Hoàng Su Phì nỗ lực xây dựng xã, thôn điển hình

09:26, 24/09/2020

BHG - Thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng “Mỗi huyện một xã, mỗi xã một thôn điển hình phát triển kinh tế nông nghiệp”, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã tích cực triển khai với nhiều cách làm sáng tạo. Qua đó đã góp phần phát triển các sản phẩm đặc thù, thế mạnh có giá trị kinh tế cao ở mỗi địa phương, tạo ra sản phẩm có chất lượng và gia tăng giá trị, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. 

HTX Long Nhi, xã Thông Nguyên giới thiệu sản phẩm tinh dầu Thảo quả.
HTX Long Nhi, xã Thông Nguyên giới thiệu sản phẩm tinh dầu Thảo quả.

Thông Nguyên là một trong 3 xã điển hình về phát triển nông nghiệp của huyện đã hoàn thành các tiêu chí theo kế hoạch đề ra. Đến nay, Thông Nguyên đã khoác lên mình một diện mạo mới. Những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương bao gồm: Chè, dược liệu đã được định hướng phát triển chuyên canh theo vùng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Trong đó, cây chè là cây chủ lực được xã xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất thành hàng hóa. Hiện, toàn xã có trên 655 ha chè, diện tích cho thu hoạch là 492,4 ha, sản lượng đạt hơn 2.000 tấn chè búp tươi/năm. Huyện đã quy hoạch lại vùng chè trọng điểm theo hướng VietGap và hữu cơ để phát triển cho toàn vùng, mở ra hướng đi mới trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiến hành phân vùng nguyên liệu cho các HTX và cơ sở chế biến trên địa bàn. Sau khi tạm giao vùng nguyên liệu, các HTX và cơ sở chế biến đều thống nhất với các hộ trồng chè về giá thu mua nhờ đó giá chè được các xưởng thu mua ổn định. Các cơ sở chế biến chè đã chú trọng xây dựng mẫu mã bao bì, sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu. Người trồng chè cũng chú trọng đến khâu thu hái chè búp tươi theo tiêu chuẩn của cơ sở chế biến, thu mua và bảo quản sản phẩm; năng suất, chất lượng chè từng bước được nâng lên. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Năm 2015, Thông Nguyên trở thành xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, cao gấp ba lần so với năm 2010.

Đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất cho nông dân, phân vùng kinh tế nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát huy thế mạnh của từng thôn, bản, đó là cách làm của xã Hồ Thầu để trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Hiện nay, xã đang tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi thế mạnh như chè, Thảo quả, dược liệu; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê và nuôi ong lấy mật nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Phát triển vùng chè hữu cơ tại các thôn Tân Phong, Quang Vinh; các doanh nghiệp, HTX chế biến chè đã tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với bà con, sản lượng bình quân trên 1.400 tấn/năm. Cùng với đó, xã tập trung phát triển cây Thảo quả với diện tích trên 420 ha; trong đó, 300 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 136 tấn/năm. Với sản lượng ổn định và giá trị kinh tế cao, nhiều người dân địa phương đang thử nghiệm chưng cất tinh dầu Thảo quả, bước đầu đem lại hiệu quả rất tích cực. Đồng thời, xã cũng chú trọng phát triển các tổ hợp tác sản xuất, nhóm cùng sở thích, như: Chăn nuôi dê, nuôi gà, trồng và chế biến chè, Thảo quả, nuôi trâu, bò hàng hóa… nhằm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ nhỏ lẻ sang liên doanh, liên kết gắn với tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. 

Tính đến hết tháng 5.2020, huyện Hoàng Su Phì có 3 xã đạt tiêu chuẩn xã điển hình về phát triển nông nghiệp là Thông Nguyên, Nậm Ty, Hồ Thầu. Còn 2 xã chưa đạt là Nậm Dịch (6 tiêu chí), Sán Sả Hồ (4 tiêu chí). Có 2/40 thôn đạt thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp là thôn Tân Phong (xã Hồ Thầu) và thôn Ngài Trồ (xã Thàng Tín). 38 thôn còn lại đạt từ 4 – 6/9 tiêu chí. 

Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 5 xã và 40 thôn đang triển khai xây dựng xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi, các sản phẩm đặc thù, thế mạnh để tập trung sản xuất hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng KHKT, thâm canh tăng năng suất cây trồng tạo ra sản phẩm có chất lượng, góp phần gia tăng giá trị. Cùng với đó, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Qua đó đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp đáng kể trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp ở Vị Xuyên

BHG - Phát triển nông nghiệp trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật (KHKT), thích ứng biến đổi khí hậu, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị là cách làm mới, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Vị Xuyên.

 

24/09/2020
Mèo Vạc đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu

BHG - Mèo Vạc là huyện duy nhất của tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), có cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng và các lối mở nối liền với các cặp chợ biên giới, thuận lợi trong phát triển kinh tế biên mậu. Từ lợi thế đó, địa phương đã xác định chiến lược phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo QP – AN, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng biên.

 

24/09/2020
Hội thảo tuyên truyền nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

BHG - Ngày 23.9, tại xã Ngọc Minh (Vị Xuyên), Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tổ chức Hội thảo tuyên truyền nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, thuộc hợp phần 3, Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Hà Giang năm 2020. Dự hội thảo có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, các đơn vị chuyên môn của huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và lãnh đạo 5 xã triển khai mô hình.

 

23/09/2020
Đồng Văn nỗ lực giảm các thôn, xã đặc biệt khó khăn

BHG - Sau khi có Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 3.11.2016 của Thủ tướng Chính phủ về xác định thôn đặc biệt khó khăn và xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016-2020; UBND huyện Đồng Văn đã cụ thể hóa và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện rà soát; xây dựng lộ trình, phương án cụ thể; phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

 

23/09/2020