Chấp nhận điều kiện thắt lưng buộc bụng của EU
Hy Lạp đối diện nguy cơ bất ổn mới
Bất chấp làn sóng biểu tình phản đối rầm rộ bên ngoài trụ sở Quốc hội Hy Lạp, tối 12-2 (giờ địa phương), với tỷ lệ 199/278, cơ quan lập pháp nước này đã thông qua dự luật mới chấp nhận các điều kiện khắc nghiệt mà Athens phải thực hiện để nhận được gói cứu trợ thứ hai từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vào tháng 3 tới. Tuy nhiên, đối với người dân Hy Lạp, tác động của các biện pháp thắt lưng buộc bụng vượt quá giá trị của gói cứu trợ.
Hiệu quả không hề dễ dàng
Trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos thuyết phục quốc hội hãy chọn giải pháp xấu để tránh tình trạng xấu nhất. Thủ tướng Papademos cho rằng với kết quả cuộc bỏ phiếu trên, nước này đã có một chương trình kinh tế toàn diện và đáng tin cậy để thoát khỏi khủng hoảng, khi Hy Lạp đến hạn trả gần 14,5 tỷ USD tiền nợ đến hạn vào ngày 14-3 và duy trì vị trí của Hy Lạp trong Khu vực đồng EUR. Tuy nhiên, ông thừa nhận mặc dù việc thực hiện chương trình này triệt để, đúng lúc nhưng kết quả gặt hái không hề dễ dàng vì kế hoạch này đồng nghĩa với việc người dân Hy Lạp sẽ phải hy sinh rất nhiều thứ.
Dư luận Hy Lạp cho rằng, chính phủ với nạn tham nhũng, quản lý yếu kém, trong nhiều năm qua đã đưa đất nước đến một kết cục tồi tệ như hiện nay và những chính sách này không phải là cách để thoát khỏi khủng hoảng. Thực tế, gói cứu trợ thứ nhất mà EU dành cho Hy Lạp (khoảng 170 tỷ USD) đã không phát huy được hiệu quả như người dân Hy Lạp mong đợi. Thậm chí có dư luận cho rằng việc này sẽ đẩy Hy Lạp vào vòng luẩn quẩn nợ nần, đẩy gánh nặng nợ nần cho tương lai và nuôi dưỡng mầm mống tham nhũng ngày càng phát triển.
Không chỉ riêng Hy Lạp, hàng loạt chính sách thắt lưng buộc bụng của nhiều nước đang áp dụng ngày càng thể hiện rõ mặt tiêu cực với tỷ lệ thất nghiệp cao, bất ổn xã hội lan rộng... Chương trình “thắt lưng buộc bụng” phải phù hợp với từng nền kinh tế chứ không nên áp dụng tràn lan. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo việc cắt giảm chi tiêu bất hợp lý có thể “giết chết” triển vọng tăng trưởng. Vì khi tiền tệ bị thắt chặt, không có đầu tư và lương người lao động không đủ trang trải cuộc sống thì tỷ lệ nghèo đói, thất nghiệp cũng sẽ theo đó mà trầm trọng thêm.
Athens biến thành biển lửa
Trước cuộc bỏ phiếu, khoảng 100.000 người dân đã tập trung tại thủ đô Athens và Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp, để tham gia cuộc tuần hành phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ hơn nói trên. Cảnh sát buộc phải dùng hơi cay trấn áp những người biểu tình quá khích khi họ ném bom xăng đốt cháy nhiều tòa nhà và cửa hiệu. 150 cửa hiệu đã bị người biểu tình đột nhập cướp phá, 34 tòa nhà bị đốt cháy, trong đó có một số rạp chiếu phim, quán cà phê, nhà hàng và trụ sở ngân hàng. 54 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Một trong những tòa nhà bị đốt cháy đêm 12-2. |
Các cuộc biểu tình bạo lực cũng lan sang các thành phố và thị trấn khác của Hy Lạp, trong đó có những hòn đảo du lịch như Corfu và Crete. Vài tòa nhà lịch sử, các quán cà phê và rạp chiếu phim, đã bốc cháy. Quảng trường Syntagma ở trung tâm thủ đô ngập trong mùi khí gas.
Giới phân tích cho hay tâm lý giận dữ ngày càng gia tăng trong công chúng tại Hy Lạp vì người ta cho rằng tác động của các biện pháp thắt lưng buộc bụng lên dân thường vượt quá giá trị của gói cứu trợ. Nhiều người cảnh báo sự giận dữ trong xã hội dâng cao có khi dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội mà các chính trị gia Hy Lạp cũng như các nhà kinh tế EU không lường trước được. Bài học của Indonesia năm 1998 dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Suharto sau khi chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng của IMF vẫn còn có giá trị đối với Hy Lạp ngày nay.
Sau khi Hy Lạp bỏ phiếu tán thành các điều kiện của EU, thị trường chứng khoán châu Âu tăng điểm, đồng EUR cũng tăng giá so với USD. Tuy vậy, các nhà phân tích kinh tế cho rằng việc EU phải ra tay cứu trợ Hy Lạp lần 2 cho thấy cuộc khủng hoảng nợ khu vực đã lên đến đỉnh điểm. Trong khi đó tại các quốc gia EU, người dân cho rằng nếu cứu trợ Hy Lạp, có thể hậu quả mà người dân các nước gánh chịu thậm chí tệ hơn chính Hy Lạp. Nhưng EU vẫn quyết định chọn giải pháp cứu Hy Lạp vì nếu Hy Lạp sụp đổ thì cả nền kinh tế chung không thể tránh khỏi hậu quả nghiêm trọng, vì các ngân hàng các nước này đều đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ Hy Lạp, kéo theo sự sụp đổ của đồng EUR. |
Ý kiến bạn đọc