Hà Giang

Chung tay phòng, chống mua, bán người

19:15, 23/10/2019

BHG - Là tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài, địa hình hiểm trở, trình độ dân trí còn thấp, tình trạng mua, bán người (MBN) diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Để chung tay phòng, chống MBN, các cấp, các ngành đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Các ngành chức năng của tỉnh ký kết phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.
Các ngành chức năng của tỉnh ký kết phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.

Tại nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tỉnh, các cơ quan chức năng đều chỉ rõ công tác phòng, chống tội phạm MBN hiện gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng MBN hoạt động ngày càng tinh vi, manh động và thường có yếu tố người nước ngoài; địa bàn xảy ra các vụ việc thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; nạn nhân thiếu việc làm, không có thu nhập, nhẹ dạ, cả tin và thiếu kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội…

Với quyết tâm đẩy lùi tội phạm MBN; những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai hiệu quả nhiều giải pháp: Các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch về công tác phòng, chống MBN; Sở LĐTB&XH phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác phòng, chống MBN cho hàng trăm lượt cán bộ cơ sở; duy trì 24/24 giờ số điện thoại đường dây nóng phòng, chống MBN tại Hà Giang và T.Ư, trong quý III.2019 đã tiếp nhận và xử lý trên 100 cuộc gọi đến, giúp các lực lượng chức năng nắm bắt và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan; chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị bán từ nước ngoài trở về; phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh thống nhất kế hoạch triển khai Dự án Phòng, chống MBN tại tỉnh; phối hợp các ngành, UBND các huyện tổ chức tư vấn tuyển sinh cho các nạn nhân MBN và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tham gia học nghề, nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng. Lực lượng Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tội phạm MBN tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, nhằm nâng cao nhận thức và giúp người dân cảnh giác với thủ đoạn, tội phạm MBN; phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc với hàng chục đối tượng có hành vi MBN; phối hợp trao trả và giải cứu hàng nghìn trường hợp phụ nữ bị mua, bán sang Trung Quốc. Hội LHPN các cấp thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông nhằm tuyên truyền, trang bị các kiến thức về âm mưu, thủ đoạn của những kẻ MBN và trang bị kỹ năng phòng, chống tội phạm MBN tới đông đảo hội viên; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả hàng trăm câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại cộng đồng như: “Phụ nữ tìm hiểu pháp luật”, “Phòng, chống các tệ nạn xã hội”, “Không có bạo lực gia đình”, “Không có người thân nghiện ma túy và vi phạm pháp luật”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với không tệ nạn xã hội”, “Trách nhiệm và chia sẻ”; các tổ “Phụ nữ tự quản, bảo vệ đường biên mốc giới” tại 34 xã biên giới; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia các hoạt động phòng, chống MBN; tư vấn cho phụ nữ có dự định kết hôn với người nước ngoài; hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn để ổn định cuộc sống; trực tiếp hỗ trợ nạn nhân về tư vấn pháp lý, tư vấn việc làm, học nghề, vay vốn. UBND các xã, phường, thị trấn thành lập trên 1 nghìn “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng, kịp thời giúp đỡ trẻ em, phụ nữ, đối tượng yếu thế bị bạo hành, xâm hại, nạn nhân bị mua bán trở về.

Nhiều nạn nhân bị bán sang Trung Quốc sau khi được giải cứu trở về đã chia sẻ: Họ bị chính người thân, bạn bè, hàng xóm lừa gạt sang Trung Quốc để làm việc với mức thu nhập cao; nhưng thực tế, khi sang bên kia biên giới, họ mới biết bị lừa bán làm vợ cho người nước ngoài, có người bị bán vào các nhà chứa để hoạt động mại dâm. Thủ đoạn lừa gạt ngày càng tinh vi, có nạn nhân bị người lạ giả vờ tán tỉnh, hứa hẹn yêu đương qua điện thoại rồi bị bán sang Trung Quốc… Các nạn nhân của tội phạm MBN không chỉ bị bóc lột sức lao động, bạo hành tình dục, ảnh hưởng sức khỏe mà còn tổn thương về tinh thần, tâm lý, khiến họ khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, tình hình tội phạm MBN vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng thì mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm, trở thành một “Lá chắn” sống, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xét xử lưu động vụ án mua bán người tại Yên Minh

BHG - Ngày 29.9, tại thị trấn Yên Minh, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án mua bán người. Phiên tòa đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn đến theo dõi. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh, vào cuối tháng 8.2018 đối tượng Sùng Mí Chứ (36 tuổi) trú tại xã Hữu Vinh (Yên Minh) làm quen, tán tỉnh, vờ yêu đương đối với chị Mua Thị Vừ (39 tuổi)

30/09/2019
Tuyên truyền pháp luật cho học sinh và nhân dân tại Quang Bình, Bắc Quang

BHG - Ngày 26.9, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Quang Bình và Bắc Quang tổ chức tuyên truyền pháp luật và tặng quà tại thị trấn Yên Bình và xã Đồng Yên.

27/09/2019
Tòa án Nhân dân tỉnh xin lỗi người bị kết án oan

BHG - Sáng 27.9, tại trụ sở UBND xã Minh Hương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Hà Giang tổ chức xin lỗi và cải chính công khai đối với ông Hoàng Nam Khánh, thường trú tại thôn 13, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, là người bị kết án oan với tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Chứng kiến buổi xin lỗi công khai có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hà Giang; lãnh đạo huyện Hàm Yên...

27/09/2019
Khảo sát đánh giá thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở tại xã Pả Vi

BHG - Ngày 25.9, đoàn công tác gồm đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng về công tác hòa giải ở cơ sở tại xã Pả Vi (Mèo Vạc).    Tại đây, đoàn có buổi phỏng vấn hỏi 50 người dân đã được hòa giải và 25 hòa giải viên cơ sở. Tọa đàm với lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND và các tổ chức hội đoàn thể xã. Các đại biểu đã tiến hành trả lời phiếu, 

26/09/2019