Hỗ trợ người dân phát triển lâm nghiệp

17:14, 27/08/2024

BHG - Với vai trò chủ lực đầu tư phát triển “tam nông”, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn nỗ lực sát cánh, đồng hành cùng bà con trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ phát triển những mô hình kinh tế mới của địa phương. Agribank Quang Bình cũng theo đó tích cực hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống phù hợp với điều kiện của địa phương.

Quang Bình là huyện thuộc vùng thấp của tỉnh, có 3 dạng địa hình chính là địa hình đồi núi cao, đồi núi thoải và địa hình thung lũng, đồng thời có lượng mưa cao, điều kiện phù hợp phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả như cam, quýt. Bên cạnh đó, Quang Bình có diện tích rừng nguyên sinh lớn với thảm thực vật đa dạng, diện tích rừng trồng phát triển mạnh, đặc biệt trong hoàn cảnh hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ, thì phát triển kinh tế theo hướng vườn rừng, trồng cây lâm nghiệp ngày càng được bà con quan tâm.

 Ông Hoàng Xuân Bắc, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) thu hoạch lá Giang.
Ông Hoàng Xuân Bắc, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) thu hoạch lá Giang.

Nắm được điều kiện và nhu cầu của các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn, cùng trách nhiệm, tiên phong, thực hiện hiệu quả chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xoá đói giảm nghèo bền vững, Agribank Quang Bình đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nguồn vốn như đơn giản tối đa hồ sơ, thủ tục, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay để ngày càng có nhiều khách hàng được tiếp cận vốn vay. Các cán bộ tín dụng luôn nhiệt tình, trách nhiệm, bám sát địa bàn, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng.

Để hỗ trợ tốt nhất, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của khách hàng, Agribank Quang Bình đã áp dụng linh hoạt các quy định; rà soát, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay theo điều kiện của từng đối tượng, giảm gánh nặng kinh tế đối với khách hàng, giúp khách hàng yên tâm phát triển kinh tế.

Gia đình ông Hoàng Xuân Bắc, tổ 1, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) có diện tích rừng 4 ha, đã tiến hành trồng cây lâm nghiệp, phát triển kinh tế vườn rừng từ lâu. Tuy nhiên, do còn công việc chính khác nên ông Bắc không tập trung nguồn lực vào phát triển kinh tế theo hướng này. Đến năm 2015, khi chuẩn bị nghỉ hưu, ông Bắc mới quyết định vay vốn của Agribank Quang Bình để đầu tư, mở rộng, phát triển kinh tế vườn rừng. Ông Bắc chia sẻ, ông đã được các cán bộ tại chi nhánh hỗ trợ rất nhiều về hồ sơ, thủ tục cũng như tư vấn, giải đáp thắc mắc rất nhiệt tình, giúp ông tiếp cận nguồn vốn thuận tiện, dễ dàng.

Thời điểm ấy, hộ ông Hoàng Xuân Bắc trồng chủ yếu là cây Keo. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế của cây Giang tăng cao, trong khi chu kỳ khai thác của cây Keo lên tới 5-6 năm/chu kỳ. Năm 2023, ông Bắc đã chuyển đổi diện tích trồng Keo sang trồng cây Giang. Đến nay đã cho thu hoạch được vài tháng, mang lại hiệu quả kinh tế cao với năng suất 8 tạ lá/ha/tháng, giá thành 16.000 đồng/kg. Ông Bắc chia sẻ, dự kiến thời gian tới gia đình ông sẽ tiếp tục vay vốn của Agribank Quang Bình để mở rộng, phát triển kinh tế theo hướng này.

Có thể nói, Agribank Quang Bình đã và đang làm tốt công tác hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển cây lâm nghiệp, phát triển kinh tế vườn rừng. Trong tương lai, chi nhánh tiếp tục duy trì, đẩy mạnh huy động, sử dụng vốn; phấn đấu tăng dư nợ cho vay lĩnh vực nông-lâm nghiệp; đội ngũ cán bộ tín dụng thường xuyên đi cơ sở, tối thiểu 2 ngày/tuần, nắm bắt nhu cầu khách hàng để kịp thời hướng dẫn, tư vấn; triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ khách hàng, giúp nhiều người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Bài, ảnh: Như Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Mê đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
BHG - Chiều 27.8, huyện Bắc Mê tổ chức hội nghị chuyên đề đánh kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch hỗ trợ huyện Bắc Mê thoát khỏi tình trạng nghèo đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025. Đến dự có đồng chí Phạm Thị Hồng Yên, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
27/08/2024
Kết nối “huyết mạch” giao thông về thôn, bản ở Vị Xuyên
BHG - Những tuyến đường giao thông (GT) khó khăn về các thôn, bản, đặc biệt là thôn biên giới, thôn thuộc các xã trong lộ trình “về đích” Nông thôn mới (NTM) năm 2025 trên địa bàn huyện Vị Xuyên đang được đầu tư mở mới, nâng cấp, cứng hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.
24/08/2024
Bừng sáng bản làng biên giới Yên Minh
BHG - Thực hiện mục tiêu 100% các thôn biên giới có hạ tầng điện, đường giao thông nông thôn đạt chuẩn tiêu chí Nông thôn mới (NTM) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong 4 năm qua huyện Yên Minh đã tập trung lồng ghép các nguồn lực, đầu tư nhiều công trình đường giao thông, cấp điện lưới quốc gia tới các thôn, xóm, từng bước xây dựng bức tranh nông thôn ở các bản làng biên giới ngày càng tươi sáng hơn.
24/08/2024
Vàng Mí Dành thu nhập cao từ chăn nuôi ngựa
BHG - Đó là mô hình chăn nuôi ngựa của gia đình anh Vàng Mí Dành, thôn Pắc Ngàm, xã Lao Và Chải (Yên Minh). Từ năm 2019 đến nay, hàng năm, đàn ngựa đem về thu nhập cho gia đình anh Dành từ 150 – 200 triệu đồng.
24/08/2024