Nâng cao nhận thức phòng, chống tội phạm mua, bán người

06:59, 25/05/2017

BHG- Hiện nay, bọn tội phạm mua, bán người thường lợi dụng tình trạng thiếu việc làm của một bộ phận người dân, nhất là chị em phụ nữ; lấy danh nghĩa giới thiệu việc làm để lừa gạt nạn nhân. Chúng đến các bản, làng nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thấp để dụ dỗ, rủ rê những người đang thất nghiệp, hứa hẹn hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm việc làm với mức lương cao có thể hy vọng giúp đỡ được kinh tế gia đình và bản thân; từ đó, lợi dụng cả tin của nạn nhân để lừa đưa ra nước ngoài bán. Mặt khác, chúng tiếp cận những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, tình duyên trắc trở, hôn nhân đổ vỡ, những em gái mới lớn, những chị em phụ nữ thích phiêu lưu, muốn có cuộc sống xa hoa, nhàn hạ ở nơi thành phố, thị xã, hoặc đến các khách sạn, vũ trường để dụ dỗ, lừa gạt gái mại dâm, những người có lối sống tha hóa, buông thả đi làm gái mại dâm ở nước ngoài với mức lương thu nhập cao để thực hiện hành vi phạm tội.

Phòng Cảnh sát hình sự tuyên truyền pháp luật phòng, chống tội phạm mua, bán người cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Phương Thúy
Phòng Cảnh sát hình sự tuyên truyền pháp luật phòng, chống tội phạm mua, bán người cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Phương Thúy

Hầu hết các vụ án mua, bán người, mua, bán trẻ em thì các đối tượng phạm tội và nạn nhân đều có mối quan hệ quen biết từ trước hoặc các đối tượng chủ động làm quen, như: Anh em họ hàng, hàng xóm, bạn bè; hay nhận kết nghĩa anh em, bố con, mẹ con,... chúng lợi dụng những mối quan hệ này để gây lòng tin, rồi dụ dỗ cho quà, giả yêu đương, kết bạn rồi lừa gạt bằng cách rủ đi chơi, mua sắm, đi du lịch hoặc thăm người thân ở nước ngoài, vùng biên giới rồi lừa gạt, đe dọa bán qua biên giới. Bằng các thủ đoạn, chúng rủ về thăm quê, ra mắt gia đình, hoặc tổ chức những cuộc vui chơi, ăn uống hát hò rồi viện lý do hết tiền, rủ nạn nhân đến trung tâm các thành phố, thị xã hoặc qua biên giới để vay tiền, xin tiền người nhà rồi cấu kết các đối tượng là chủ nhà nghỉ, khách sạn hay đối tượng người nước ngoài bán các nạn nhân làm gái mại dâm hoặc mua về làm vợ. Mặt khác, chúng lợi dụng đường biên giới mở, thông thoáng trong thủ tục xuất, nhập cảnh, việc cấp Hộ chiếu công dân và Giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, nên tội phạm tổ chức thành đường dây đưa ra nước ngoài dưới dạng đi du lịch, thăm thân, lao động trái phép, ra đến nước ngoài, bọn tội phạm tiến hành thu giữ các loại giấy tờ tùy thân, không làm các thủ tục cư trú cho các nạn nhân, sau đó bóc lột lao động, bóc lột tình dục, lợi dụng hoạt động môi giới kết hôn hoặc thành lập các công ty môi giới kết hôn trá hình để thu hút những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, đua đòi, thích sống cuộc sống xa hoa nơi đất khách quê người, lấy chồng ngoại quốc,... để bán ra nước ngoài.

