Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9.2.1907 - 9.2.2017)
Những cống hiến của đồng chí Trường Chinh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta
(Tiếp theo)
[links()]
1- Đồng chí Trường Chinh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt NamĐồng chí Trường Chinh tham gia hoạt động cách mạng từ khi 18 tuổi. Đồng chí tìm đọc nhiều tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, Chủ nghĩa Mác-Lênin, từ một người yêu nước trở thành chiến sĩ cộng sản.
Những năm 1925-1939, dù hoạt động ở ngoài cũng như khi ở tù, đồng chí không quản mọi khó khăn, tham gia truyền bá lý luận và tinh thần cách mạng cho cán bộ và nhân dân, có nhiều người đã trở thành cốt cán của cách mạng.
Năm 1940, với cương vị Quyền Tổng Bí thư ở giai đoạn cực kỳ khó khăn (Địch tăng cường khủng bố, bắn giết, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời chỉ còn 3 người), đồng chí Trường Chinh đã cử cán bộ đi chắp nối, khôi phục tổ chức để củng cố cách mạng, chuẩn bị cho cao trào cách mạng 1939-1945.
Tại hội nghị lần thứ Tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 5-1941, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau đó, đồng chí rời Pắc Bó (Cao Bằng) về xuôi trực tiếp chỉ đạo phong trào, đề ra sáng kiến lập hệ thống liên hoàn các An toàn khu (ATK).
Từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1944, mặc dù trong giai đoạn này, trách nhiệm gánh vác phong trào cách mạng vô cùng nặng nề (Bác Hồ bị quân Tưởng bắt giam, nhiều đồng chí cốt cán của cách mạng bị bắt, xử bắn, đi công tác), nhưng đồng chí Trường Chinh đã đem hết tài trí, nghị lực, nhãn quan chính trị và tinh thần trách nhiệm, đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo. Với cương vị là phụ trách Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, đồng chí cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thành công. Nổi bật nhất là việc đồng chí dự báo việc Nhật - Pháp bắn nhau và sớm chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vai trò là cán bộ cốt cán của Đảng, đồng chí Trường Chinh cùng tập thể Bộ Chính trị vạch ra đường lối và trực tiếp chỉ đạo, đưa hai cuộc kháng chiến, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn.
Giai đoạn cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cống hiến đặc biệt quan trọng của đồng chí Trường Chinh là đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân và đề ra chủ trương đổi mới. Đại hội VI trở thành Đại hội đổi mới, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một bước ngoặt trong tư duy lí luận của Đảng ta.
(Còn nữa)
BTV (Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc