“Kịch bản Libya” có xảy ra ở Syria?
11:51, 28/02/2012
Cách đây một năm, những cuộc tấn công của NATO đã khiến một chế độ tồn tại ở Libya suốt hơn 40 năm phải sụp đổ. Giờ đây, tại Syria, một chế độ cũng đang bị đe dọa với những hình thức tương tự. Liệu mô hình của Libya có được Mỹ và phương Tây áp dụng tại Syria?
Cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới tại Syria được tổ chức trong bối cảnh sức ép trong nước và quốc tế đối với chính quyền của Tổng thống Al-Assad đang ngày một gia tăng. Đặc biệt là sau khi diễn ra Hội nghị “Những người bạn của Syria” tại Tunisia hôm 24/2 vừa qua.
Hội nghị này tuy bác bỏ mọi sự can thiệp quân sự vào Syria nhưng lại kêu gọi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Arab, ủng hộ vũ trang cho phe đối lập, thậm chí Mỹ còn cảnh báo Tổng thống Assad "sẽ phải trả giá đắt vì coi thường nguyện vọng của quốc tế". Với những thực tế đang diễn ra, dư luận vẫn tiếp tục phải băn khoăn với câu hỏi: Kịch bản Libya liệu có xảy ra tại Syria?
Ông Simon Jenkins, Phóng viên báo Guardian (Anh) nhận định: “Có nhiều động cơ khác nhau trong tất cả các cuộc can thiệp. Người ta thường có xu hướng can thiệp vào những quốc gia mà họ có lợi ích. Trong trường hợp Lybia, đó là dầu mỏ”.
Vậy đối với Syria thì đằng sau động cơ can thiệp của bên ngoài là gì? Quốc gia này tuy có dầu nhưng không phải là một nhà sản xuất dầu lớn trong khu vực.
Ông Nikolav Patrushev, Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga cho rằng: “Damas bị đưa vào tầm ngắm không hoàn toàn vì cái gọi là đàn áp lực lượng đối lập mà bởi vì họ không muốn cắt đứt quan hệ với Tehran”.
Đối với Mỹ và phương Tây, lật đổ chính quyền Al-Assad đồng nghĩa với việc chặt đứt một cánh tay của Iran, xóa bỏ một cứ điểm của Nga ở Trung Đông và giúp Israel loại bỏ một mối đe dọa tiềm tàng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc chơi ở Syria dường như phức tạp hơn nhiều ở Libya. Bởi nếu như chính phủ Syria bị đẩy vào một cuộc cách mạng sắc màu hay đất nước này rơi vào một cuộc nội chiến, toàn bộ khu vực Trung Đông sẽ rơi vào bất ổn.
Ông Mikhail Margelov, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về châu Phi phát biểu: “Syria khác với Libya bởi Syria là nền tảng cho sự ổn định chính trị ở khu vực Trung Đông, yếu tố Syria là một trong những yếu tố quan trọng. Chúng ta đều biết rằng, Syria đã và vẫn đang là một trong những thành phần tham gia các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông. Vai trò địa chiến lược của Syria có thể nói là quan trọng và mang ý nghĩa sống còn đối với sự ổn định quốc tế hơn bất kỳ vai trò địa chiến lược của quốc gia nào đang bị cái gọi là "Mùa xuân Arab" đe dọa. Chính vì thế, khi giải quyết vấn đề Syria, chúng ta phải chơi một ván cờ chính trị, chứ không phải là một trận bóng đá Mỹ”.
Ván cờ chính trị giữa một bên là chế độ của Tổng thống Syria Assad và một bên là Mỹ, Liên đoàn Arab và một số quốc gia phương Tây khác dường như đang ở thế bất phân thắng bại.
Với vị trí và vai trò địa chính trị chiến lược trong khu vực, Syria nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những đồng minh truyền thống của mình là Nga và Iran. Ngoài ra, Trung Quốc- quốc gia đang tìm kiếm sự ảnh hưởng của mình tại Trung Đông cũng tỏ ra cứng rắn trong lập trường ngăn chặn một sự can thiệp quân sự vào Syria bằng 2 lá phiếu phủ quyết đối với dự thảo nghị quyết về Syria của HĐBA LHQ.
Trong khi đó, Tổng thống Syria Assad có thể dựa vào một chế độ tương đối mạnh và đoàn kết, đặc biệt là sự trung thành của quân đội. Còn lực lượng đối lập cho dù đã mạnh lên nhiều trong thời gian qua và có khả năng đe dọa tới chế độ của Tổng thống Assad nhưng cho tới nay vẫn còn thiếu một sự gắn kết nội bộ chặt chẽ.
Về bản thân Tổng thống Assad, tới nay, ông vẫn nhận được sự ủng hộ của khoảng hơn 50% dân số. Hơn thế, ông không bị cô lập hoàn toàn trong khu vực như trường hợp của ông Gaddafi ở Libya. Trong số các quốc gia láng giềng của Syria, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ là kiên quyết chống lại Syria. Và thậm chí, ngay cả Israel vốn được xem là kẻ thù không đội trời chung với Tổng thống Assad cũng rất thận trọng đối với tình hình của Syria lúc này.
Các nhà quan sát cho rằng, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng can thiệp quân sự vào Syria nhưng tất cả những yếu tố khác biệt giữa Syria và Libya cũng sẽ buộc những đối thủ của Syria phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi nước cờ cuối cùng là giải pháp quân sự.
Ý kiến bạn đọc