Đặc biệt, trong tình hình bùng nổ thông tin như hiện nay, bọn tội phạm lợi dụng các dịch vụ mạng, như: Internet, Zalo, Faceebook, điện thoại di động,... để làm quen với các em gái mới lớn, bọn chúng dùng những tên, địa chỉ giả hoặc đưa những hình ảnh đẹp của bản thân cùng nghề nghiệp, đời sống sung túc để kết thân, kết bạn, giả vờ yêu rồi rủ rê lừa gạt mua bán. Ngoài ra, bọn tội phạm còn tổ chức các diễn đàn hoặc trò chơi game trên mạng cho một nhóm người, chủ động tìm kiếm phát hiện các trường hợp thiếu tiền trả dịch vụ để “cứu nét” sau đó tiếp cận và lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của học sinh, sinh viên để lừa bán. Theo thống kê, phương thức này chiếm 6,63% tổng số vụ mua, bán người. Ở khu vực thành phố, chúng còn thường tìm đến các vườn hoa, công viên, khu vực công cộng hoặc trường học để tìm kiếm các em nhỏ lang thang, bán báo, đánh giầy; trẻ em đường phố,... để dụ dỗ, bắt cóc mang đi bán.

Qua nghiên cứu, đối tượng phạm tội chủ yếu là các thành phần lưu manh chuyên nghiệp, không có việc làm ổn định và có tiền án, tiền sự về mua bán người, thường cấu kết với những người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, câu móc, lừa gạt đưa ra nước ngoài bán. Bọn tội phạm cũng có thể là người nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam vào du lịch, thăm thân, liên doanh, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán. Đôi khi, đối tượng lại chính là những nạn nhân đã từng bị bán ra nước ngoài làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, khi quay trở lại Việt Nam dưới dạng thăm quê hoặc trốn về lại câu kết các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán, kể cả người thân trong gia đình. Một số đối tượng chuyên làm ăn buôn bán qua lại biên giới hoặc kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu, massage ở dọc biên giới, do thông thuộc địa bàn hoặc lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý biên giới đã lừa nạn nhân ra nước ngoài bán. Chúng cũng có thể là những người thân quen, họ hàng trong gia đình, bạn bè, thậm chí là người yêu, là vợ chồng.

Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân không bị mua, bán. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác hoặc không nhận tiền và tự nguyện trả nợ thay của người lạ mới quen biết. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Điều tất yếu là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với bọn tội phạm, kịp thời thông báo cho các cơ quan Công an, cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi, đối tượng nghi vấn phạm tội mua, bán người.

Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và sự cảnh giác, nêu cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh phòng,  chống tội phạm mua, bán người của mỗi người dân; tin tưởng rằng, công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này sẽ đạt được những kết quả khả quan trong thời gian tới, để mỗi người không còn trở thành hàng hóa, kiếm lời trong thế giới tội phạm.

Nguyễn Lân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trộm cắp tiền tại Trường Mầm non xã Xín Cái

BHG - Ngày 28.4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Mèo Vạc  nhận được tin báo của cán bộ trường Mầm non xã Xín Cái (Mèo Vạc) về việc mất trộm tài sản. Theo đó, vào khoảng 06 giờ 15 phút cùng ngày tại Trường Mầm non xã Xín Cái, thuộc thôn Xín Chải, xã Xín Cái bị kẻ gian đột nhập vào phòng Hội đồng, đục két sắt của trường lấy đi 156.000.000 đồng. 

30/04/2017
Thông báo kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Liên kết Việt

BHG - Ngày 17.12.2015, cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt). 

29/04/2017
Tạm giữ 3,72 m3 gỗ nghiến cất trữ trái quy định tại thôn Tân Sơn, xã Minh Tân.

BHG- Sáng 27.4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tạm giữ 3,72m3 gỗ nghiến xẻ (nhóm IIA) của gia đình ông Tẩn Tờ Dèn, thôn Tân Sơn, xã Minh Tân (Vị Xuyên) do cất trữ trái quy định của pháp luật. 

27/04/2017
Bắt tạm giam đối tượng vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng

BHG- Ngày 27.4, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Vũ Mạnh Hoạch (sinh năm 1973), trú tại Tổ 5, thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, đã có hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

27/04/2017