Hà Giang

"Chắp cánh" cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn

18:01, 19/04/2021

BHG - Thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh ta phấn đấu đến hết năm nay phát triển mới từ 30 sản phẩm trở lên được công nhận đạt hạng 3,4 sao; củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP trong giai đoạn 2018-2020; củng cố hoạt động của 87 tổ chức kinh tế và phát triển mới từ 10 tổ chức tham gia OCOP...

Sản phẩm của HTX chổi chít Việt Thành, thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên đạt ocop 3 sao cấp tỉnh.                                            Ảnh: Biện Luân
Sản phẩm của HTX chổi chít Việt Thành, thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên đạt ocop 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Biện Luân

Tỉnh ta có những khó khăn mang tính đặc thù của địa phương miền núi, nhưng được thiên nhiêu ưu đãi nên có nhiều sản phẩm đặc hữu, hiếm vùng đất nào có được. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất chính là các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đa phần mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu nội tiêu, chưa trở thành hàng hoá mang lại giá trị ổn đỉnh, chưa được nhiều người biết đến. Chính vì vậy, khi Chương trình OCOP được triển khai, đã thổi “luồng gió mới”, “chắp cánh” cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn từng bước “bay cao, bay xa”.

Nhìn lại quá trình triển khai trong giai đoạn 2018-2020 cho thấy: Chương trình OCOP đã đạt những kết quả quan trọng. Thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự vào cuộc hưởng ứng tích cực của người dân, tổ chức kinh tế, xã hội... các loại hình sản xuất tiên tiến ở nông thôn từng bước được hình thành, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiệu quả hơn; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho dân cư nông thôn. Đồng thời, tạo ra lượng hàng hóa, sản phẩm ngày càng đa dạng, nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh và hướng tới xuất khẩu. Trong giai đoạn 2018-2020, căn cứ quy định của chương trình và hồ sơ, đề nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm của các huyện, thành phố, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức các đợt đánh giá, lựa chọn và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt 188 sản phẩm OCOP của 87 chủ thể tham gia đánh giá đạt sao. Các sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí, vải, may mặc, dịch vụ du lịch và bán hàng... được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Có 2 sản phẩm đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá 5 sao (Hồng trà và Trà xanh của HTX Phìn Hồ); 37 sản phẩm đạt 4 sao và 149 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Thông qua thực hiện chu trình OCOP, đã xuất hiện nhiều điển hình, tiêu biểu như Hợp tác xã (HTX) Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại chế biến một số dòng sản phẩm cao cấp; HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn (Bắc Mê) chế biến củ nghệ tươi thành nhiều dòng sản phẩm giúp gia tăng giá trị, mang lại nguồn thu cho hàng trăm hộ dân; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng với 3.000 đàn ong, thu nhập trên 4 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập ổn định cho 27 hộ nuôi ong huyện Mèo Vạc; HTX Cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ) đưa các bài thuốc dân gian của người Dao chế biến thành những sản phẩm hữu ích phục vụ du lịch; HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp thôn Sà Phìn A liên kết với 125 hộ của 7 tổ hợp tác trên địa bàn huyện Đồng Văn trồng 80 ha cây lanh trắng, dệt sợi mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ từ 3-5 triệu đồng/tháng...

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình và mở rộng các sản phẩm OCOP, năm nay tỉnh ta phấn đấu phát triển mới từ 30 sản phẩm trở lên được công nhận OCOP đạt hạng 3, 4 sao; củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP giai đoạn 2018-2020; củng cố hoạt động của 87 tổ chức kinh tế đã có; phát triển mới từ 10 tổ chức kinh tế tham gia OCOP... Hỗ trợ kết nối tiêu thụ gắn với tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thiết kế không gian trưng bày sản phẩm OCOP; rà soát, phát triển các trung tâm, cửa hàng và điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; 100% sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt sao phải dán tem điện tử, hoặc có mã số, mã vạch truy suất nguồn gốc.

Tỉnh yêu cầu thực hiện chu trình OCOP đúng 6 bước, trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” đề xuất theo nhu cầu và khả năng của chủ thể tham gia. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn từ 2-3 sản phẩm trở lên, có thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển thành sản phẩm OCOP. Đối với những sản phẩm nâng sao, tùy theo mức độ, đăng ký tham gia để có giải pháp hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp phù hợp với mức phân hạng; mỗi huyện, thành phố lựa chọn từ 1-2 sản phẩm trở lên để nâng cấp sao.

Đối với các điểm du lịch cộng đồng: Tập trung hướng dẫn 9 làng du lịch cộng đồng hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP gồm: Thôn Khiềm xã Quang Minh (Bắc Quang); thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình); thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng (Xín Mần); thôn Bản Lạn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê); thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc); các thôn Lô Lô Chải xã Lũng Cú, Ma Lé xã Má Lé và Lũng Cẩm Trên xã Sủng Là (Đồng Văn).

Việc tiếp tục triển khai Chương trình OCOP trong năm nay sẽ góp phần nâng cao giá trị, khẳng định vị thế và “chắp cánh” cho nông sản của tỉnh không ngừng vươn xa, xâm nhập được những thị trường lớn.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Chắp cánh" cho nông sản vươn xa

BHG - Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung hàng hóa, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, chương trình mở ra hướng đi mới trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở nông thôn; chắp thêm đôi cánh để nông sản đặc trưng của Hà Giang có điều kiện khẳng định thương hiệu...

31/12/2020
Tâm huyết với hạt gạo nếp Quảng Nguyên

BHG - Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp dưới chân đèo Gió, năm 2017, chàng thanh niên người Tày Nguyễn Trọng Quế, thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên (Xín Mần) đã mạnh dạn đầu tư và thành lập HTX Thanh Tâm với mục đích liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm gạo nếp Quảng Nguyên và từng bước đưa đặc sản của địa phương ra thị trường trong nước.

 

30/06/2020
Mèo Vạc nâng tầm sản phẩm OCOP

BHG - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, Mèo Vạc tạo môi trường thuận lợi giúp các tổ chức kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, uy tín và tính cạnh tranh sản phẩm chủ lực, từng bước nâng tầm sản phẩm OCOP.

 

26/12/2020
Toàn tỉnh có 49 sản phẩm OCOP đạt hạng 3-4 sao

BHG - Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định 1487, phê duyệt kết quả phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Giang năm 2020 (lần 1).

25/08/2020