Công bố Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
BHG- Ngày 4.4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, Văn phòng UBND tỉnh; đại diện Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
[links()]
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu kết luận hội nghị. |
Hội nghị đã nghe lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và lãnh đạo Viện Quy hoạch giới thiệu một số nội dung chính của Quy hoạch, trong đó tập trung phấn đấu thực hiện các bước đột phá như: Đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến; xây dựng nông thôn mới gắn với sắp xếp dân cư và phát triển đô thị; xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, kinh tế cửa khẩu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Với các mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 7,5% giai đoạn 2016 – 2020, 8,5% giai đoạn 2021 – 2025 và 9,5% giai đoạn 2025 – 2030; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 55 triệu đồng vào năm 2025 và 80 triệu đồng vào năm 2030; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 600 triệu USD vào năm 2020, 900 triệu USD vào năm 2025 và từ 1,5 đến 2 tỷ USD vào năm 2030; tỷ trọng các ngành nông nghiệp chiếm 33%, công nghiệp – xây dựng chiếm 29% và dịch vụ chiếm 38% vào năm 2020, đến năm 2030 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 25,2%, công nghiệp – xây dựng chiếm 33,5% và dịch vụ chiếm 41,3%; giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% vào năm 2025 và hơn 85% vào năm 2030...
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên đây mới chỉ là kết quả bước đầu, chúng ta mới xây dựng được quy hoạch, vấn đề trước mắt tỉnh ta phải triển khai, quản lý và thực hiện quy hoạch. Để quy hoạch trở thành hiện thực, với hiệu quả cao hơn, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn là cả một quá trình chúng ta phải nỗ lực. Đi liền với đó là cơ chế chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực, đưa được các dự án cụ thể vào hiện thực hóa quy hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ: Tiếp tục rà soát, xây dựng các kế hoạch, các quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch chung được duyệt, trong đó lưu ý đến các yếu tố liên kết phát triển vùng, đồng thời có các cơ chế đột phá để huy động các nguồn lực cho thực hiện quy hoạch, nhất là trong cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Tiếp tục phát huy nội lực của tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của trung ương và thu hút các nguồn lực khác để phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực có lợi thế của địa phương và của từng tiểu vùng. Cùng với phát triển ổn định, bền vững cần có những khâu đột phá, những vùng động lực trên cơ sở phát huy những lợi thế so sánh của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2030; thực hiện tốt các chương trình, dự án một cách chủ động với sự tham gia của các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân; các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần khẩn trương phổ biến Quy hoạch sâu rộng tới cán bộ và nhân viên thuộc mình quản lý và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch; Căn cứ nội dung của quy hoạch, tiến hành xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch hàng năm để thực hiện, đạt các mục tiêu đề ra; các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành theo lĩnh vực trên địa bàn; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương với các nhà đầu tư; giới thiệu danh mục các chương trình, dự án cần được ưu tiên đầu tư; phối hợp và hỗ trợ các huyện, thành phố, các Ban quản lý Khu kinh tế, Ban quản lý các dự án trọng điểm, Ban quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; chủ động đẩy mạnh việc mời gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư để thực hiện cụ thể hóa Quy hoạch.
Tin, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc