Góp ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển bền vững cây cam, quýt tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 – 2025
BHG - Sáng 14.5, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành và một số huyện nhằm cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển bền vững cây cam, quýt tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án. |
Tính đến hết năm 2019, tổng diện tích cây ăn quả có múi (họ cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Hà Giang là 9.055,7 ha, trong đó: Diện tích bưởi là 151,5 ha; diện tích chanh là 228,5 ha; diện tích quýt 365,4 ha và diện tích cam là 8.310,3 ha. Với nhiều giải pháp được triển khai, từ năm 2014 đến nay cây cam ngày càng khẳng định vị thế là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Mặc dù vậy, từ năm 2017 trở lại đây, việc phát triển cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây cam đứng trước một số khó khăn như: Diện tích cây cam trồng mới phát triển quá nhanh gây phá vỡ quy hoạch, định hướng của tỉnh; bố trí cơ cấu giống cam chưa khoa học... , nên chưa mang lại giá trị cao cho người sản xuất; các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, dẫn đến người sản xuất, doanh nghiệp, HTX khó tiếp cận… Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án: “Phát triển bền vững cây cam, quýt tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và 7 nhóm giải pháp thực hiện.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào bố cục, nội dung Đề án cũng như các giải pháp tổ chức thực hiện như: Cần làm rõ diện tích cam, quýt, bưởi chiếm bao nhiêu % trong cả nước; đánh giá rõ hiệu quả kinh tế của từng giống cam; thị trường tiêu thụ phải có dự báo cụ thể; quan tâm việc ghép cải tạo giống cam cũng như chất lượng cam, vì hiện nay vỏ cam vẫn dày, nhiều hạt, chua; đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường xúc tiến, quảng bá thương mại sản phẩm gắn với kết hợp du lịch sinh thái vườn cam tại những vùng có điều kiện…
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Sở NN&PTNT sẽ tiếp thu và tham mưu hoàn thiện Đề án, đảm bảo phát triển cây ăn quả có múi phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH của tỉnh, đem lại giá trị kinh tế cao và bền vững.
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc