Nâng tầm sản phẩm “Hồi Yên Minh”

15:03, 01/08/2024

BHG - Theo Quyết định số 44467, ngày 16.4 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sản phẩm “Hồi Yên Minh” chính thức được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. Đây là minh chứng thương hiệu sản phẩm Hồi của huyện Yên Minh đã được nâng tầm và là cơ sở phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Huyện ủy Yên Minh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU ngày 12.4.2021 về “phát triển chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó xác định đưa cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng chính để tập trung phát triển, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đa dạng hóa nền sản xuất nông nghiệp và nâng cao hệ số sử dụng đất, giá trị trên diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân, tăng tính bền vững hệ sinh thái rừng... Từ chủ trương trên, đến nay cây Hồi dần trở thành một trong những loại cây dược liệu chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện với tổng diện tích gần 200 ha, tập trung tại các xã: Ngọc Long, Mậu Long, Lao Và Chải, Na Khê và Bạch Đích. Trong đó, Ngọc Long là vùng trồng Hồi lớn nhất huyện với trên 165 ha.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và xã Ngọc Long hướng dẫn bà con chăm sóc cây Hồi.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và xã Ngọc Long hướng dẫn bà con chăm sóc cây Hồi.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Long Nguyễn Văn Quốc cho biết: Cây Hồi được người dân trồng khảo nghiệm từ năm 2012 với diện tích ban đầu 5 ha, đến năm 2017 tiếp tục được nhân rộng lên 25 ha và năm 2019 được nhà nước tiếp tục hỗ trợ trồng thêm 18 ha, nâng tổng diện tích lên 48 ha. Đây là loại cây dễ trồng, chăm sóc, sau 3 năm người dân có thể bắt đầu khai thác (thân, lá) để trưng cất tinh dầu và cho giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Vì vậy diện tích và giá trị cây Hồi mang lại không ngừng được nâng lên. Từ sản lượng tinh dầu trưng cất năm 2017 chỉ 260 lít, đem lại giá trị khoảng 100 triệu đồng; đến hết năm 2023, toàn xã trưng cất được 2.700 lít, đem lại giá trị trên 1 tỷ đồng.

Dù đã khẳng định được giá trị kinh tế, tuy nhiên diện tích Hồi ở Yên Minh chưa đủ để trở thành hàng hóa lớn, việc phát triển cây Hồi vẫn chủ yếu là tự phát, chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, chưa có quy hoạch cụ thể vùng trồng, quy mô; sản phẩm chế biến từ cây Hồi ở Yên Minh chủ yếu là chiết xuất tinh dầu thô và một phần nhỏ bán hoa hồi khô chưa qua chế biến cho thương lái, chưa có nhiều sản phẩm được chế biến sâu và trực tiếp phân phối tới người tiêu dùng...

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Minh Phạm Văn Sơn cho biết: Việc phát triển quy mô và khai thác giá trị sản phẩm Hồi của huyện hiện nay vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, triển khai xây dựng chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm “Hồi Yên Minh” là rất cấp thiết, nhằm đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Hồi, tìm ra các giải pháp phát triển; xây dựng bộ tiêu chí đặc thù chất lượng sản phẩm Hồi của huyện; xây dựng bản đồ khoanh vùng phạm vi mang nhãn hiệu sản phẩm “Hồi Yên Minh”; xây dựng hệ thống văn bản quản lý và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm...

Với việc được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, cấp chứng nhận nhãn hiệu đã khẳng định được tính đặc hữu và nâng tầm thương hiệu sản phẩm “Hồi Yên Minh” cũng như tiềm năng phát triển của sản phẩm này. Qua đó, không chỉ góp phần giúp người sản xuất duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn thúc đẩy đầu tư phát triển các sản phẩm chế biến từ quả, thân, lá cây Hồi; là căn cứ để cấp ủy, chính quyền địa phương có những cơ chế, chính sách, hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm. Ngoài ra, khi có nhãn hiệu sản phẩm sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm sản xuất từ cây Hồi tại huyện Yên Minh, có thêm niềm tin khi mua sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm ra thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Đồng chí Tẩn A Bách, Bí thư Chi bộ thôn Tà Muồng - nơi được coi là thủ phủ của cây Hồi ở Ngọc Long chia sẻ. Toàn thôn có 103 hộ dân thì nay đã có tới 95% số hộ chuyển đổi đất trồng ngô hoặc đất vườn đồi sang trồng Hồi. Hiệu quả từ trồng Hồi cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nên được người dân trong thôn, xã rất hưởng ứng. Tuy nhiên, việc trồng và chế biến tinh dầu Hồi ở địa phương vẫn là tự phát trong nhân dân. Khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận các hộ trồng Hồi đã thành lập hợp tác xã để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Nhưng chúng tôi mong rằng thời gian tới các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, xã sẽ có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng để phát triển hơn nữa sản phẩm “Hồi Yên Minh” như tiếp tục mở rộng diện tích, trở thành hàng hóa lớn, thu hút đầu tư chế biến sâu với đa dạng sản phẩm, vừa giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân vừa trở thành thương hiệu mang đặc trưng riêng của huyện.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngọt thơm mùa na chín
BHG - 30 ha na của nhân dân các tổ 6, 7, 8, 9 phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) đang vào mùa thu hoạch. Năm nay, na được mùa, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá ổn định từ 50 - 90 nghìn đồng/kg tùy loại, sản lượng ước khoảng 100 tấn, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 7 - 11, người trồng na phấn khởi vì tăng thu nhập. Na núi đá Quang Trung trở thành thương hiệu được thị trường đón nhận.
31/07/2024
Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án các đô thị xanh
BHG - Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại công trường thi công kè và đường hai bên bờ sông Miện, đoạn từ cầu suối Tiên đến khu vực cầu 3/2 thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án Hà Giang. Dù có thời điểm mực nước dâng cao, nhiều đoạn bờ sông Miện bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động và nhiều máy móc của nhà thầu thi công - Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi 1 vẫn luôn túc trực, tranh thủ từng chút thời gian, bố trí triển khai các phần việc hợp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ.
31/07/2024
Toàn tỉnh gieo cấy được hơn 26 nghìn ha lúa vụ Mùa
BHG - Tính đến hết tháng 7.2024, toàn tỉnh gieo cấy được trên 26 nghìn ha lúa vụ Mùa, đạt hơn 93% kế hoạch năm 2024 và tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2023.
30/07/2024
Gắn kết với địa bàn biên giới
BHG - Với địa bàn hoạt động tại 5 xã của huyện Vị Xuyên, gồm Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải và Phương Tiến; trong đó gồm 4 xã biên giới và 1 xã nội địa. Nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế của địa bàn, trong 6 tháng đầu năm 2024, Agribank Thanh Thủy đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
29/07/2024