Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giúp nâng cao đời sống người dân

09:02, 20/07/2019

BHG - Sau 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNNN), đến nay bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có sự khởi sắc. Một số nông sản chủ lực đang từng bước được sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung với quy mô lớn, dần có chỗ đứng trên thị trường. Để giúp độc giả nắm rõ hơn về những thành quả đạt được, phóng viên (P.V) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/C) Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT.

P.V: Qua gần 4 năm thực hiện, đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả của Đề án TCCNNN?

Đ/C Nguyễn Đức Vinh: Qua 4 năm thực hiện, có thể khẳng định Đề án TCCNNN của tỉnh rất sát thực, đi vào lòng dân và có những hiệu quả nhất định trong việc tổ chức sản xuất hàng hóa trên địa bàn. Thể hiện qua một số điểm nhấn như, Đề án đã xác định được cây, con chủ lực của địa phương; xây dựng được chính sách để thực hiện Đề án này. Đặc biệt, xương cốt của Đề án tập trung vào cây cam, chè, dược liệu, trâu, bò, mật ong. Quá trình thực hiện đến nay, đã có một số sản phẩm từng bước mang dáng dấp của nền sản xuất hàng hóa, có thị trường tiêu thụ ổn định như: Mật ong Bạc hà, cam Sành, thịt bò vùng cao, chè Shan tuyết. Tỉnh đã huy động tối đa nguồn vốn để tập trung cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết được bài toán về vốn sản xuất từ kênh tín dụng hóa.

 

Một điều quan trọng nữa, khi thực hiện Đề án đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Người dân đã biết liên kết để tổ chức sản xuất theo hướng thành lập các nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã; giải quyết được đầu ra của sản phẩm hàng hóa. Người dân cũng có nhận thức rõ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác; chuyển đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ chăn nuôi… Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác. Trong năm nay, ngành tiếp tục khuyến khích, vận động, hướng dẫn nông dân tập trung vào 3 sản phẩm chính, gồm: Mật ong Bạc hà, gạo chất lượng cao và cam Sành để phát triển thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Tiếp đó là tập trung xây dựng sản phẩm thịt bò vùng cao và lợn đen Lũng Pù trong những năm tiếp theo.

P.V: Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có những điểm nhấn nào sau khi triển khai Đề án thưa đồng chí?

Đ/C Nguyễn Đức Vinh: Về bộ mặt của nông nghiệp, nông thôn, ngoài cơ sở vật chất hạ tầng như đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi từng bước được đầu tư hoàn thiện thì thu nhập bình quân của người dân được nâng lên đáng kể, đặc biệt là ở những xã tập trung sản xuất hàng hóa. Người dân biết cách tổ chức lại xuất, biết tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản do chính mình làm ra. Điểm nhấn mang tính đột phá, quyết định nhất đó chính là Đề án đã góp phần đổi thay nhanh chóng cách nghĩ, cách làm của người dân, nông dân đã biết liên kết với nhau từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới ở các địa phương.

P.V: Trong quá trình thực hiện Đề án, tỉnh ta đã ban hành kịp thời các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về nguồn lực để giúp người dân giải bài toán về nguồn vốn sản xuất, trong đó có Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh. Đ/c có thể cho biết chính sách này có những điểm mới nào phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân?

Đ/c Nguyễn Đức Vinh: Nghị quyết 29 là sự tích hợp của Nghị quyết 209 và 86 – HĐND tỉnh, trên tinh thần bổ sung thêm những vấn đề thực tiễn đang cần và bỏ đi những mục qua quá trình triển khai thực hiện đến nay không còn phù hợp. Một điều quan trọng, Nghị quyết 29 là nghị quyết chuyên đề về sản xuất hàng hóa nên phải tăng về quy mô chứ không hỗ trợ sản xuất nhỏ lẻ. Điểm mới của chính sách này đó là mở rộng về quy mô cho vay chăn nuôi trâu, bò hàng hóa từ 3 con lên 20 con. Mở rộng cho vay khuyến khích phát triển lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng rừng kinh tế theo kế hoạch của địa phương hoặc các tổ chức, cá nhân trồng rừng kinh tế bằng giống tốt. Bên cạnh đó, các cơ sở liên doanh, liên kết với người dân để sản xuất hàng hóa cũng nằm trong đối tượng được hưởng mức vay ưu đãi để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Vì là nghị quyết chuyên đề về sản xuất hàng hóa nên chính sách này hoàn toàn phù hợp và sát với nhu cầu thực tiễn của người dân.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đức Dũng - Nguyễn Phương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Diễn đàn Xúc tiến phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

BHG - Vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức diễn đàn Xúc tiến phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh ta nhằm định hướng cho nhà sản xuất phát triển sản phẩm.

29/12/2018
Xây dựng "vườn an toàn, hiệu quả" nâng cao thu nhập

BHG - Hiện nay, các hộ trong tỉnh làm nông nghiệp hầu hết đều làm kinh tế Vườn – Ao – Chuồng (VAC). Đây là những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho bữa ăn hàng ngày, do vậy cần phải an toàn, không độc hại. Trong những năm qua, nhiều hộ  đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất từ vườn thành trang trại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, thoát nghèo và vươn lên khá, giàu... 

28/06/2019
Tổng kết khối Nông, lâm nghiệp năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019

BHG - Chiều 26.12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết khối Nông, lâm nghiệp (NLN) năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng dự có có lãnh đạo các Sở: NN&PTNT, KH&CN, TN&MT; Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh…

27/12/2018
Sử dụng đúng loại thuốc phòng, trừ sâu keo mùa thu

BHG - Theo thông tin mới nhất từ ngành chuyên môn, huyện Quang Bình đã phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô với diện tích khoảng 50ha, nâng tổng số 9/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có dịch sâu hại này, với diện tích khoảng 4.000ha. Các địa phương đang sử dụng các biện pháp, từ phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đến bắt bằng tay để tiêu diệu sâu. Đến nay, có trên 1.742,5 ha được phun thuốc phòng, trừ sâu keo mùa thu, 2.586,08 ha sử dụng phương pháp thủ công, diệt trừ bằng tay.

 

27/05/2019