Quật "mồ lợn dịch" để làm nem

15:11, 18/07/2007

Bà Nguyễn Thị Liễu - ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam kể "Tôi biết có 2 lò giết mổ trên QL1A tại Hương An (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) thu nhận hết các loại lợn dịch. Lợn chết đến đấy được vứt lòng, lột da, lấy xương và thịt nạc, chuyển ra bán ở Đà Nẵng. Họ bảo, xay nhừ ra làm dăm bông, nem chả, đều là lợn chết, như nhau cả mà".


 
 Phát hiện tụ điểm bán chạy lợn dịch tại nhà ông Nguyễn Văn Cường (Hà Lam).
Sáng 15/7, chợ lợn thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình vắng hoe vì... đội kiểm tra liên ngành với xe pháo chốt ngay cửa, cùng với khẩu hiệu chống dịch tai xanh trên lợn đang được... dán vội để kịp trương lên. Khác hẳn với ngày 14/7, tôi đến chợ còn thấy lợn bày bán đầy.

Chỉ chừa lại... bộ lòng

Chả là sáng nay, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cùng đoàn công tác gồm các cục chức năng và tỉnh về đây để kiểm tra tình hình dịch bệnh đang nóng lên. Những người buôn lợn và nông dân bán lợn có vẻ như còn hy vọng "vớt vát" một buổi bán buôn, nên ngồi cả trước chợ, chưa chịu ra về.

Trong câu chuyện bày ra ngay cổng chợ, trước mặt đoàn liên ngành và các nhà báo, ông Nguyễn Quốc Minh - ở thôn 2, xã Bình Phục - khiến tôi giật bắn cả người - nổi gai ốc rùng mình: "Bà hàng xóm tôi có con lợn nái tạ mấy, lăn ra chết dịch hôm qua, phải nhờ đến 4 người khiêng ra nỗng cát chôn lấp. Đám người này trên đường về gặp phải bảy đáp (những người chuyên nghề mua lợn ở khắp hang cùng ngõ hẻm nhà dân) hỏi ra biết chuyện, họ nhờ chỉ chỗ chôn, trả cho 150.000 đồng, rồi... quật xác lợn lên xẻ thịt mang đi tuốt, chỉ vứt lại bộ lòng".

Cuộc hành quyết lợn chết thật ngoài sức tưởng tượng. Hôm 14/7, ở đội 5, thôn 3, xã Bình Đào, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Chín kể lại: "Nhà tôi có 3 con lợn nái lăn ra chết dịch, phải đem chôn ở động cát ngoài rừng dương. Cả làng đều chôn lợn chết ở đó. Trưa hôm trước chôn rồi, vùi sâu dưới cát, sáng nay ra lại đó, chỉ thấy trên cát còn... mấy bộ lòng lợn. Xác lợn đã bị ai đào trộm, mang thịt xương đi rồi. Kẹt nhất 14 con lợn nái chết dịch chôn ở đây của những người trong thôn cũng chung số phận chết không toàn thây như vậy".

Bà Nguyễn Thị Liễu - ở thị trấn Hà Lam - "cấp" thêm thông tin: "Tôi biết có 2 lò giết mổ trên QL1A tại Hương An (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) thu nhận hết các loại lợn dịch này. Tôi thấy lợn chết dịch cũng có người mua, bèn đi theo coi thử. Hoá ra, họ chở đến đấy, vứt lòng, lột da, lấy xương và thịt nạc, chuyển ra bán ở Đà Nẵng. Họ bảo, xay nhừ ra làm dămbông, nem chả, đều là lợn chết, như nhau cả mà".

Tôi nhớ khi sáng sớm hôm đầu tiên đến Thăng Bình, ngồi ngay quán càphê ngã tư Hà Lam, lần đầu tiên nghe những người trong quán - tất nhiên có bà chủ "hãng thông tấn vỉa hè" này - cập nhật thông tin, mà xanh mặt: "Lợn chết dịch chôn rồi mà còn quật lên làm thịt, ác hơn cả cái vụ lấy cạctông làm bánh bao đăng trên báo vừa rồi".

Lợn - tai xanh, người - xanh mặt

Chúng tôi đi dọc sông Trường Giang, chứng kiến đàn lợn chết trôi nổi dập dềnh xuôi qua vùng đông huyện Thăng Bình, ra huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, về thị xã Hội An. Ngày 16.7, lợn dịch đã "hội tụ" về cửa biển Cửa Đại - giáp ranh Duy Xuyên và Hội An. Hàng trăm xác lợn chết trên sông đang phân huỷ, hôi thối cả một vùng du lịch. UBND thị xã Hội An huy động 10 ghe thuyền và 100 thanh niên túc trực 24/24h trên cửa biển để vớt xác lợn trôi đem chôn.

Tại xã Bình Dương, nhiều hộ dân ven sông tỏ ra rất bức xúc vì chịu không thấu với những đàn lợn chết dịch hàng chục con bị vứt ngổn ngang trên sông, trên những nỗng cát. Những xác lợn chết đang trong quá trình phân huỷ, dòi vây dày đặc. Đoạn sông qua xã Bình Đào và Bình Triều, hàng chục bao tải chứa xác lợn chết trôi nổi lềnh bềnh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Chính quyền xã Bình Đào phải huy động 2 ghe và hơn 10 thanh niên xung kích thường trực dọc sông để vớt lợn dịch. Ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Giang - nói: "Chúng tôi phải huy động dân quân, chỉ một ngày vớt đến 250 con lợn chết, đem đi tiêu huỷ. Không thể kiểm soát nổi vì người dân vứt lén lúc nửa đêm. Bình Giang lại còn gánh cả lợn dịch từ phía thượng nguồn trôi về nữa". Hàng vạn hộ dân ven sông "xanh mặt" vì ô nhiễm.

Dân vùng đông Thăng Bình ở xứ cát, nên cơm áo, học hành đều trông vào chăn nuôi, "nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn". Tại xã Bình Giang, nơi Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát đến kiểm tra thực tế sáng 15.7, cả xã có 4.600 con lợn, thì chết và tiêu huỷ hết 400 con, đang mắc dịch 2.800 con, chỉ còn khoảng 1.400 con khoẻ mạnh. Mà lợn bệnh, chết toàn là lợn nái nuôi lấy giống, thiệt hại mỗi con ước tính 2-3 triệu đồng.

Bà Võ Thị Bê và bà Phan Thị Trưng cho biết, nuôi lợn nái phải gây giống mất mấy năm trời để có cái mà thu tiền về cả chục năm sau đó. Nhà nào cũng nuôi vài con nái, mỗi năm đẻ 2,5 lứa, bán được hàng chục triệu đồng. Nay lợn chết, mất cả chì lẫn chài.

Ông Nguyễn Quốc Minh - ở thôn 2 xã Bình Phục - nói như mếu: "Nhà tôi có 4 con nái, đau nằm một đống, chắc chết. Chạy chữa đủ đường. Cán bộ thú y nói, theo đủ phác đồ chi đó thì mất cả tháng, một con phải hết 150-250 ngàn đồng, nhưng chưa chắc đã sống, mà có sống cũng chưa chắc còn đẻ nổi. Tôi ngó bề chắc chúng không qua khỏi, nên nửa chừng thôi không thuốc thang chi nữa, để đó phó mặc cho trời. Sắp khai trường rồi, mà chưa biết đào đâu ra tiền cho mấy đứa con nộp học phí đây".

Trạm thú y huyện cho mấy con số: Ngày 25/6 dịch phát trên 2 đàn lợn, rồi lây lan cực nhanh, nay 17/22 xã mắc dịch, với hơn 9.000 con bị bệnh, 709 con chết - chủ yếu lợn nái.

Con số này cả tỉnh là 10.000 con ngày công bố dịch (13/7), tăng lên 15.000 con ngày hôm sau và đến 15/7 thì nhảy vọt lên 20.000 con, ở 40 xã thuộc 6 huyện gồm Thăng Bình, Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An. Đây đều là các huyện nằm dọc sông Trường Giang. Hàng chục tỉ đồng của nông dân đã bị "mắc dịch".

Dịch chồng lên dịch

Những ngày "nằm" lại với vùng trọng điểm mắc dịch Thăng Bình, chúng tôi đến đâu cũng nghe toàn chuyện gà, lợn, trâu, bò. Không chỉ tai xanh, mà còn lở mồm long móng và cúm gia cầm. Câu tôi nghe nhiều nhất là "Dịch này chưa qua, dịch kia đã tới. Nuôi con chi cũng chết hết, chắc nông dân cũng... chết luôn".

