Bắc Quang xây dựng huyện Nông thôn mới

06:24, 06/11/2022

BHG - Với phương châm: “Trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, không chạy theo thành tích”, cả hệ thống chính trị và nhân dân khu vực cửa ngõ phía Nam đang chung sức xây dựng huyện Bắc Quang đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Đây là tiền đề quan trọng tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.

Đường hoa tạo diện mạo mới cho vùng Nông thôn mới Quang Minh.
Đường hoa tạo diện mạo mới cho vùng Nông thôn mới Quang Minh.

Thịnh vượng “tam nông”

Sau nhiều năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, huyện Bắc Quang có 11/21 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 52,4% tổng số xã); trong đó, 3 xã Đồng Yên, Vĩnh Hảo, Vĩnh Phúc đạt từ 8 – 12 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Kết quả khá toàn diện từ chương trình xây dựng NTM đã tạo nét chấm phá cho bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn khu vực cửa ngõ phía Nam thêm thịnh vượng.

Hiện nay, huyện Bắc Quang có 5 vùng sản phẩm chủ lực sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bao gồm: Vùng sản xuất chuyên cam quy mô hơn 4.000 ha, sản lượng đạt 40.000 tấn/năm; vùng sản xuất chè trên 5.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 25.000 tấn/năm; vùng sản xuất lạc hàng hóa 2.000 ha, sản lượng đạt 6.300 tấn/năm; vùng trồng rừng kinh tế tập trung với tổng diện tích gần 3.500 ha, cung cấp cho thị trường trên 40.000 m3 gỗ/năm, trữ lượng đạt trên 80 m3/ha. Riêng lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung (gia trại, trang trại). Đến nay, toàn huyện có 114 hộ chăn nuôi trâu, bò tập trung với quy mô từ 5 đến trên 20 con/hộ. Đồng thời, hình thành vùng chăn nuôi đại gia súc trên 22.000 con/năm, đàn lợn trên 85.000 con/năm.

Cùng với kết quả trên, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp năng suất cao, chất lượng tốt đã ra đời, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, phục vụ nhu cầu thị trường. Tiêu biểu có thể kể đến: Mô hình Hợp tác xã (HTX) Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (quy mô 312 ha, doanh thu ước đạt 12 – 15 tỷ đồng/năm); chuyển đổi vườn, đồi tạp sang trồng cây cam Vàng áp dụng thâm canh theo hướng VietGAP của gia đình anh Đặng Văn Lích, thôn Việt Hà (xã Việt Hồng) với quy mô 10 ha, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm; mô hình chăn nuôi 40 con bò sinh sản cho thu nhập cao của anh Cao Văn Sỹ, thôn Cầu Thủy (thị trấn Việt Quang); mô hình chăn nuôi gà của hộ ông Hoàng Văn Pháp, thôn Mục Lạn (xã Tân Quang) với quy mô lên đến 8.000 con/diện tích chăn thả 1 ha...

Từ kết quả chung sức xây dựng NTM đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo “tam nông” khu vực cửa ngõ phía Nam. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới của huyện giảm còn 17,42%; tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ chiếm 9,89% và tỷ lệ hộ khá, giàu đạt 47%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,71 triệu đồng/năm (cao gấp 1,29 lần so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh). Giá trị sản xuất/đơn vị diện tích canh tác đạt 71,8 triệu đồng/ha (cao gấp 1,5 lần so với mức chung toàn tỉnh).

Vượt khó, tạo bứt phá

Có thể khẳng định, chương trình xây dựng NTM của huyện Bắc Quang đang từng bước đi vào chiều sâu, có sự đồng thuận, tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Bắc Quang vượt khó, bứt phá, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2025.

Xây dựng huyện NTM đồng nghĩa với việc huyện Bắc Quang phải hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM; đảm bảo 100% số xã đạt chuẩn NTM, 10% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 100% số thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đến thời điểm này, huyện Bắc Quang đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM, gồm: Thủy lợi, điện, chất lượng môi trường sống và tiêu chí hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công. Còn 5 tiêu chí chưa đạt liên quan đến quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế và môi trường. Giai đoạn 2022 – 2025, huyện Bắc Quang có 10 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn NTM. Hiện các xã này đã đạt từ 10 – 14 tiêu chí/19 tiêu chí NTM.

Thực tế cho thấy, trên lộ trình xây dựng huyện NTM, Bắc Quang cũng đối diện không ít khó khăn, thách thức khi phải huy động nguồn lực đầu tư rất lớn (dự kiến lên đến gần 1.000 tỷ đồng). Thêm vào đó, hạ tầng xã hội và hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là các vùng quy hoạch chậm được đầu tư hoàn thiện. Phần lớn các xã chưa hoàn thành những tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư lớn như: Trường học, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa... trong khi hàng năm, việc huy động nguồn lực để đầu tư cho phát triển còn hạn chế. Hơn nữa, các xã xây dựng đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 – 2025 đa số là xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao... Vì vậy, việc hoàn thành 2 tiêu chí mang tính then chốt là thu nhập, nghèo đa chiều đảm bảo đạt chuẩn NTM một cách thực chất, bền vững trở thành thách thức không hề nhỏ.

Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, song cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp căn cơ, chiến lược, khoa học và bài bản để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng huyện Bắc Quang đạt chuẩn NTM. Trong đó, có các giải pháp cụ thể để thực hiện 2 tiêu chí mang tính then chốt là thu nhập, nghèo đa chiều đảm bảo đạt chuẩn NTM, như: Xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia vay, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi gắn với hướng dẫn phương thức sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất theo quy mô nhóm hộ, tổ đội, HTX gắn với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ...

Kỳ vọng với những giải pháp chiến lược trong thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM cùng sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân, huyện Bắc Quang sớm đạt chuẩn NTM. Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện Bắc Quang xứng tầm vùng động lực, trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của tỉnh.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bám sát các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
BHG - Trong suốt quá trình hoạt động, Agribank Vị Xuyên luôn bám sát các chương trình phát triển KT – XH của địa phương. Từ đó, kịp thời đưa nguồn vốn đến khách hàng, phục vụ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thông qua các chương trình tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi để thực hiện tốt vai trò là trụ đỡ hỗ trợ tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.
30/10/2022
Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Theo TTXVN, hãng tin Sputnik (Nga) dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đưa tin Việt Nam có nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc, đạt 23 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.
30/10/2022
Chuyển đổi sản xuất ở xã Vĩnh Phúc
BHG - Xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) có 1.784/2.094 hộ trồng cam, chiếm 85% tổng số hộ trong toàn xã. Thu nhập bình quân trên mỗi ha trồng cam lợi nhuận 148 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí) gấp 4,8 lần so với trồng lúa 2 vụ/năm. Đối với cây cam từ 6 năm tuổi trở lên sẽ cho thu hoạch ổn định, doanh thu từ 250 – 450 triệu đồng/ha/năm.
30/10/2022
Mảnh vườn trù phú của lão nông Hoàng Thế Diện
BHG - Bốn mùa trong năm, mảnh vườn trồng rau của gia đình ông Hoàng Thế Diện, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) luôn tốt tươi, mang lại nguồn thu cho gia đình ông mỗi năm gần 150 triệu đồng. Đây là kết quả bước đầu sau khi ông thực hiện cải tạo vườn tạp (CTVT) theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Mô hình trồng rau của gia đình ông được đánh giá là tiêu biểu của xã Niêm Sơn đến thời điểm này
29/10/2022