Hy Lạp đã thực sự "thoát hiểm"?
08:02, 24/02/2012
Gói cứu trợ thứ hai đã được thông qua, Hy Lạp đã tránh được nguy cơ vỡ nợ, song nước này còn rất nhiều việc phải làm để có thể sớm hoàn tất thỏa thuận cứu trợ, giải quyết vấn đề nợ nần và sau đó bắt tay vào các cải cách vực dậy nền kinh tế đã rơi vào suy thoái năm thứ 5.
Hình minh họa |
Ông Nikos Christodoulou, nhà phân tích tài chính cho biết: "Đã có nhiều trì hoãn trong tiến trình đàm phán, nhưng có vẻ như Hy Lạp sẽ có đủ thời gian từ nay đến ngày 20/3 để tiến hành thỏa thuận đảo nợ. Tôi dự đoán đề nghị chính thức sẽ được đưa ra với các nhà cho vay".
Một nguồn tin từ Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết, việc hoán đổi nợ sẽ được tiến hành vào ngày 12/3, trong khi chính phủ nước này hy vọng sẽ có ít nhất 66% số chủ nợ tư nhân ký vào thỏa thuận. Chính phủ Hy Lạp có thể sẽ áp đặt luật Điều khoản hành động tập thể để buộc tất cả các nhà đầu tư tư nhân hoán đổi số trái phiếu của nước này mà họ đang nắm giữ.
Ngoài việc xóa 107 tỷ euro nợ cho Hy Lạp, các chủ nợ tư nhân còn được đề nghị cho Aten thời hạn 30 năm để thanh toán nợ, so với chỉ dưới 7 năm hiện nay. Trong khi đó, lãi suất trung bình sẽ giảm từ 4,8% xuống 3,65%.
Rõ ràng, cái giá mà Hy Lạp phải trả để nhận được gói cứu trợ thứ hai là người dân nước này sẽ phải chịu thêm nhiều năm khó khăn, sau khi đã phải gồng mình dưới các biện pháp khắc khổ trong 24 tháng qua.
Mới đây, công ty đánh giá tín nhiệm Fitch đã vừa hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp vì cho rằng, quốc gia đang chao đảo vì nợ nần này rất có thể sẽ mất khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính ngay cả sau khi nhận được quỹ cứu trợ mới do các nước láng giềng châu Âu cung cấp.
Trong một tuyên bố, Fitch nói rằng, công ty này đã đánh tụt bậc tín nhiệm của Hy Lạp xuống hai nấc, từ CCC xuống còn C, đồng thời nhận định khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ là "rất cao trong ngắn hạn".
Động thái trên diễn ra sau khi Hy Lạp đạt được một thỏa thuận cứu trợ mới trị giá 172 tỉ USD hồi đầu tuần - gói cứu trợ thứ hai dành cho nước này trong vòng hai năm qua.
Ý kiến bạn đọc