Cảnh báo về hàng chục đề án “kiểu 112”

08:33, 19/09/2007
Đề án 112 đã ngốn 1000 tỷ đồng, ngoài ra đang có hàng chụ dự án nguy cơ ngốn ngân sách nhiều tỷ đồng. 9000 tỷ đồng đã được bỏ ra cho những dự án kiểu 112 nhưng chúng ta vẫn... lạc hậu.

Bản báo cáo được đưa ra ngày 15/6/2007 tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị (Giai đoạn 2001-2005, về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước) do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT phối hợp cùng Bộ Bưu chính viễn thông tổ chức tại Hà Nội, đã chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm, trong đó không chỉ có đề án 112 mà còn hàng chục đề án, dự án trọng điểm, ngốn tiền tỷ của ngân sách nhưng hiệu quả chưa cao.

Đề án 112: Hơn 1000 tỷ đồng đã được “ném qua cửa sổ”

Theo bản báo cáo, tổng kinh phí tập trung của Trung ương đã cấp là 685  tỷ đồng, nguồn kinh phí của địa phương là 400 tỷ đồng, tổng kinh phí dự toán là 3.700 tỷ đồng.

Một số việc đã triển khai theo đề án: Đến cuối 2005, Đã xây dựng 115 trung tâm tích hợp dữ liệu, 1.613 mạng LAN cấp sở, huyện, 2.451 máy chủ cùng các thiết bị đồng bộ, 26.990 máy trạm. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo ứng dụng tin học cho 64.000 cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.

Bản báo cáo tổng kết vẫn khá ưu ái với đề án 112 khi đưa ra đánh giá: “Đề án đã xây dựng được hệ thống tổ chức triển khai sâu rộng tới các bộ ngành và địa phương, tạo được ảnh hưởng tích cực trong xã hội về tin học hoá; Xây dựng được cơ chế đặc thù, triển khai một số lượng công việc khá lớn trong đó có công tác đào tạo; Tạo ra được tính hệ thống so với các chương trình trước đây về CNTT”.

Tuy nhiên, chương trình này cũng còn hàng loạt những mặt tồn tại mà bản báo cáo chỉ ra: Chức năng của Ban điều hành đề án không phù hợp, chồng lấn với chức chăng chỉ đạo, quản lý nhà nước của các cơ quan khác. Là một đề án nhưng không có quan hệ hợp tác với Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và Bộ Bưu chính Viễn thông để được đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời.

Nặng về cơ chế “xin- cho”, tạo cho một số địa phương tâm lý ỉ lại về ngân sách và phương án triển khai, không tính đến hiệu quả đầu tư. Vai trò của các Bộ, ngành trong việc tổ chức, hướng dẫn triển khai tin học hoá theo ngành dọc chưa được quan tâm đúng mức, để có thể tổ chức thành công hệ thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Mục tiêu của đề án đặt ra quá lớn so với khả năng của Ban điều hành, phương pháp tiếp cận còn thiếu tính hệ thống. Đầu tư nhỏ giọt, kinh phí cấp chậm, không kịp triển khai tiến độ, thủ tục đầu tư tin học phức tạp, bị đình trệ giữa chừng. Thiếu lực lượng kỹ thuật chuyên trách đặc biệt là ở các tỉnh khó khăn và các cơ quan hành chính cấp cơ sở. Các dự án về an toàn bảo mật thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và các văn bản pháp lý cần thiết chưa được xây dựng và triển khai.

Hơn 9000 tỷ vẫn .. . tụt hậu?

Cũng theo bản báo cáo trên, có tổng số 14 dự án trọng điểm, đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công việc quản lý điều hành bộ, ngành nhưng kết quả thì hầu như không dự án nào đạt được như mong muốn.

Dự án được đầu tư nhiều nhất là dự án Hiện đại hoá hệ thống ngân hàng, đã đầu tư 9.755 tỷ đồng, dù đã đạt được một số kết quả nhưng, theo đánh giá tại báo cáo: “Trình độ ứng dụng CNTT trong ngân hàng còn cách xa và có nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ phát triển và ứng dụng CNTT còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu về hội nhập quốc tế; Chưa có kiến trúc công nghệ thông tin thống nhất cho ngành ngân hàng làm cơ sở cho phát triển đồng bộ giữa các ngân hàng”.

Tổng kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin trong toàn ngành Tài chính (gồm cả các đơn vị ngành Hải quan) là 530 tỷ đồng với 8 dự án nhỏ nhưng: “Các ứng dụng CNTT mới chỉ dừng ở mức thấp hỗ trợ tác nghiệp thay thế một phần các lao động thủ công mà chưa giúp tái cơ cấu lại quy trình nghiệp vụ; Đội ngũ cán bộ tin học, nhất là ở các địa phương còn yếu kém về số lượng và chất lượng, cả về CNTT và nghiệp vụ tài chính; Các ứng dụng tác nghiệp chưa có khả năng kết xuất tự động số liệu” .

Dự án Tổ chức triển khai phát triển thương mại điện tử, mới giải ngân được 10 tỷ đồng và kết quả, theo báo cáo: “các sàn giao dịch thương mại điện tử tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vẫn chưa hoàn thành như dự kiến.

Ngoài ra còn gần chục các dự án khác, hoặc chưa triển khai, hoặc mới đang trong giai đoạn làm dự án, và những dự án đã triển khai, dù đầu tư vài tỷ hay vài trăm tỷ thì kết qủa đạt được vẫn chưa có gì nổi bật trong khi những hạn chế, tồn tại còn quá nhiều


Công an nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia
Đêm 30/8, Bộ Công an đồng loạt khám xét nhiều địa điểm và bắt nhiều đối tượng tại TP.HCM, do liên quan đến đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.
31/08/2007
Kẻ giết vợ Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc lĩnh án tử hình
Ngày 28/8, Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thế Thuần với tội danh giết người, cướp tài sản theo khoản 1 điều 93 và khoản 1 điều 133 Bộ luật hình sự. Theo đề nghị của Viện Kiểm sát và xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Toà sơ thẩm kết án tử hình tên Phạm Thế Thuần.
29/08/2007
Bán rác thải của bệnh viện cho cơ sở thu gom phế liệu
Cục Cảnh sát môi trường (C36) vừa phát hiện một vụ mua bán rác thải của bệnh viện tại Hà Nội.
29/08/2007
LĐLĐ - Ban ATGT tỉnh họp chuẩn bị nội dung lễ phát động thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ
(HGĐT)- Ngày 28.8 tại LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ và Ban ATGT tỉnh với các ngành chức năng bàn nội dung thống nhất chương trình tổ chức lễ phát động thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về an toàn giao thông (ATGT).
29/08/2007