Mùa vang tiếng cười ấm no
BHG - Vụ Hè – thu là vụ mùa lớn nhất trong năm của người dân miền núi Hà Giang, có thể nói lương thực cả một năm của bà con trông chờ vào vụ này. Nên cứ mùa Thu nắng ươm vàng trên những đồi cọ, rừng vầu là bản làng vang tiếng cười nói của bà con đang hăng say thu hoạch vụ lúa ấm no của bản làng.
Mùa vàng tại Hoàng Su Phì (Ảnh: Minh Ty) |
Rộn ràng mùa gặt trên đồng. |
Còn nhớ ngày trước khi chưa có máy cày, máy tuốt, máy gặt hiện đại, mọi việc cấy hái đều làm bằng tay từ gặt, đập từng bản làng vang rộn lên tiếng thùng, tiếng lỏng đập lúa của người nông dân. Lúc làm đất để cày, bừa thì mong trời mưa cho đất mềm, bùn dẻo; lúc lúa chín mong cho trời thật nắng để hạt thóc chín vàng còn phơi khô, quạt hết trấu lép và đóng bao cất trong nhà mới an lòng. Không phụ lòng người, những ngày cuối Thu này, trời đầy nắng và gió thật biết chiều lòng người nông dân, những thửa ruộng vàng ươm bừng lên sắc màu no ấm và hương lúa mới ngào ngạt. Ở bản dưới, những tay liềm thoăn thoắt, từng bó lúa được gom về máy tuốt, ở bản trên nơi canh tác ruộng bậc thang lúa được cắt phơi cả rơm trên từng bờ thửa chờ cho nắng làm khô lúa rồi mới đập lấy từng hạt thóc chắc mẩy mang về. Cứ thế hối hả những buổi đổi công, từng đám ruộng rộn vang tiếng người, tiếng máy, thóc lúa ào ào đổ đầy bao chờ được mang về nhà. Người lớn tất bật công việc người lớn, trẻ nhỏ tíu tít việc con trẻ trong mùa vàng của ấm no. Một ngày của mùa gặt cũng bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn ngày thường, cả nhà dậy rất sớm mỗi người một việc, ăn vội bữa sáng cho chắc dạ rồi theo ánh nắng sớm giục giã cùng ra đồng gặt lúa.
Máy tuốt đã thay cho đập lúa thủ công, giúp việc thu hoạch đỡ vất vả. |
Ngày gặt lúa, bọn trẻ con chăn trâu nhàn vì trâu ăn cỏ bờ, ăn rơm lúa mới vàng ươm chúng sẽ có thời gian chơi đùa trên đồng ruộng. Những kèn lưỡi gà làm từ thân rơm vang lên khắp cánh đồng do bọn trẻ đua nhau thổi. Những ụ rơm gom lại để nhảy từ trên bờ cao xuống ruộng dưới, rồi đuổi bắt, chơi trận giả làm huyên náo cả một khoảng rừng khiến ngày mùa bớt đi vất vả. Đứa nào chăm chỉ sẽ đi bắt cào cào, châu chấu, hoặc xúc cá để tối về có bữa cơm mới ăn cùng cào cào rang, bát canh chua nấu cá. Đám trẻ ấy vui đùa tiếng cười lẫn tiếng thùng, tiếng lỏng vang lên bay theo gió trời lan khắp núi rừng thay cho lời báo mùa màng bội thu của người dân miền rừng với đất trời vậy. Những năm trước, các bản chủ yếu cấy lúa thuần và nếp cái, nếp cẩm nên ngày mùa kéo dài hơn. Cũng chỉ những giống lúa ấy mới phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của kiểu đất ruộng bậc thang khắc nghiệt. Người nông dân vất vả nhất ngày mùa, nhưng cũng hạnh phúc nhất ngày thu lúa, những giọt mồ hôi đổ xuống ướt những tấm áo bạc màu để đổi lấy bát cơm thơm dẻo.
Người Dao bản Lùng Vài, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) với niềm vui được mùa. |
Mùa thu hoạch như một ngày hội của người nông dân miền rừng, sau khi gặt lúa xong, thóc đã chất đầy nhà, rơm rạ đã thu gom về cho trâu, bò ăn mùa rét. Người miền núi Hà Giang có nhiều dân tộc làm Lễ mừng cơm mới. Lễ mừng cơm mới như một lời cảm ơn đất trời, Tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, được mùa. Đó là bởi dù thời thế có đổi thay ra sao thì người nông dân miền núi vẫn sống và lấy nghề nông làm đầu.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc