“Chắc làm, chắc thắng” cây vụ Đông
BHG - Ngập úng, lũ lụt, hạn hán từ đầu năm đến nay ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng với quyết tâm đảm bảo tổng sản lượng lương thực cả năm, tỉnh ta triển khai trồng cây vụ Đông theo phương châm “chắc làm, chắc thắng”.
Những trận mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất những tháng đầu năm khiến đời sống người dân lao đao. Toàn tỉnh có trên 8 nghìn ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó trên 212 ha lúa; hơn 3,9 nghìn ha ngô; 555 ha hoa màu; trên 1.000 ha cây lâm nghiệp; 259 ha cây công nghiệp và ăn quả. Chăn nuôi có 1.567 chuồng trại hư hỏng, trên 26,3 nghìn con gia cầm, gần 1 nghìn con gia súc các loại bị chết; 190 ha thủy sản; gần 400 m3 cá bị thiệt hại, 137 đàn ong bị chết. Không để những người nông dân bị đói, nghèo, với quyết tâm “lấy vụ Đông bù vụ Mùa”, tỉnh tập trung nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất canh tác; mở rộng diện tích gieo trồng, sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ nhằm tăng thu nhập cho người sản xuất.
Người dân xã Sủng Máng (Mèo Vạc) gieo trồng cây vụ Đông bảo đảm thời vụ. |
Mặt khác, đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; sản xuất tập trung theo vùng đối với từng loại cây trồng, hình thành vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia cùng có lợi, nâng cao giá trị sử dụng đất. Để tránh mất cân bằng cung cầu, tỉnh xác định không sản xuất quá tập trung một loại cây dẫn đến dư thừa sản phẩm; không có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm bền vững làm giảm giá, giảm hiệu quả sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Nhị Sơn cho biết: Vụ Đông năm nay, tỉnh đặt ra yêu cầu đảm bảo tính chủ động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; tập trung mọi nguồn lực nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đồng bộ, sâu rộng tới các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân từ tỉnh đến cơ sở. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện được triển khai cụ thể, phù hợp với điều kiện địa phương, chú trọng các giải pháp mang lại hiệu quả cao.
Để đảm bảo tổng sản lượng lương thực cả năm, tỉnh phấn đấu gieo trồng vụ Đông đạt trên 14,4 nghìn ha; trong đó, cây ngô gieo trồng 2.260 ha gồm ngô cho thu bắp và ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi; gieo trồng 430 ha Tam giác mạch; 533 ha khoai lang; 158 ha khoai tây và 11 nghìn ha rau, đậu các loại. Nhằm triển khai vụ Đông đúng khung thời vụ, các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch lúa, ngô và các loại cây trồng vụ Mùa, chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ Đông.
Người dân xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) tích cực gieo trồng cây vụ Đông. |
Với quyết tâm cao, toàn tỉnh đã gieo trồng trên 2.248 ha cây vụ Đông, đạt 15,54% kế hoạch; chuyển đổi trên 58 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Nhằm hỗ trợ kịp thời cho người nông dân, các huyện, thành phố đã thẩm định, xây dựng kế hoạch chi tiết diện tích triển khai; tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động sản xuất; tập huấn kỹ thuật sản xuất cây trồng vụ Đông cho người dân; cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp.
Mèo Vạc là địa phương gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng quyết tâm đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính, địa phương huy động sự tham gia chỉ đạo sản xuất của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết: Huyện phân công lãnh đạo và cán bộ liên quan chỉ đạo từng xã, thôn và xác định rõ công việc ngay từ đầu vụ, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết. Thành lập, kiện toàn BCĐ sản xuất cây vụ Đông, phân công trách nhiệm cho các thành viên bám sát cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phát huy tối đa các lợi thế của địa phương, đầu tư thâm canh ngay từ đầu vụ. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình thâm canh đối với từng loại cây trồng.
Đồng bộ các giải pháp sản xuất cây vụ Đông, các địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân để tổ chức sản xuất tạo giá trị bền vững, xây dựng thương hiệu, tạo sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân; mở rộng hình thức liên kết sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chủ động diện tích gieo trồng, ưu tiên các chân đất tốt, chủ động thủy lợi. Các diện tích trồng ngô sinh khối bố trí trồng ở những nơi có điều kiện giao thông thuận lợi, trồng tập trung để thuận tiện cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Dồn điền, đổi thửa, mượn đất để hình thành những vùng sản xuất vụ Đông tập trung, tạo điều kiện cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long chia sẻ: Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư dịch vụ ứng trước giống, vật tư, phân bón, kỹ thuật cho sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ Đông. Mặt khác, chỉ đạo các tổ quản lý thủy nông làm tốt công tác tiêu úng đầu vụ, đáp ứng yêu cầu nước cho giữa và cuối vụ; đảm bảo 100% diện tích cây trồng vụ Đông được tưới, tiêu chủ động; tập huấn kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đối với từng loại sản phẩm vụ Đông theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Nâng cao vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất dịch vụ nông nghiệp để thực sự là cầu nối giữa nông dân, nhà nước, khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dịch vụ trực tiếp đến người nông dân.
Từ những giải pháp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân để đẩy mạnh sản xuất lương thực hàng hóa đến việc chủ động, linh hoạt vận dụng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người sản xuất; phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm cho từng ngành, địa phương đang là chìa khóa để mở ra vụ Đông thắng lợi.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc