Mạo hiểm những chuyến vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê

08:00, 26/05/2015

BHG- Nghèo đói, thiếu hiểu biết, nhiều người đã mạo hiểm vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê; đánh bạc với sự may rủi. Có người kiếm được lợi do sự chênh lệch về giá đồng tiền song cũng phải vắt kiệt sức lao động (LĐ). Bên cạnh đó, không ít người bị lừa đảo, quỵt tiền, cướp bóc, đánh đập... Con đường nào để cho những người dân nghèo được bán sức lao động chính đáng, an toàn?

Anh Lầu Chúng Nhù, người Mông ở thôn Thẻn Pả, xã Lũng Cú (Đồng Văn), bên cạnh ngôi nhà đang xây dựng sau chuyến đi làm ở Trung Quốc.
Anh Lầu Chúng Nhù, người Mông ở thôn Thẻn Pả, xã Lũng Cú (Đồng Văn), bên cạnh ngôi nhà đang xây dựng sau chuyến đi làm ở Trung Quốc.

Mạo hiểm như đánh bạc

Để tìm hiểu về tình hình lao động LĐ vượt biên sang Trung Quốc, chúng tôi đã đến huyện Đồng Văn, một trong những cửa ngõ quan trọng mà từ đây các đối tượng vượt biên trái phép. Tiếp cận với những tài xế địa phương được biết, có thể gặp gỡ rất nhiều LĐ ở các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn... sang Trung Quốc làm thuê vào thời điểm sau khi ăn Tết xong. Trên một chuyến xe khách như thế, chúng tôi đã gặp rất nhiều cô, cậu tầm 13 – 14 tuổi bỏ học đi làm thuê. Những đứa trẻ này thường đi theo nhóm khoảng 6 – 7 người và cùng nhau trở về khi hết năm. Được biết, quãng đường đến nơi làm thuê của các em khá xa, phải đi xe khách đến Đồng Văn, sau đó chờ đêm tối để vượt qua biên giới, bắt xe ở bên kia biên giới đi khoảng 1 – 2 ngày đường mới tới nơi làm việc.

Còn đối với huyện Đồng Văn, việc đi LĐ ở Trung Quốc là khá phổ biến. Theo số liệu thống kê từ Phòng LĐ,TB&XH huyện; năm 2014, số người trong độ tuổi LĐ ở huyện là 37.958 người, chiếm 52% dân số, thì có đến 5.768 lượt LĐ tự do sang Trung Quốc. Nhiều người trong số đó, kiếm được những khoản tiền lớn mà so sánh với cả năm làm việc ở nhà họ không thể có được và phần lớn họ là những người có họ hàng bên kia biên giới hoặc đã thông thuộc cách thức đi làm thuê; một trong những nơi có nhiều người sang Trung Quốc làm thuê là thị trấn Phố Bảng. Có dịp, được trò chuyện với anh Lý Minh Trung, dân tộc Hán ở khu phố 2, vừa mới đi làm thuê trở về tiết lộ, “Năm ngoái cả nhà tôi có 3 người đi làm thuê ở Quảng Đông (Trung Quốc) trong 8 tháng. Thường thì chúng tôi đi sang biên giới mua vé xe khách mất gần 5 triệu đồng, đi 2 ngày mới tới chỗ làm. Nhà tôi sang đấy làm phụ xây, được trả tiền công 100 đồng mỗi ngày, bằng 350 nghìn đồng tiền Việt Nam. Hàng ngày tự đi chợ, nấu cơm, ở chỗ của ông chủ”. Nói về lý do đi sang Trung Quốc làm thuê, anh Trung cho biết, nhà tôi có nương mỗi năm chỉ trồng được 2 – 3 cân ngô giống, nếu không đi làm thì không biết kiếm đâu ra tiền. Ở chỗ làm thuê, anh Trung cũng gặp được nhiều người Việt Nam đi làm các công việc như xe chỉ, làm hoa giả, khai thác gỗ... từ các tỉnh khác như Thái Nguyên, Phú Thọ. Có những người sang lấy chồng ở đấy luôn; cũng có người bị lừa đi LĐ và bị bán không về được. Sau gần 1 năm LĐ ở Trung Quốc, anh tiết kiệm được 70 triệu đồng mang về xây nhà và có ý định cưới con xong; cả nhà sẽ đi tiếp.   

