Hà Giang

Phát triển kinh tế rừng bền vững ở Quang Bình

21:14, 24/06/2021

BHG - Huyện Quang Bình là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, chiếm gần 76% diện tích đất tự nhiên. Phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, địa phương này đã và đang phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, hiệu quả; tỷ lệ che phủ rừng tính đến cuối năm 2020 đạt 68,5%.

Người dân xã Bằng Lang tích cực trồng rừng kinh tế.
Người dân xã Bằng Lang tích cực trồng rừng kinh tế.

Tiềm năng phát triển kinh tế rừng

Quang Bình có tổng diện tích tự nhiên trên 79.100 ha. Trong đó, diện tích rừng và đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 60.107 ha, chiếm 75,9%. Trồng rừng sản xuất đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nên hàng năm huyện đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu về trồng rừng và chăm sóc tốt diện tích rừng trồng gắn với khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh tự nhiên đối với đất có cây gỗ tái sinh.

Năm 2021, Quang Bình đặt mục tiêu trồng 2.330 ha rừng, đến nay đã trồng được trên 1.300 ha. Cùng với việc đảm bảo diện tích, huyện cũng đã thực hiện tốt các chương trình trồng rừng kinh tế để giảm nghèo bền vững, chú trọng đưa giống tốt, chủ yếu sử dụng cây keo lai, cây quế vào trồng rừng sau khai thác. Đồng thời, mở rộng các vườn ươm cây giống lâm nghiệp, thường xuyên hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho chủ rừng. Nhờ vậy, nhiều hộ đã biết làm giàu từ vốn rừng, các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân để trồng rừng.

Hạt Kiểm lâm Quang Bình kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính một cơ sở sản xuất ván bóc tại xã Tiên Yên.                       (Ảnh chụp tháng 4.2021).
Hạt Kiểm lâm Quang Bình kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính một cơ sở sản xuất ván bóc tại xã Tiên Yên. (Ảnh chụp tháng 4.2021).

Đi đôi với việc phát triển rừng, toàn huyện có 25 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, đa số là sản xuất ván bóc, phần lớn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2021, tổng diện tích rừng trồng toàn huyện dự kiến khai thác 3.007 ha, bao gồm của cả hộ dân và Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham; sản lượng gỗ ước đạt 13.884 m3, đem lại giá trị kinh tế lớn, đóng góp tỷ trọng đáng kể trong ngành nông, lâm nghiệp. Cũng nhờ việc khai thác, chế biến gỗ đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đạt trên 32 triệu đồng/người/năm, nằm trong số những huyện tốp đầu của tỉnh.

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng

Phát huy hiệu quả kinh tế rừng và phát triển rừng bền vững, những năm qua, huyện Quang Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp chính quyền và các chủ rừng về công tác bảo vệ, phát triển, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, với diện tích rừng lớn, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn trọng điểm, đặc biệt tại xã Xuân Giang, Bằng Lang. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Kiểm lâm huyện đã tổ chức tuần tra rừng, kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản, ván bóc. Qua đó, phát hiện 11 vụ vi phạm về các hành vi vi phạm lâm luật như phá rừng trái phép; mua bán, cất giữ, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tịch thu 15,5 m3 gỗ các loại; khởi tố hình sự 1 vụ, xử phạt hành chính 7 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 105 triệu đồng…

Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước thực trạng trên, UBND huyện tập trung chỉ đạo Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra thường xuyên các xưởng chế biến gỗ và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm; tiến hành đợt tổng kiểm tra, tuần tra các khu rừng, kịp thời phát hiện những sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; triển khai ký cam kết giữa hộ dân, ban quản lý thôn không tiếp tay khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp bảo vệ toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất, ngăn chặn, triệt phá các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Cùng với các giải pháp trên, việc tăng cường ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin như: Máy định vị GPS; điện thoại thông minh đã được cài đặt các phần mềm hỗ trợ chuyên dụng cho lâm nghiệp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là phương pháp hiện đại giúp cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định vị trí, tọa độ xử lý cháy rừng, phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp, góp phần bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có trên địa bàn.

Bài, ảnh: D.Tuấn - M.Lan


Cùng chuyên mục

Vui bước trên con đường mới

BHG - Nhằm phát huy tinh thần không chông chờ, ỷ lại vào Đảng và Nhà nước, thời gian qua, bà con nhân dân xã Vĩ Thượng (Quang Bình) đã chủ động xã hội hóa, mỗi hộ dân tự đóng góp tiền để làm đường bê tông nông thôn cũng như các công trình trong thôn, nhằm chào mừng thành công Cuộc Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. 

24/06/2021
Cải tạo vườn tạp ở vùng biên Má Lé

BHG - Những khoảng đất hoang vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nay đã được phủ kín bởi những mầm xanh của rau màu, cây trái sum suê, nhiều sắc màu. Người dân vui mừng, phấn khởi từ khi Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh triển khai đến từng người dân, đã mang lại nhiều thiết thực, tạo sinh kế, nguồn sống cho đồng bào miền biên viễn của Tổ quốc. Xã Má Lé (Đồng Văn) là 1 trong những địa phương tiên phong đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, thay đổi những khu vườn, đồi tạp; định hướng những cách làm hay, thiết thực mang lại nguồn thu nhập khá, việc làm ổn định cho đồng bào nơi đây.

24/06/2021
Giúp người dân Đồng Văn thoát nghèo

BHG - Trong những năm qua, với quyết tâm và việc làm cụ thể, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đồng Văn (Agribank Đồng Văn) luôn thể hiện sự gắn bó, đồng hành cùng nông dân, triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững. Nhất là trong việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với "Tam nông" để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng cùng ngành Ngân hàng trong tỉnh thực hiện thành công mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo...

24/06/2021
Đồng hành cùng doanh nghiệp

BHG - Trong thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư cho vay hộ gia đình và cá nhân, Agribank chi nhánh Hà Giang còn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, chia sẻ đồng hành cùng các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Agribank Hà Giang đã có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

24/06/2021