Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên phát triển hạt nhân
07:45, 20/03/2012
Hôm 19/3, Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên cố tìm cách phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thông qua việc phóng vệ tinh trong tháng tới. Lời cáo buộc được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng bác bỏ những kêu gọi của cộng đồng quốc tế, yêu cầu ngừng vụ phóng vệ tinh này.
Hàn Quốc chính thức đưa ra cáo buộc Triều Tiên tìm cách phát triển tên lửa đạn đạo sau khi Tổng thống Lee Myung-bak chủ trì một cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao và an ninh, trong đó các nhà lãnh đạo cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân trong tuần tới, dự kiến diễn ra ở Seoul.
Ông Kim Hyung-Suk, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh: "Kể cả là khi Triều Tiên nói rằng, họ chỉ phóng vệ tinh thì họ cũng sẽ dùng tới công nghệ tên lửa đạn đạo. Chúng tôi coi đó là một hành động khiêu khích và chúng tôi thúc giục họ dừng hành động này lại”.
Đáp lại lời buộc tội của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên cho biết, họ sẵn sàng mời các chuyên gia và phóng viên quốc tế tới trung tâm Sohae để giám sát vụ phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3.
Các chuyên gia cho rằng, dù là phóng vệ tinh hay tên lửa thì cộng đồng quốc tế cũng khó ngăn cản được Bình Nhưỡng vì nó nhằm nhiều mục đích.
Giáo sư Yang Moo-Jin, Chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên nói: "Hành động này như một cách gây sức ép với Mỹ trên bàn đàm phán. Trước hết là sẽ có sự tranh cãi giữa Mỹ và Triều Tiên xem đó là vụ bắn tên lửa hay vệ tinh. Sau đó thì HĐBA sẽ lại tranh cãi xem họ nên ra một nghị quyết hay một tuyên bố của Chủ tịch để lên án hành động này. Cuối cùng là sẽ có một giai đoạn trừng phạt áp dụng cho Bình Nhưỡng, nhưng rồi sau đó họ sẽ trở lại bàn đàm phán”.
Theo thông báo, Bình Nhưỡng sẽ phóng vệ tinh lên quỹ đạo bằng tên lửa vì mục đích hoà bình, thời gian là khoảng từ ngày 12-16/4. Tuy nhiên, Mỹ và các nước khác cho rằng, động thái này là một vụ phóng thử tên lửa tầm xa được che đậy, phá vỡ lệnh cấm của LHQ và vi phạm thoả thuận phi hạt nhân hoá đạt được với Washington.
Ý kiến bạn đọc