I-ran và gián điệp Mỹ

07:59, 31/12/2011

Số phận công dân Mỹ A-mia Mi-da-ây Hếch-ma-ti (Amir Mirzaei Hekmati), người bị I-ran truy tố tội làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), chưa được định đoạt do tiến trình xét xử sẽ tiếp tục. Vụ việc càng gây chú ý hơn trong bối cảnh giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran đang căng thẳng do I-ran đe dọa đóng cửa eo biển Hoóc-mút.


Trong phiên xử kín mới đây, các công tố viên I-ran đã đề nghị mức án tử hình đối với A-mia, người thừa nhận trên truyền hình I-ran làm gián điệp cho CIA. Theo điều tra của I-ran, A-mia đến I-ran để xâm nhập vào hệ thống tình báo của nước này. A-mia đã xâm nhập cơ quan tình báo I-ran tổng cộng 3 lần. Trên truyền hình, A-mia đã thú nhận được huấn luyện đặc biệt ở Mỹ và dự định sau khi trở về Mỹ sẽ đưa ra tuyên bố I-ran dính líu tới các hoạt động khủng bố ở nước ngoài. A-mia vốn là một lính thủy đánh bộ Mỹ đã được huấn luyện và phục vụ tại các căn cứ quân sự của Mỹ tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan trước khi xâm nhập I-ran làm gián điệp. Theo hãng tin Fars của I-ran, A-mia được đào tạo về ngôn ngữ và trở thành một nhà phân tích tình báo của hải quân Mỹ. 

Trên truyền hình, A-mia mô tả sứ mệnh của mình là làm sao giành được niềm tin của các giới chức I-ran bằng cách trao cho họ các thông tin mật và sau đó bí mật luồn vào các cơ quan tình báo của nước này. Fars mô tả, A-mia đã được tiếp cận các tài liệu mật của Mỹ khi làm việc tại Áp-ga-ni-xtan. A-mia cung cấp tin tức mà anh ta có cho I-ran bằng thủ đoạn như sau: Trước tiên là cung cấp miễn phí một phần thông tin, sau đó, nếu I-ran thích các tin tức này thì A-mia sẽ đề nghị mức giá 500 nghìn USD để cung cấp nốt phần còn lại. Tuy nhiên, A-mia được trích dẫn nói với thẩm phán I-ran rằng: “Trong sứ mệnh này, tôi đã bị CIA lừa. Mặc dù tôi đã vào I-ran với nhiệm vụ xâm nhập hệ thống tình báo của nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran và trở thành một nguồn tin mới cho CIA, nhưng tôi không muốn gây tổn hại cho I-ran”.

A-mia Mi-da-ây Hếch-ma-ti. Ảnh: AFP

Với lời thú nhận làm gián điệp của CIA, A-mia sẽ phải đối mặt với án tử hình theo luật pháp của Nhà nước Hồi giáo. Theo gia đình A-mia, gia đình bị bất ngờ khi xem đoạn băng được phát trên đài truyền hình I-ran. A-mia xuất hiện trong đoạn băng với vẻ điềm đạm, trong một căn phòng khá sang trọng và được cho là có sự sắp đặt. Đài truyền hình không phát toàn bộ đoạn băng nên không rõ A-mia đã được hỏi những gì. Gia đình A-mia tin rằng, A-mia không bao giờ dính dáng đến CIA. Họ cho biết, A-mia phục vụ trong hải quân Mỹ từ năm 2001 đến 2005. Sau đó, A-mia mở một công ty ngôn ngữ riêng và có hợp đồng dịch vụ với quân đội và cả các công ty dân dụng. Các hợp đồng với quân đội của A-mia gồm các hoạt động đào tạo về thích nghi văn hóa. A-mia làm việc với các binh lính tại các căn cứ quân sự để thúc đẩy hiểu biết và các biện pháp giao tiếp phù hợp với người dân trong các nền văn hóa khác nhau.

A-mia, 28 tuổi, sinh tại bang A-ri-dô-na trong một gia đình gốc I-ran. Cha của A-mia cho biết, A-mia tới thăm ông bà ở I-ran thì bị bắt. Luật sư Xa-ma-đi (Samadi) của A-mia đã bác bỏ mọi lời buộc tội và cho rằng, tình báo I-ran đã ngăn chặn hành động xâm nhập của A-mia, nên theo luật I-ran, dự định xâm nhập không phải là tội. 

Trong vụ án của A-mia, điều được quan tâm nhất hiện nay là Oa-sinh-tơn sẽ phản ứng ra sao và sẽ làm gì để giải cứu công dân nước mình, trong bối cảnh A-mia khó tránh khỏi án tử hình. Từ khi A-mia bị bắt, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu I-ran thả tự do ngay lập tức cho anh ta và khẳng định anh ta bị bắt oan. Mỹ cũng tuyên bố các cáo buộc của Tê-hê-ran đối với A-mia là sai trái. Oa-sinh-tơn cũng đề nghị được tiếp cận A-mia thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tê-hê-ran, vốn đại diện cho quyền lợi của Mỹ tại I-ran vì hai nước không có quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, I-ran đã từ chối lời đề nghị được thăm A-mia của Thụy Sĩ. Đến nay, Oa-sinh-tơn chưa bày tỏ động thái gì thêm.

Trong khi đó, I-ran tỏ ra rất cứng rắn trong vụ nghi can gián điệp A-mia. I-ran khẳng định, gián điệp Mỹ có tội và sẽ phải bị xét xử trên chính đất I-ran. Giới chức I-ran phản ứng gay gắt rằng, các quan chức Mỹ đã "ngang nhiên cài gián điệp và triển khai các máy bay do thám trên lãnh thổ của I-ran và sau đó cũng ngang nhiên đòi trả lại".

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng việc I-ran đưa A-mia ra xét xử vào thời điểm quan hệ giữa I-ran và phương Tây, nhất là với Mỹ rất căng thẳng, như một con bài để mặc cả buộc phương Tây giảm sức ép lên Tê-hê-ran. Hiện các nước phương Tây đang có xu hướng ủng hộ các lệnh trừng phạt mới nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của I-ran. Ngoài ra, căng thẳng càng gia tăng khi Tê-hê-ran đe dọa đáp trả bằng việc đóng cửa eo biển Hoóc-mút có vị trí chiến lược trên tuyến đường vận tải hàng hải quốc tế.


qdnd

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công bố 12 sự kiện tiêu biểu ngành giáo dục năm 2011
Năm 2011 là năm học được toàn ngành giáo dục và đào tạo xác định là năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.
31/12/2011
Quân ủy Triều Tiên gọi Tổng thống Hàn là "con rối"
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 30/12 đã loại trừ khả năng thay đổi chính sách và sẽ bác bỏ bất cứ cam kết nào với chính phủ hiện tại ở Hàn Quốc, chỉ một ngày sau khi người con của nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-Il được chính thức suy tôn là "lãnh đạo tối cao" của đất nước.
30/12/2011
Triều Tiên cử hành lễ truy điệu ông Kim Jong Il
Theo THX và AFP, sáng 29/12, Bắc Triều Tiên đã cử hành lễ truy điệu cấp nhà nước nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il.
29/12/2011
Putin bác tin thành quyền Tổng thống trước bầu cử
Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 28/12 đã phủ nhận tin đồn rằng ông sẽ trở thành quyền Tổng thống trước kỳ bầu cử tổ chức vào tháng Ba năm 2012.
29/12/2011