Chọn chủ tịch mới cho WB
Cuộc đua chưa có tiền lệ
Cuộc đua tranh chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đã tới hồi nóng bỏng sau khi WB chính thức thông báo 3 ứng cử viên vào chiếc ghế này thay thế ông Rô-bớt Giô-ê-lích, người sẽ về hưu vào tháng 6 tới.
Việc có 3 ứng viên cùng tham gia sẽ khiến cuộc đua trở nên quyết liệt chưa từng có bởi từ trước tới nay, vị trí này luôn thuộc về một người Mỹ như một quy định bất thành văn.
Từ trái qua: Ông Kim Châng Gim, bà Gô-ri Ô-kôn-giô I-uy-la và ông Hô-xê An-tô-ni-ô Ô-cam-pô. Ảnh: Roi-tơ |
Ba ứng cử viên chính thức bao gồm ông Kim Châng Gim (Kim Jong Gim), người Mỹ gốc Hàn Quốc, Hiệu trưởng Trường Đại học Dartmouth danh tiếng của Mỹ; ông Hô-xê An-tô-ni-ô Ô-cam-pô (José Antonio Ocampo), cựu Bộ trưởng Tài chính Cô-lôm-bi-a, hiện là giáo sư Trường Đại học Cô-lum-bi-a ở Niu Y-oóc; và bà Gô-ri Ô-kôn-giô I-uy-la (Ngozi Okonjo Iweala), Bộ trưởng Kinh tế, kiêm Bộ trưởng Tài chính của Ni-giê-ri-a.
Đây thực chất là cuộc đua giành vai trò giữa một bên là Mỹ, vốn luôn giữ vai trò nổi bật ở WB, với một bên là các quốc gia mới nổi đang không ngừng đấu tranh để giành được vị trí và tiếng nói lớn hơn tại tổ chức này. Ông Kim Châng Gim, ứng cử viên của Mỹ sẽ phải đối đầu với hai đối thủ còn lại được các nước Mỹ La-tinh và các nền kinh tế hàng đầu châu Phi hậu thuẫn. Các nước đang phát triển mới nổi thời gian gần đây đã quyết tâm thay đổi thứ luật bất thành văn nói trên tại WB cũng như tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nơi một người châu Âu luôn đứng đầu. Bởi tình hình đã thay đổi khi vai trò và đóng góp của họ đang ngày càng trở nên quan trọng trên thế giới. Họ cho rằng mình xứng đáng được hưởng những quyền lợi lớn hơn ở hai định chế mà bấy lâu nay họ phải chịu “lép vế” so với Mỹ và châu Âu.
Các nền kinh tế mới nổi như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin vốn đang có vai trò ảnh hưởng gia tăng đã gây sức ép mạnh mẽ buộc WB cũng như IMF phải chấp nhận mở cánh cửa rộng hơn cho các ứng viên không phải người Mỹ. Các nước này đã cùng nhau nỗ lực thúc đẩy việc lựa chọn ban lãnh đạo WB và IMF một cách công bằng và minh bạch. Và nỗ lực của họ bước đầu được đền đáp khi năm ngoái, 187 nước thành viên WB đồng ý sẽ bầu ban lãnh đạo một cách minh bạch và căn cứ vào phẩm chất của các ứng viên. Ông A-vin Xắp-ra-ma-ni-an (Arvind Submanian), một cựu quan chức IMF cho biết: “Sẽ có sự đánh giá dựa trên các phẩm chất của những ứng viên và định hướng của WB”.
Dường như lường trước mức độ quyết liệt của cuộc đua quyền lực chưa từng có tiền lệ ở WB lần này với các nước đang phát triển, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã có lựa chọn bất ngờ là ông Kim Châng Gim, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ các nước đang phát triển, thay vì chọn một chính khách, một chuyên gia kinh tế như thông lệ trước đây. Ông Ô-ba-ma khẳng định rằng, đây là thời điểm để một chuyên gia có kinh nghiệm phát triển điều hành một tổ chức tài chính lớn chuyên cung cấp viện trợ phát triển và các khoản vay cho các nước nghèo và đang phát triển. Ông Kim đã dành hơn 20 năm công tác để cải thiện điều kiện tại các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới. Việc lựa chọn một ứng cử viên như vậy cho vị trí đứng đầu một tổ chức chuyên tập trung hoạt động trong lĩnh vực chống nghèo đói trên thế giới và thúc đẩy công cuộc phát triển, như WB, quả là một sự lựa chọn khôn ngoan của ông chủ Nhà Trắng. Có thể coi ông Kim Châng Gim chính là “con át chủ bài” của Tổng thống Ô-ba-ma tung ra vào phút chót nhằm lấy lòng các nước đang phát triển. Trước đó, mọi dự đoán về các ứng cử viên người Mỹ đều dồn vào các chính khách hàng đầu của Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn, Thượng nghị sĩ Giôn Ke-ri hay cựu Bộ trưởng Tài chính Lô-ren Xăm-mơ…
Nếu so với hai ứng cử viên còn lại, ông Kim Châng Gim còn có lợi thế hơn hẳn bởi là ứng viên của Mỹ, quốc gia có đóng góp lớn nhất về tài chính cho WB. Người được cho là đối thủ đáng kể của ông Kim Châng Gim chính là ứng cử viên I-uy-la. Bà I-uy-la là người dày dạn kinh nghiệm ở WB, từng có hơn hai thập niên làm việc tại tổ chức này. Đáng kể là bà từng nắm giữ chức vụ Giám đốc điều hành của WB, vị trí thứ hai chỉ sau Chủ tịch WB hiện nay là ông Rô-bớt Giô-ê-lích.
Vì vậy, người ta trông đợi sẽ được chứng kiến một cuộc đua quyết liệt chưa từng thấy vào cương vị lãnh đạo WB và hồi hộp chờ đợi một kết quả bất ngờ. Mỹ chắc chắn không dễ dàng chịu mất đi vị trí thống lĩnh bấy lâu tại WB bởi đây không chỉ là chuyện lợi ích mà còn là vấn đề danh dự của một cường quốc luôn có tham vọng chứng tỏ sức mạnh của mình với thế giới. Chưa kể việc thời gian qua, Tổng thống Ô-ba-ma phải hứng chịu nhiều chỉ trích của phe đối lập cho rằng ông thiếu quyết đoán trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của Mỹ.
Trong khi đó, các nước đang phát triển và mới nổi cũng đã cho thấy họ cương quyết ra sao trong việc đòi hỏi sự công bằng, minh bạch. Người ta đã thấy các nước này hành động thực sự chứ không chỉ “nói suông”. Như ở IMF, họ đã tung con bài “mặc cả” đó là sẽ chỉ hỗ trợ tài chính cho IMF nếu có được tiếng nói lớn hơn tại tổ chức này. Không loại trừ khả năng họ sẽ áp dụng vũ khí tương tự tại WB để đạt được mục tiêu.
Ý kiến bạn đọc