, quy định trong Dự thảo Luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là về tổ chức – nhân sự, tài chính và tài sản. 

Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các nội dung trong dự thảo đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Giáo dục và hệ thống pháp luật; đồng thời, rà soát, chỉnh sửa kỹ thuật văn bản rõ ràng, thống nhất cách thể hiện đúng theo văn phong và kỹ thuật lập pháp; hạn chế tối đa các điều giao cho Chính phủ quy định.

Theo Quochoi.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân huyện Mèo Vạc lần thứ X (nhiệm kỳ 2018 – 2023)

BHG - Ngày 29.5, Hội Nông dân huyện Mèo Vạc đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ X, (nhiệm kỳ 2018 – 2023). Dự Đại hội có đồng chí Hầu Minh Lợi, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện và 159 đại biểu Hội Nông dân các xã, thị trấn. Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân huyện Mèo Vạc đã không ngừng được củng cố, xây dựng và phát triển, ngày càng vững mạnh, khẳng định được vị trí vai trò của tổ chức hội trong hệ thống chính trị...

30/05/2018
Khai mạc Hội thi giảng viên Lý luận Chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2018

BHG - Sáng 30.5, tại trường Chính trị tỉnh, Tỉnh ủy tổ chức khai mạc Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2018. Dự khai mạc có các đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Trưởng ban Tổ chức Hội thi; đại diện các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; Thường trực các Huyện, Thành ủy; Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố.

 

30/05/2018
Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Hà Giang sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

BHG - Ngày 28.5, Đảng ủy, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", phong trào thi đua "Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới" và  sơ kết 5 năm thực hiện Đề án "Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị" giai đoạn (2013 - 2018).

 

30/05/2018
Hội thảo đề án Nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo

BHG - Chiều 29.5, tại hội trường Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội thảo đề án Nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Hà Giang trong giai đoạn mới (Đề án). Dự hội thảo có lãnh đạo một số sở, ngành, cơ quan báo chí của tỉnh và lãnh đạo các Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Thành ủy trực thuộc. Dự thảo Đề án gồm 3 phần chính: Thực trạng công tác tuyên giáo trên địa bàn tỉnh Dự báo những yếu tố tác động đến công tác tuyên giáo

30/05/2018