Giá trị kinh tế từ cây chè Shan tuyết Cao Bồ

14:43, 10/05/2025

BHG - Dưới những tán chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên dãy Tây Côn Lĩnh, người Dao xã Cao Bồ (Vị Xuyên) đang viết tiếp câu chuyện về sinh kế, văn hóa, du lịch và khát vọng vươn lên, để những cây chè Shan tuyết trở thành “chìa khóa vàng” mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế bền vững, gắn kết nông nghiệp với du lịch cộng đồng.

Du khách nước ngoài trải nghiệm quy trình sản xuất chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ.
Du khách nước ngoài trải nghiệm quy trình sản xuất chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ. Ảnh: Biện Luân

Nằm ở sườn Tây dãy Tây Côn Lĩnh, xã Cao Bồ được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng đặc biệt phù hợp cho cây chè Shan tuyết sinh trưởng. Đây là một trong những vùng chè đặc hữu của Hà Giang với hơn 1.000 ha chè Shan tuyết, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 757 ha. Đặc biệt nhiều cây chè cổ thụ có tuổi đời từ 100 - 400 năm. Những đồi chè Shan tuyết ẩn mình trong sương núi, tập trung nhiều tại các thôn Lùng Tao, Tham Vè, Tát Khao, Thác Hùng, Thác Tăng, Khuổi Luông. Chè Shan tuyết cổ thụ của Cao Bồ được các chuyên gia đánh giá là giống chè quý hiếm, tôm chè có phấn trắng, sau khi sao lên, lá có màu như phủ tuyết, nước trà vàng óng, thơm dịu, vị đắng nhẹ và ngọt hậu đậm sâu. Nhờ chất lượng đặc biệt này, năm 2011, sản phẩm chè của Cao Bồ được Liên đoàn quốc tế phong trào nông nghiệp hữu cơ cấp chứng chỉ chè hữu cơ - Organic, mở ra cơ hội xuất khẩu. Năm 2015, hơn 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Cao Bồ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản.

Cây chè Shan tuyết ở Cao Bồ có tuổi đời từ 100-300 năm
Cây chè Shan tuyết ở Cao Bồ có tuổi đời từ 100-300 năm. Ảnh: PV

Mùa này, người dân Cao Bồ đang tích cực thu hái vụ chè Xuân. Nếu như trước đây, phương thức hái và sao chè chủ yếu của người dân là phương pháp thủ công, phục vụ tiêu dùng trong vùng, thì nay cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các chương trình khuyến nông và phát triển của khoa học công nghệ, sản xuất chè đã chuyển mình rõ nét. Toàn xã có hơn 20 cơ sở sản xuất, chế biến chè, trong đó có 1 công ty và 3 hợp tác xã đầu tư công nghệ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè sạch, hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Quốc, Bỉ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ. Một số sản phẩm như: Chè Vàng, chè Xanh, Hồng Trà của các HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hàng năm, Cao Bồ thu hoạch khoảng 500 tấn chè, mang lại doanh thu trên 10 tỷ đồng, góp phần không nhỏ trong xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân.

Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm gần đây, khi loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá ngày càng phát triển, xã Cao Bồ chú trọng khai thác tiềm năng du lịch trải nghiệm gắn với cây chè Shan tuyết, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến tham quan. Chủ tịch UBND xã Cao Bồ Đặng Văn Chung cho biết: “Phát huy lợi thế của cây chè Shan tuyết, xã khuyến khích và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm chè chất lượng cao, đạt chuẩn OCOP. Cùng với đó là tổ chức Lễ hội “Miền trà di sản” hàng năm vừa để nâng tầm giá trị kinh tế cây chè, vừa để thúc đẩy phát triển du lịch. Du khách đến đây có thể tham gia các hoạt động như trekking đồi chè cổ thụ, tự tay hái chè, học cách sao chè và thưởng thức trà trong không gian homestay mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao”.

 BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập trung giảm nghèo, vững bước vào kỷ nguyên mới: Kỳ 1- Những con số “biết nói”
​​​​​​​BHG - Giai đoạn 2022 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm mạnh (giảm 18,77%) là minh chứng sống động cho những nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững. Các chương trình, chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, thực chất đã tạo nguồn lực để người dân miền đá vươn lên, hòa mình vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
30/04/2025
“Chìa khóa vàng” mở cánh cửa sinh kế ở Bắc Quang
BHG - Lấy người học làm trung tâm, doanh nghiệp làm đối tác, đầu tư bài bản, hỗ trợ đúng đối tượng… Đây chính là “chìa khóa vàng” trong chiến lược giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tại huyện Bắc Quang, giai đoạn 2021 – 2024. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn tạo sinh kế bền vững, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương thêm phát triển.
30/04/2025
Hội thảo tổng kết Dự án bảo tồn các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng
BHG - Chiều 28.4, tại thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Tổ chức Bảo tồn động thực vật Quốc tế (FFI) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án bảo tồn các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2016 - 2024.
28/04/2025
Gần 99% diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường
BHG - Thông tin từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đến hết quý I.2025, toàn tỉnh đã có 465.033,86 ha rừng được chi trả DVMTR, đạt 98,9% trên tổng số 470.166,9 ha diện tích rừng toàn tỉnh.
10/05/2025