Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên
BHG - Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân nói chung và thanh, thiếu niên, học sinh nói riêng, thời gian qua, huyện Đồng Văn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để làm tốt công tác này. Trong đó, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên” của UBND huyện sau khi triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực. Từng bước nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho đại bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh tại các trường học trên địa bàn.
Công an Đồng Văn tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường Nội trú huyện. |
Là huyện vùng cao với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế. Hàng năm, trên địa bàn vẫn xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật về ATGT, bạo lực học đường. Tình trạng thanh, thiếu niên bỏ học, kết hôn sớm vẫn xảy ra tại một số trường học. Để thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL, trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, huyện; hàng năm, các cơ quan chức năng đã thường xuyên phối hợp tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên và học sinh tại các đơn vị trường học trên địa bàn. Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên” của UBND huyện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tuân thủ và chấp hành pháp luật. Đến nay, trên 85% thanh, thiếu niên, học sinh được tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hàng năm, giảm trên 20% số vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên.
Vừa qua, Phòng Tư pháp, Phòng GD&ĐT và Công an huyện tiến hành tuyên truyền tại các trường học với nội dung, như: Quy định pháp luật về hôn nhân gia đình, kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên; quy định pháp luật về hình sự liên quan đến độ tuổi thanh, thiếu niên, về phòng, chống bạo lực học đường, giao thông đường bộ… Bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền trực tiếp kết hợp với chiếu video và hỏi đáp, cung cấp tờ rơi, tranh ảnh,… Thông qua các buổi tuyên truyền đã ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường, tảo hôn, vi phạm an ATGT; nâng cao trách nhiệm của ngành Giáo dục trên địa bàn huyện trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, nhận thức về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa, can thiệp kịp thời các hành vi bạo lực học đường cũng được nâng lên. Học sinh, thanh, thiếu niên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục sức khỏe sinh sản; các quy định về phòng, chống tảo hôn.
Bà Mua Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đồng Văn, cho biết: Những năm qua, nhờ sự phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị nên công tác PBGDPL đã đi vào nề nếp. Hiện, 100% các đơn vị trường học đều có tủ sách pháp luật, xây dựng đầy đủ kế hoạch PBGDPL trong trường học và thực hiện nghiêm túc công tác này; kịp thời phổ biến tới giáo viên, học sinh các quy định pháp luật. Đặc biệt, chúng tôi đẩy mạnh việc đào tạo bài bản cho các giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại các trường, đảm bảo có đội ngũ giáo viên chất lượng, chuyên môn vững, nâng cao chất lượng các tiết học… Đến nay, ý thức chấp hành luật pháp của giáo viên, học sinh được nâng lên; tình trạng học sinh vi phạm pháp luật đã giảm từng năm.
Ông Phạm Hồng Việt, Trưởng phòng Tư pháp huyện, cho biết: Là cơ quan tham mưu cho UBND huyện, thời gian qua, Phòng Tư pháp đã làm tốt nhiệm vụ của mình, phối hợp với các cơ quan mở lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật. Đồng thời, cùng với Phòng GD&ĐT, chính quyền các xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật tại các trường học, các thôn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của học sinh, thanh, thiếu niên về pháp luật. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các phòng chuyên môn để thực hiện hiệu quả đề án, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người dân, thanh, thiếu niên; nâng cao chất lượng các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của công tác PBGDPL trên địa bàn huyện.
Thực tế, để công tác PBGDPL thật sự đi vào cuộc sống, cần tăng cường sự chỉ đạo và hoạt động công tác PBGDPL các cấp theo hướng thường xuyên, sâu sát hơn; tuyên truyền, PBGDPL theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của học sinh, thanh, thiếu niên đối với pháp luật; cần sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng. Từ đó, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.
Bài, ảnh: My Ly