Hà Giang

"Cơ duyên" với Agribank Chi nhánh Thanh Thủy

10:04, 01/12/2020

BHG - Qua giới thiệu và tìm hiểu bạn bè, anh Nguyễn Tùng Lâm, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên đã kết nối và được hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh Thanh Thủy để đầu tư, phát triển trang trại theo mô hình Vườn – Ao – Chuồng – Rừng (VACR). 

Anh Nguyễn Tùng Lâm (phải) sử dụng nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh Thanh Thủy trồng cây lâm nghiệp.
Anh Nguyễn Tùng Lâm (phải) sử dụng nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh Thanh Thủy trồng cây lâm nghiệp.

Cuối năm 2019, gia đình anh Lâm bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng phát triển trang trại trồng cây lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi, sản xuất. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, anh gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư ban đầu. Qua nhiều lần trăn trở cùng bạn bè, anh Lâm đã được gợi ý, giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh Thanh Thủy. 

Được sự tư vấn của cán bộ tín dụng, anh mạnh dạn vay 1,4 tỷ đồng, cùng nguồn vốn tích góp, anh Lâm bắt đầu “khởi nghiệp” trang trại VACR ở thôn Tà Vải, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang. Trang trại của anh nằm cách trung tâm xã Ngọc Đường khoảng hơn 4km. Vui vẻ dẫn tôi đi tham quan theo từng khu vực “quy hoạch” khác nhau, anh Lâm cho biết: Tổng diện tích trang trại của gia đình là hơn 18 ha. Xung quanh được bao bọc bởi những ngọn đồi, ở giữa là vườn cây, ao cá và chuồng chăn nuôi lợn, gà. Tháng 12.2019, anh bắt đầu việc san ủi, đào ao, thả cá, cải tạo vườn tạp, mở đường đi xung quanh trang trại để chở phân bón và phục vụ cho việc chăm sóc cây trồng. 

Ban đầu anh Lâm cũng có đắn đo, băn khoăn vì nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Chỉ tính riêng chi phí cho công tác cải tạo và mua giống cây trồng, vật nuôi đã hơn 2 tỷ đồng. Hiện, trang trại của anh đang thực hiện trồng hơn 2 vạn cây hông (loại cây lâm nghiệp thân gỗ), cải tạo 6 ao nuôi cá và có hơn 3 tấn cá trọng lượng từ 3 – 4kg/con. Ngoài ra, để tận dụng quỹ đất, anh triển khai trồng các loại cây ăn quả như: Cam Sành, mít, chuối, nuôi gần chục con lợn nái để tăng thêm thu nhập. 

Bộc bạch về mục tiêu chọn cây hông để phát triển kinh tế, một loại cây còn rất mới trên địa bàn tỉnh, anh Lâm chia sẻ: Cây hông là cây gỗ lớn, có tốc độ sinh trưởng nhanh, không bị mối mọt, ít biến dạng khi thời tiết thay đổi. Gỗ hông được dùng trong nhiều lĩnh vực đời sống, như làm đồ gia dụng. Ngoài ra, gỗ hông còn được dùng làm nhạc cụ, đóng tàu và sản xuất bột giấy cao cấp. Vì vậy sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, nhận thấy tại một số tỉnh, người dân trồng cây hông cho giá trị kinh tế cao. Sau 5 năm, cây sẽ thu hoạch 1 lần và tái sinh, không phải trồng lại đối với năm tiếp theo. Qua thời gian trồng thử nghiệm, cây hông rất thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây nên cây phát triển tốt, mang đến nhiều triển vọng. 

Theo báo cáo của Agribank Chi nhánh Thanh Thủy, tổng dư nợ từ đầu năm đến ngày 31.10 đạt gần 183 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 82%. Hiện tại, Agribank Chi nhánh Thanh Thủy đang hỗ trợ vốn vay cho 4 trang trại phát triển tốt về chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện Vị Xuyên. 

Anh Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Agribank Chi nhánh Thanh Thủy cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Agribank luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất từ việc tư vấn, hỗ trợ và hoàn thiện hồ sơ một cách nhanh nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng thường xuyên xuống cơ sở để kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay và nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. 

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mô hình cá - lúa - vịt

BHG - Bằng việc tận dụng diện tích ruộng sẵn có, mô hình cá – lúa – vịt đã mang lại lợi ích kép. Với việc giảm chi phí cho chăn nuôi, tiết kiệm diện tích và tận dụng được các thức ăn sẵn có từ đồng ruộng. Các sản phẩm cá, vịt nuôi theo phương thức tự nhiên có giá từ 120 – 150 nghìn đồng/ kg, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân; đảm bảo tính an toàn sinh học và là giải pháp hữu hiệu cho việc ngăn chặn sử dụng thuốc trừ sâu và các thuốc phun khác cho cây lúa… Qua đó, tạo nên môi trường sản xuất an toàn, thân thiện và sinh thái trong chăn nuôi.

 

30/11/2020
Khẳng định vai trò trong phát triển KT – XH

BHG - Với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, các HTX đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH chung của tỉnh. Trước thềm Đại hội đại biểu Liên minh HTX tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

 

30/11/2020
Hợp tác xã Hoa Bạc Hà chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm

BHG - Bắt đầu từ tháng 10 dương lịch, hoa Bạc hà vùng Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu nở rộ trong khoảng thời gian 2 tháng, đây là nguồn thức ăn chính của ong để có mật ong Bạc hà chất lượng tốt nhất. Yên Minh là một trong những huyện nằm trong vùng nguyên liệu nuôi ong. Nắm bắt được lợi thế trên, HTX Hoa Bạc Hà (Yên Minh) đã tập trung phát triển đàn ong, cũng như sản xuất sản phẩm mật ong đặc biệt này ra thị trường.

30/11/2020
Điểm sáng liên kết tiêu thụ nông sản địa phương

BHG - Với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm hướng đi, đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, HTX Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (HTX Po Mỷ) đã trở thành đầu mối thu mua nông sản với giá thành ổn định, liên kết tiêu thụ và sản xuất nông sản địa phương. 

30/11/2020