45 người tử vong do bệnh chưa xác định ở Cộng hòa Dân chủ Congo

10:40, 20/02/2025

Tổ chức Y tế Thế giới nêu rõ 2 cụm ca bệnh và ca tử vong liên quan bệnh chưa xác định trên đã được báo cáo tại 2 khu vực y tế khác nhau của tỉnh Equateur với 45 ca tử vong trong 431 ca mắc.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân ở CHDC Congo.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân ở CHDC Congo.

Ngày 19/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã tiếp nhận báo cáo về một căn bệnh mới, chưa xác định tại Tây Bắc Cộng hòa Dân chủ Congo.

Đây là nơi đang phải hứng chịu nhiều cuộc khủng hoảng y tế công cộng và nhân đạo.

Trong tuyên bố, WHO nêu rõ 2 cụm ca bệnh và ca tử vong liên quan bệnh chưa xác định trên đã được báo cáo tại 2 khu vực y tế khác nhau của tỉnh Equateur. Tính đến ngày 15/2, có 431 ca mắc, trong đó 45 ca tử vong.

Cụm ca bệnh và ca tử vong đầu tiên được ghi nhận vào tháng 1 tại làng Boloko, thuộc khu vực y tế Bolomba. Các cuộc điều tra sơ bộ đã truy vết được nguồn gốc của đợt bùng phát là 3 ca tử vong trong cộng đồng ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Trước đó, những trường hợp này có biểu hiện sốt, đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi và xuất huyết. Theo một số thông tin đang được xác minh, trước khi xuất hiện các triệu chứng trên, những trẻ nhỏ này đã ăn phải xác dơi.

Cụm dịch thứ 2 được báo cáo vào tháng 2 tại làng Bomate, trong khu vực y tế Basankusu. Với số ca mắc bệnh tăng nhanh trong vài ngày, cụm dịch này đang gây mối đe dọa đáng kể đến sức khỏe cộng đồng.

Giới chức y tế địa phương cho biết căn bệnh này diễn tiến nhanh chóng. Khu vực y tế Basankusu ghi nhận gần 50% ca tử vong được ghi nhận chỉ trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Tỷ lệ tử vong đặc biệt cao tại Khu vực Y tế Bolomba. Dù vậy hiện cơ quan chức năng chưa xác định mối liên hệ dịch tễ nào giữa các trường hợp ở hai khu vực này.

WHO cho biết các chuyên gia của tổ chức này đang xem xét khả năng các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết do virus, ngộ độc thực phẩm hoặc nước, thương hàn và viêm màng não. Qua kết quả xét nghiệm, hiện đã loại trừ các cụm ca bệnh trên nhiễm virus Ebola và virus Marburg.

Vào cuối năm 2024, một căn bệnh lạ đã hoành hành tại tỉnh Kwango ở phía Tây Nam của Cộng hòa Dân chủ Congo, sau đó được xác định là sốt rét nặng do suy dinh dưỡng.

Theo báo cáo của Chính phủ nước này trong tháng 1/2025, có 2.774 ca nhiễm bệnh, trong đó 77 ca tử vong.

Cuộc xung đột vũ trang leo thang ở các tỉnh Bắc Kivu và Nam Kivu của Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn. Có báo cáo về tình trạng cướp bóc, tấn công nhân viên cứu trợ và tắc đường đã làm gián đoạn nghiêm trọng các nỗ lực cứu trợ.

WHO kêu gọi hành động ngay lập tức để đảm bảo tiếp cận nhân đạo, khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng và đảm bảo cung cấp viện trợ y tế và lương thực, đồng thời nhấn mạnh rằng việc tăng cường giám sát y tế công cộng vẫn là điều cần thiết để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Theo Nhân Dân Điện tử


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tòa án Hàn Quốc bác đề nghị của ông Yoon Suk Yeol, tiến hành phiên điều trần đúng lịch
Mặc dù bác đề nghị hoãn phiên điều trần, nhưng Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã đồng ý lùi phiên điều trần luận tội sang 15 giờ ngày 20/3, theo yêu cầu mới từ luật sư của Tổng thống Yoon là Yun Gap-geun.
19/02/2025
Hamas bày tỏ thiện chí trong việc dàn xếp chính trị tại Dải Gaza
Người phát ngôn của Hamas tuyên bố phong trào của Palestine sẵn sàng tìm hiểu mọi phương án dàn xếp chính trị và hành chính tại Dải Gaza mà không có sự tham gia của nhóm này.
18/02/2025
Mỹ: Dịch cúm mùa bùng phát nghiêm trọng, hàng chục nghìn ca tử vong
Mỹ đang đối mặt với mùa cúm nghiêm trọng khi số ca nhập viện và tử vong gia tăng, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine cúm giảm đáng kể.
17/02/2025
Căng thẳng thương mại liên quan các biện pháp áp thuế
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ đề nghị áp dụng thuế quan "công bằng và có đi có lại" đối với tất cả các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Bản ghi nhớ yêu cầu Howard Lutnick, người được đề cử làm Bộ trưởng Thương mại, và Jamieson Greer, đại diện thương mại toàn cầu của Mỹ, trong vòng 180 ngày đưa ra báo cáo đánh giá đối với từng quốc gia xem liệu biện pháp khắc phục có cần thiết để bảo đảm quan hệ thương mại có đi có lại hay không.
15/02/2025