Gặp tôi ở Thăng Bình trong khi đi chống dịch, ông Lê Minh Ánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - nói như... nông dân: "Ác quá. Gà, vịt chưa hết cúm, trâu, bò lở mồm long móng trật trầy, nay dính thêm heo quéo tai xanh. Dân đã xanh mặt, mà quan cũng chạy theo dịch... cời đầu".

Nhưng kỳ lạ thay, cảnh bảy đáp chở rọ chạy long nhong khắp hang cùng ngõ hẻm nhà dân thì "vũ như cẫn". Sáng 15/7, sau khi chợ lợn Hà Lam bị "làm sạch", thì các đầu nậu buôn lợn lập tức chuyển địa điểm lên QL1A cách đó chưa đầy 1km, giấu ở nhà ông Nguyễn Văn Cường và đội kiểm tra liên ngành của huyện đã "bắt tận tay" 4 chủ buôn cùng 400 con lợn đã vào rọ chờ... chuyển vào Nam làm lợn sữa quay.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang - GĐ Sở NNPTNT - thì có thể số lượng lợn bệnh của tỉnh không chỉ có 20.000 con như báo cáo, mà còn lớn hơn do không thể kiểm soát hết. Ông Võ Văn Cường - Phó GĐ sở - cho biết thêm: "Tôi nằm lại đây 2 đêm "điều tra", hoá ra, cánh bảy đáp rành chuyện nhà nào mắc dịch còn hơn... thú y. Cứ ban ngày thì họ toả ra, đi tìm nhà nào có lợn dịch, gùn ghè ngã giá xong, đêm xuống thì đến hành sự".

Ông Cường cũng xác nhận: "Tôi đã kiểm tra, đình chỉ 1 trong 2 tụ điểm ở Hương An, nhưng họ lại... dời tụ điểm khuất sâu vào trong, lại đi hàng đêm khuya, không sao kiểm soát cho xuể. Thịt lợn dịch chủ yếu đưa đi tiêu thụ để làm dămbông, nem chả... ở những nơi nổi tiếng về món này là các tỉnh Bình Định, TT-Huế, TP.Đà Nẵng...".

Theo ông Cường, dịch tai xanh lan ra chính bởi nước các dòng sông, vừa do xác lợn chết vứt bừa, vừa do Quảng Nam là trạm trung chuyển các xe chở lợn vào Nam ra Bắc thường dừng lại để... tắm táp cho lợn. Bằng chứng là xã Quế Phú có một trạm trung chuyển lợn trên QL1A, ngay đầu một nhánh sông Thu Bồn đổ về Trường Giang, thì chính là một trong những địa bàn phát dịch đầu tiên.

Ngày 16/7, tôi được lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh thông báo: "Ơ xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, lại vừa phát hiện một số lợn bệnh, nghi ngờ dịch tai xanh. Có lẽ lần này thì sẽ phải "phát hiện nhanh, tiêu diệt gọn", không để lây lan ra huyện thứ 7 mắc dịch". Tam Tiến nằm ngay vùng đầu nguồn sông Trường Giang. Xin đừng để đàn lợn dịch lại "chạy lung tung", kể cả khi đã... chết rồi. Và tôi lại rùng mình, khi nghĩ đến những miếng dămbông, những đòn nem chả kia. Chúng về đâu?


Công an nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mạc Kim Tôn được tòa phúc thẩm giảm án 1 năm tù
Ngày 26/6, tại Thái Bình, Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà phúc thẩm xét xử bị cáo Mạc Kim Tôn (nguyên đại biểu Quốc hội khoá XI, nguyên Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Thái Bình).
27/06/2007
Hà Giang: Giết người, bắt cóc trẻ em
Đêm 25, rạng sáng ngày 26/6, tại xóm Nà Hảo, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang xảy ra một vụ trọng án: 2 người chết, 1 người bị thương nặng và 2 trẻ em mất tích.
27/06/2007
Sẽ xử lý nghiêm những học sinh chưa đủ tuổi nhưng vẫn đi mô tô, xe máy
Trong Đề án “Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông quốc gia đến năm 2010” do Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng có nêu: Từ 1-9-2007 sẽ xử lý nghiêm khắc những học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, nhưng vẫn đi mô tô, xe máy.
25/06/2007
Hiệu quả từ các đội công tác xây dựng cơ sở ở Hà Giang
(HGĐT)- Từ khi thành lập 5 đội công tác xây dựng cơ sở (XDCS), Đảng ủy Quân sự tỉnh đã lựa chọn đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp là người dân tộc hiểu biết phong tục tập quán của địa phương.
25/06/2007