Dư luận Mỹ lo ngại về tốc độ bồi lấp biển của Trung Quốc ở Biển Đông

14:10, 16/04/2015

Hoạt động xây dựng, lấp biển của Trung Quốc ở Biển Đông làm bùng phát chỉ trích từ Mỹ và sự lo ngại của các nước có tranh chấp, trong đó có Philippines.

Trong vài tuần qua, chính giới và truyền thông Mỹ liên tục có những phát biểu, bài viết và bài bình luận bày tỏ sự lo ngại về chiến dịch ráo riết của Trung Quốc bồi lấp các bãi đá, các rặng san hô ở Biển Đông, cho rằng đây không chỉ là nguy cơ gây bất ổn khu vực Đông Nam Á mà còn đe doạ tới lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực này.

Mới nhất, ngày 14/4, tờ “Business Insider” đăng bài của tác giải Erin Brodwin cho rằng hành động bồi lấp các bãi đá, đảo đầm và rặng san hô ở Biển Đông là cách thức mới của Bắc Kinh nhằm thực thi chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp. 

Hình ảnh vệ tinh việc Trung Quốc cải tạo bãi Vành Khăn (Ảnh CSIS)

Theo các bức ảnh vệ tinh của Mỹ, kể từ tháng 1/2015, Trung Quốc đã và đang sử dụng những cần nạo vét khổng lồ hút cát xung quanh bãi đá Mischief Reef (Đá Vành Khăn) thuộc quần đảo Trường Sa, bồi lấp bãi đá này thành một hòn đảo nổi có diện tích khá lớn.

Hoạt động xây dựng và lấp biển của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm bùng phát làn sóng chỉ trích từ phía Mỹ và sự lo ngại của các nước có tranh chấp, trong đó có Philippines.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11/4 phát biểu với báo giới khi ở thăm Jamaica bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang không tuân thủ luật pháp quốc tế, sử dụng sức mạnh của mình để bắt nạt các nước bé hơn như Philippines và Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến công du Đông Bắc Á đầu tuần này cũng bày tỏ sự lo ngại về tốc độ và quy mô bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn tiếp tục làm với lời giải thích rằng những việc làm đó là hợp pháp và không có tác động hay nhắm vào bất kỳ quốc gia nào. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đều đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước hành động bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa của Trung Quốc (ảnh: AP)

Một bản báo cáo mới đây của Cục Tình báo Hải quân Mỹ nêu bật những thách thức mà khu vực Đông Nam Á đang đối mặt giữa lúc Trung Quốc tiến hành một kế hoạch quy mô lớn để tăng cường sức mạnh quân sự.

Bản báo cáo này cho biết Trung Quốc đang gia tăng số lượng chiến hạm và tàu ngầm trang bị các tên lửa hành trình hiện đại, kết hợp thực hiện những công trình quy mô lớn để cải tạo đất đai xung quanh những hòn đảo nhỏ mà họ kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Bản báo cáo cho rằng hoạt động bồi đắp của Trung Quốc tại 7 bãi đá Trường Sa đã làm cho tổng diện tích của các bãi đá này tăng từ khoảng 2 hécta lên hơn 3000 hécta, đủ để xây ít nhất một sân bay.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, mới đây cảnh báo rằng Trung Quốc đang xây “Trường thành bằng cát” trong khu vực Biển Đông có tranh chấp. Ông cũng nói rằng cách thức Bắc Kinh có các động thái như thế nào sẽ là một chỉ dấu chính yếu cho thấy khu vực này đang trên đường tiến tới chỗ đối đầu hay hợp tác.

Đầu tuần này, Philippines cho rằng những hoạt động xây dựng ồ ạt của Trung Quốc ở Biển Đông gây thiệt hại kinh tế lên tới 100 triệu USD mỗi năm cho các nước láng giềng. Mỹ và các nước láng giềng không chỉ lo ngại những công trình xây dựng mà Trung Quốc đã và đang tiến hành mà còn cảm thấy lo ngại trước cách thức Trung Quốc đã làm để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền, điển hình là vụ tháng 5 năm ngoái đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rồi dùng vòi rồng để xua đuổi tàu thuyền của Việt Nam. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và dùng đường lưỡi bò đứt khúc 9 đoạn làm cơ sở cho yêu sách đó. 

Một báo cáo mới của Hải quân Mỹ cho biết, Trung Quốc đã tăng 25% số lượng tàu hải giám trong 3 năm qua. Đây là những loại tàu mà lực lượng Cảnh sát Biển của Trung Quốc thường sử dụng cho hầu hết những cuộc tuần tra ở Biển Đông. Trung Quốc hiện có đội tàu Hải Cảnh lớn nhất thế giới, nhiều hơn tàu cảnh sát biển của các nước láng giềng Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại. 

Một báo cáo mới của Hải quân Mỹ cho biết, Trung Quốc đã tăng 25% số lượng tàu hải giám trong 3 năm qua (ảnh: AFP)

Báo cáo cho biết trong năm 2014, Trung Quốc bắt đầu đóng, hạ thuỷ hoặc đưa vào hoạt động hơn 60 tàu và một số lượng tàu tương tự đã được lên kế hoạch đóng trong năm 2015- 2016. Báo cáo cho rằng mặc dù tốc độ phát triển kinh tế đang chậm lại, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục gia răng chi tiêu quân sự ở mức hai con số.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 là 141,5 tỷ USD, tăng 10% so với tài khoá 2014. Gia tăng ngân sách quốc phòng nằm trong mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình biến Trung Quốc thành một cường quốc hải quân, với tầm hoạt động xa hơn trong thập niên tới./.

vov.vn

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tổng thống Mỹ xuống nước trong thỏa thuận hạt nhân với Iran

Cả 9 thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ tại Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện đều bỏ phiếu ủng hộ dự luật cho phép Quốc hội bỏ phiếu về vấn đề hạt nhân Iran.

16/04/2015
Ông Obama đề nghị đưa Cuba khỏi danh sách nước tài trợ cho khủng bố

Hồi tuần trước, Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã khuyến nghị Tổng thống Obama đưa Cuba ra khỏi danh sách đen này.

15/04/2015
Nigeria tuần hành kỷ niệm 1 năm Boko Haram bắt cóc hơn 200 nữ sinh

Lực lượng Boko Haram tỏ ra tàn bạo không kém gì lực lượng IS.

15/04/2015
Thượng nghị sĩ Marco Rubio tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ

Trong tuyên bố tranh cử Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio kêu gọi thành lập một thế hệ lãnh đạo mới "không bị kẹt lại thế kỷ 20".

14/04/2015