Hà Giang

Biến thể virus khiến số ca mới tăng cao tại Hàn Quốc

08:06, 07/07/2021

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 6/7 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 325 ca mắc 4 biến thể chính của virus SARS-CoV-2, trong đó có 153 ca nhiễm biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc.

Hiện tổng số ca nhiễm các biến thể ở Hàn Quốc đã lên tới 2.817 ca, trong đó số ca nhiễm biến thể Delta là 416 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong số các ca nhiễm những biến thể mới nói trên, 168 ca nhiễm biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh, 153 ca nhiễm biến thể Delta phát hiện từ Ấn Độ và 4 ca nhiễm biến thể Gamma từ Brazil.

KDCA cảnh báo Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ có thêm nhiều ca nhiễm biến thể Delta. Cơ quan này cũng đưa ra dự báo rằng tính đến hết tháng 8 tới sẽ có tới 90% số ca mắc mới ở châu Âu và Mỹ nhiễm biến thể Delta.

Cũng theo KDCA, số lượng ca nhiễm biến thể mới gia tăng trong những ngày gần đây khiến Hàn Quốc đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Chỉ tính riêng trong tuần qua, tỷ lệ các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện thông qua phân tích gene là 50,1%, tăng mạnh so với 37,1% của một tuần trước đó.

Giống như làn sóng lây nhiễm trước, hơn 80% tổng số ca bệnh trong tuần qua tập trung ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon), nơi chiếm một nửa dân số Hàn Quốc và gần một nửa số ca nhiễm ở độ tuổi từ 20 đến 30 (chưa thuộc diện được tiêm chủng).

Nguy cơ lây nhiễm càng cao hơn sau khi Liên đoàn Lao động Hàn Quốc vừa tổ chức một cuộc biểu tình đường phố lớn với sự tham gia của 8.000 người ngày 3/7 vừa qua ở trung tâm thủ đô Seoul bất chấp cảnh báo của chính phủ. Sau sự việc này, Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra tuyên bố “sẽ có biện pháp xử lý cứng rắn bằng pháp luật đối với những hành vi vi phạm hướng dẫn phòng dịch COVID-19”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã hoàn tất việc tiêm mũi thứ 1 vaccine ngừa COVID-19 cho tổng cộng 15,4 triệu người, tương đương 30% dân số trong khi 5,32 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 10,5% dân số.

Từ trung tuần tháng 7 này, Hàn Quốc sẽ thực hiện tiêm chủng mở rộng theo thứ tự. Theo đó khoảng 70.000 người dự định nhập ngũ trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 (như đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự, sĩ quan dự bị) sẽ được tiêm vaccine từ ngày 12/7 tới. Đối tượng này chỉ cần trình giấy thông báo nhập ngũ với trung tâm y tế để làm thủ tục xác nhận và đăng ký sau đó tiêm chủng tại trung tâm tiêm phòng. Bên cạnh đó, 1.126.000 người là giáo viên mẫu giáo, nhà trẻ, trường cấp I, cấp II sẽ bắt đầu được đặt lịch tiêm phòng vaccine của hãng Pfizer từ ngày 14 - 17/7 tới. Khoảng 640.000 học sinh lớp 12 và giáo viên cấp III sẽ được tiêm vaccine này từ ngày 19 - 30/7 tại trung tâm tiêm chủng theo đơn vị trường học.

* Trong khi đó, tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ngày 6/7 thông báo có 593 ca nhiễm mới, tiếp tục đà tăng trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo. Số ca bệnh trung bình trong một tuần tại Tokyo hiện là 602,3 ca/ngày, trên mức 500 ca/ngày mà chính phủ đánh giá là mức nguy hiểm thứ 4 trên thang đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh gồm 4 cấp độ.

Trước bối cảnh đó, ông Taro Kono, Bộ trưởng Cải cách hành chính, người phụ trách chương trình tiêm chủng quốc gia, cho biết chính phủ có kế hoạch phân phối tổng cộng 11,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer đến các khu vực trên cả nước 2 tuần một lần từ tháng 7 này đến cuối tháng 9 tới, nhưng không nêu cụ thể số vaccine phân bổ cho từng khu vực.

Nhật Bản đang nỗ lực triển khai tiêm chủng sau khi bị chỉ trích là chậm chạp trong công tác này. Nhật Bản đã nhận được 13,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna vào cuối tháng 6 vừa qua. Dự kiến, từ này đến cuối tháng 9 tới, Nhật Bản sẽ nhận được thêm 36,3 triệu liều từ công ty dược phẩm này của Mỹ theo thỏa thuận 50 triệu liều đã được hai bên nhất trí trước đó.

Theo Baotintuc


Cùng chuyên mục

Israel có thể phải hủy gần 800.000 liều vaccine Pfizer
Bộ Y tế Israel sẽ tiêu hủy ít nhất 800.000 liều vaccine Pfizer nếu không tìm được người mua trong vòng 2 tuần tới, một kênh truyền hình đưa tin. Số liều vaccine Pfizer này sắp hết hạn vào cuối tháng 7 và trị giá hàng trăm triệu USD, theo kênh truyền hình Kan.
 

 

30/06/2021
Campuchia thêm 883 ca mắc, 16 ca tử vong do COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn đang tiến sát tới ngưỡng cao 900 ca một ngày, với ngày càng nhiều ca lây nhiễm ngoài thủ đô Phnom Penh và các ca nhập cảnh.

29/06/2021
Indonesia tăng kỷ lục hơn 21.000 ca nhiễm Covid-19

Indonesia tăng hơn 21.000 ca nhiễm mới Covid-19, cao kỷ lục từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đang trở nên quá tải. Giới chức y tế Indonesia thông báo ghi nhận 21.342 ca nhiễm mới nCoV hôm 27/6, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc vượt 2,1 triệu người. Nước này cũng tăng 409 ca tử vong vì Covid-19 chỉ sau một đêm, khiến số người chết vượt 57.000.

28/06/2021
Ấn Độ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Delta Plus

Giữa bối cảnh các biến thể không ngừng xuất hiện và ngày càng nguy hiểm hơn, nhiều nước đã chuyển hướng chiến lược sang yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

26/06/2021