"Tiếp sức" cho nông dân Hoàng Su Phì vươn lên

09:27, 02/06/2021

BHG - Cùng với các kênh tín dụng ưu đãi khác, những năm qua, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hoàng Su Phì đã triển khai kịp thời đến các hội viên, tiếp sức, đồng hành cùng hội viên nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu thông qua những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

Hội Nông dân huyện ra quân giúp hộ anh Trương Văn Tuấn, xã Tụ Nhân cải tạo vườn tạp. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)
Hội Nông dân huyện ra quân giúp hộ anh Trương Văn Tuấn, xã Tụ Nhân cải tạo vườn tạp. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Đến thăm gia đình chị Tải Thị Viện, thôn Lủng Khum, xã Đản Ván khi chị đang chăm sóc đàn lợn của gia đình, chị cho biết: Trước đây gia đình tôi đã chăn nuôi lợn nhưng quy mô nhỏ, chỉ vài con trong chuồng. Xác định rõ muốn nâng cao thu nhập thì phải tăng đàn nên gia đình tôi chủ động đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại để kết hợp chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thương phẩm. Tháng 4 vừa qua, sau khi được vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, tôi mua thêm con giống về nuôi. Hiện, nhà tôi thường xuyên duy trì từ 30 – 50 con lợn đen trong chuồng, trong đó có 8 lợn nái sinh sản.

Cũng giống như gia đình chị Viện, năm 2019 sau khi được tiếp cận nguồn vốn 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, gia đình anh Lý Văn Thuần, thôn Ngàm Đăng Vài 1, xã Ngàm Đăng Vài đã đầu tư phát triển lợn đen. Với tổng đàn duy trì từ 30 con trở lên mỗi lứa, hàng năm gia đình anh thu nhập ổn định từ chăn nuôi. Anh Thuần chia sẻ: Trước đây các gia đình chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi được tuyên truyền về nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, được cán bộ Hội trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất cụ thể, gia đình tôi đã đăng ký và được vay vốn từ cuối năm 2019. Đến nay, sau gần 2 năm được tiếp cận nguồn vốn, đã giúp gia đình tôi thay đổi tư duy sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi, đem lại thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống gia đình.

Mô hình chăn nuôi lợn đen của gia đình chị Tải Thị Viện, thôn Lủng Khum, xã Đản Ván từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)
Mô hình chăn nuôi lợn đen của gia đình chị Tải Thị Viện, thôn Lủng Khum, xã Đản Ván từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Với mục đích bổ sung thêm một kênh hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tháng 12.2019, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, tổng nguồn vốn của Quỹ là 530 triệu đồng. Đối tượng cho vay là hội viên nông dân trên địa bàn huyện, mức vay từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/1 hộ. Thời hạn cho vay gồm 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng, mức phí vay vốn là 0,7%/tháng. Đến nay đã có 18 hộ hội viên nông dân được tiếp cận vốn vay từ nguồn Quỹ này.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Lý Văn Tương cho biết: Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện được thành lập nhằm bổ sung thêm một kênh hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, nhóm hộ, phát triển sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương. Đây là nguồn quỹ do Hội Nông dân trực tiếp quản lý, giải ngân, ngoài ra, Hội còn phối hợp với các đơn vị tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp cho các gia đình, nên 100% hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn. Điểm khác biệt trong quá trình quản lý, vận hành Quỹ đó là, cán bộ Hội Nông dân huyện trực tiếp đến tận gia đình có nhu cầu vay vốn để khảo sát và xây dựng phương án sản xuất cụ thể, nhờ đó đối tượng vay được sàng lọc kỹ, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. 

Hưởng ứng Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ của tỉnh, vừa qua Hội Nông dân huyện đã phát động phong trào rộng khắp đến các cơ sở hội và hội viên. Đồng thời, hỗ trợ cho 2 hội viên vay vốn để thực hiện cải tạo vườn tạp từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, mỗi hộ được vay vốn 15 triệu đồng. Chị Vàng Thị Nhọt, thôn Na Hu, xã Tụ Nhân, một trong 2 hộ được tiếp cận vốn vay phấn khởi cho biết: Được sự tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân huyện và cán bộ xã, gia đình tôi đã thực hiện cải tạo 2.000 m2 vườn tạp, gồm vườn để trồng các loại rau, đậu, chuối, chuồng trại để chăn nuôi bò, lợn và ao cá. Không chỉ hỗ trợ tiếp cận vốn vay, cán bộ Hội đã trực tiếp đến hướng dẫn gia đình xây dựng sơ đồ vườn và phương án sản xuất, ngoài ra còn hỗ trợ ngày công giúp gia đình cải tạo vườn. Hiện nay, các loại cây trồng đang phát triển tốt, ao cá cũng đã hoàn thiện và chuẩn bị thả cá giống. Tôi rất hy vọng qua thực hiện mô hình sẽ giúp gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

“Nguồn vốn tuy ít mà hiệu quả” – đó là nhận định chung của các hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Hoàng Su Phì. Cùng với các kênh hỗ trợ khác, nguồn vốn của Quỹ đã tiếp sức, đồng hành cùng hội viên nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Hội, góp sức làm chuyển biến bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phố Lồ Phìn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu

BHG - Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), Đảng bộ xã Cán Tỷ (Quản Bạ) đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân thực hiện nhiều tiêu chí trong NTM, nhất là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở xóm Phố Lồ Phìn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

31/05/2021
Trồng na Thái gắn với cải tạo vườn tạp

BHG - Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai dự án trồng na Thái có giá trị kinh tế cao gắn với cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ với quy mô 6 ha tại thành phố Hà Giang và huyện Quang Bình gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân.

 

31/05/2021
Cây lá Khôi tía ở thôn Tân Tiến

BHG - Chúng tôi cùng Bí thư Đảng bộ xã Việt Vinh (Bắc Quang), Hoàng Văn Hùng vào thôn Tân Tiến để thấy người dân trong làng trồng cây Khôi tía.

30/05/2021
Túng Sán - vùng chè Shan cổ dưới đỉnh cao 2.428 m

BHG - Nằm bên sườn dãy núi Tây Côn Lĩnh cao 2.428 m, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì), nơi có nhiều lợi thế về phát triển cây chè Shan tuyết. Với độ cao và thổ nhưỡng đặc biệt, vùng chè cổ Túng Sán có nội chất tốt và giá trị thương phẩm khá cao so với các vùng chè khác. Đồng bào người dân tộc Cờ Lao, Dao, Hoa là chủ nhân của vùng nguyên liệu chè đặc biệt này. Với kinh nghiệm sản xuất chè cổ truyền, cùng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, trong đó có sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công của tỉnh và Trung ương, đã đưa danh tiếng vùng chè Túng Sán đến với nhiều người sành chè khắp cả nước.

30/05/2021