Anh Lầu Chúng Nhù, người Mông ở thôn Thẻn Pả, xã Lũng Cú, đang tất bật bên cạnh ngôi nhà xây dở; anh chia sẻ: “Tôi xây nhà sau chuyến đi làm ở Trung Quốc về, ngôi nhà này có trị giá gần 200 triệu đồng. Năm ngoái, 2 vợ chồng tôi đi sang Quảng Châu, Trung Quốc đóng bầu cây, 1 năm dành dụm được tiền mang về xây nhà; còn ruộng, nương thì để cho bác làm hộ”. Anh Nhù cho biết, muốn kiếm được nhiều tiền thì phải làm nhiều ca một ngày; còn không, thu nhập chỉ được vài chục triệu đồng/năm.  

Chính quyền địa phương ở đây nắm khá rõ số người sang Trung Quốc làm thuê và đã có một số biện pháp quản lý. Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, Vàng Mí Cấu, cho biết: “Trên địa bàn xã có 135 người sang Trung Quốc làm thuê, chúng tôi phải cập nhật con số hàng ngày. Những năm trước người đi làm cũng gặp rủi ro như bị quỵt tiền hoặc bị giữ lại một phần tiền công. Dù chênh lệch về giá đồng tiền giữa Việt Nam và Trung Quốc, song người bán sức LĐ vẫn phải làm việc ngày đêm với tiền công rẻ mạt”. Biện pháp quản lý của xã là trước khi đi phải báo thôn đi bao lâu, khuyến cáo nên đi từ 4 – 5 người 1 nhóm, có 1 người quản lý, có vấn đề gì thì gọi điện về thôn. Nếu đi một mình thì giao cho gia đình giữ số điện thoại để liên lạc, báo cho trưởng thôn nắm được. Dù xã đã cấp giấy thông hành theo tuyến cửa khẩu đi Ma Li Pho - Phú Linh cửa khẩu Mèo Vạc nhưng theo những người đi làm thì phía công ty bên kia sẽ không nhận nên người dân vẫn đi lao động trái phép.

Chị Lù Thị Súng, người Mông ở thôn Má Lầu A, xã Ma Lé xúc động kể lại việc bị cướp tiền trên đường về Việt Nam.
Chị Lù Thị Súng, người Mông ở thôn Má Lầu A, xã Ma Lé xúc động kể lại việc bị cướp tiền trên đường về Việt Nam.

Tiền mất, tật mang

Dù chính quyền địa phương đã nghĩ nhiều biện pháp quản lý người dân sang Trung Quốc LĐ như cấp giấy thông hành có thời hạn 6 tháng đến 1 năm. Nhưng theo thống kê thì có khoảng 94% LĐ sang Trung Quốc theo các đường mòn, lối mở không qua các cửa khẩu, cũng như không có giấy tờ xuất cảnh. Lý do chính khiến người dân không xin giấy thông hành là do các địa điểm làm thuê thường trái tuyến với những tuyến cửa khẩu được cấp phép. Một phần nữa là do một số chủ thuê LĐ ở Trung Quốc không muốn nhận những người có đầy đủ giấy tờ. Vì như vậy các ông chủ mới dễ dàng lật lọng, không trả tiền công cho người LĐ Việt Nam. Ngồi trong gian nhà nhỏ, ông Phù Seo Dùng, người Hán ở khu phố 2, thị trấn Phố Bảng, là một người thông thạo tiếng Trung Quốc, kể lại: “Tôi đi làm việc quản công cho một người quen ở châu Vân Sơn (Trung Quốc) được hơn 2 năm, mỗi tháng được trả công 7 triệu đồng, nuôi ăn ở. Tuy nhiên, lần đi gần đây nhất không đòi được tiền công do công ty đó bị phá sản. Bây giờ tôi chỉ ở nhà trông cháu, trong nhà còn thằng út đang đi làm ở biên kia, không biết giờ nó đang làm ở đâu”. 

Với một số người không thông thạo, nghe theo lời người quen mạo hiểm đi Trung Quốc đã gặp phải không ít rủi ro. Nhớ lại buổi tối kinh hoàng bị cướp trên đường đi về Việt Nam, chị Lù Thị Súng, người Mông ở thôn Má Lầu A, xã Ma Lé vẫn chưa hết hoảng sợ. Chị Súng, miêu tả: “Tôi cùng chồng là anh Lù Pà Chính và con gái là Lù Thị Dính, 15 tuổi đánh liều đi sang Trung Quốc làm thuê lần đầu, với mong muốn kiếm ít tiền về mua phân bón. Sang đến bên kia được người ta giới thiệu cho việc chặt mía. Cả nhà 3 người làm việc khoảng 10 ngày kiếm được gần 10 triệu đồng thì trở về nhà”. Trên đường về tình cờ gặp 8 người cùng thôn hợp lại thành một nhóm cùng nhau trở về. Buổi tối khi đang đi đến gần biên giới Việt Nam thì bị một toán 4 người bịt mặt, có súng lao ra chặn đường, xông vào đánh đập đàn ông, cướp tiền, sau đó bắt một số đàn ông và phụ nữ đi. Đến khi trời sáng một số người chạy thoát về được đến Việt Nam, sau đó quay lại tìm thì phát hiện 1 nam thanh niên đã chết. Sau khi xác minh, biết đó là anh Thào Mí Sử, sinh năm 1988. “Bây giờ mình không bao giờ dám đi sang Trung Quốc nữa”, chị Súng lắc đầu ca thán.

Bí thư Đảng ủy xã Ma Lé, Phạm Hồng Việt cho biết: “Sau khi được người dân báo lại sự việc trên, chính quyền xã đã liên hệ với lực lượng Biên phòng để trao đổi hàm thư với phía Trung Quốc giải quyết vấn đề, nhanh chóng trả người về Việt Nam. Hiện trên địa bàn xã có 112 người đi làm thuê ở Trung Quốc, theo chủ trương của huyện, xã đã tăng cường quản lý và tuyên truyền quy chế biên giới, Luật Biên giới cho người dân. Thông qua các Tổ tự quản từng thôn để nắm tình hình nhân dân qua biên giới. Phát phóng sự tuyên truyền bằng tiếng Mông về những rủi ro và trang bị kiến thức, khuyên bà con không nên đi cả gia đình, nếu đi lao động thì phải chấp hành đúng quy định của nước sở tại”.

Tình hình người dân đi lao động trái phép ở Trung Quốc đang là vấn đề nhức nhối trong những năm gần đây. Mặc dù, việc này tạo thêm thu nhập song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với LĐ Việt Nam. Hơn nữa, nhiều gia đình đem cả con cái đi theo khiến nhiều trẻ bị thất học, không nói thành thạo được tiếng phổ thông nhưng lại hiểu được tiếng Trung Quốc. Dù đã rất nỗ lực tìm cách quản lý LĐ sang Trung Quốc, năm 2014, Sở LĐTB&XH tỉnh còn trao đổi Công hàm với Trung Quốc để phía bạn tạo điều kiện, bảo vệ công dân Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Vì vậy, cần kêu gọi ý thức và sự tỉnh táo của mỗi người dân trên con đường làm thuê mạo hiểm này.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồn Biên phòng Săm Pun bắt quả tang đối tượng trộm cắp tài sản

BHG- Vào hồi 17h 30' ngày 28.4, Đồn Biên phòng Săm Pun nhận được tin báo nhà ông Già Mỏ Lúa (sinh 1963), thôn Sả Nhè, xã Xín Cái (Mèo Vạc) bị mất trộm bò. 

29/04/2015
Yên Minh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

BHG- Là huyện vùng cao với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, trình độ dân trí lại không đồng đều nên công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở Yên Minh gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể; hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL đã được nâng lên đáng kể, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. 

26/05/2015
Lật tẩy nhiều thủ đoạn nhập lậu xe ôtô

Thông tư 118/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 9-6-2009 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hồi hương được phép nhập 1 xe ôtô cá nhân đang sử dụng. Lợi dụng quy định này, nhiều đối tượng ngụy trang "Việt kiều hồi hương" để tổ chức buôn lậu xe ôtô từ nước ngoài về Việt Nam, trốn thuế nhập khẩu, xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

25/05/2015
Giải cứu phụ nữ trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc

BHG- Vào hồi 15h ngày 23.5, Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận phối hợp với Trạm Kiểm soát biên cảnh Bát Bố (Trung Quốc) giải cứu thành công 2 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.

25/05/2015