Hà Giang

Nông dân Quản Bạ tăng cường liên kết sản xuất

10:14, 01/10/2019

BHG - Đề án số 10 – ĐA/HU của BTV Huyện ủy Quản Bạ về “Nâng cao hiệu quả liên kết, phát triển kinh tế của nông dân huyện Quản Bạ, giai đoạn 2018 – 2023” được ban hành từ năn 2018. Đến nay, sau gần 1 năm thực hiện đến nay từng bước góp phần giúp người nông dân tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế bằng hình thức liên kết tự nguyện, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; giúp người dân phát huy nội lực, quyết tâm hướng đến thoát nghèo, làm giàu chính đáng; góp phần tích cực vào việc phát triển KT – XH...

Diện tích trồng mía của chị Lò Thị Giàng, thôn Sang Phàng, xã Đông Hà được chăm sóc, phát triển tốt.
Diện tích trồng mía của chị Lò Thị Giàng, thôn Sang Phàng, xã Đông Hà được chăm sóc, phát triển tốt.

Sau gần 1 năm thực hiện Đề án, Hội Nông dân các xã, thị trấn trong huyện đã thành lập được 8 nhóm liên kết giúp nhau phát triển kinh tế, trong đó có 16 hộ Nhóm liên kết trồng Hồng không hạt gắn với nuôi lợn đen ở thôn Na Quang, xã Bát Đại Sơn; 10 hộ liên kết chăn nuôi bò hàng hóa, thôn Lùng Tám Thấp, xã Lùng Tám; 16 hộ Nhóm liên kết trồng mía trên 2,86 ha tại thôn Sang Phàng, xã Đông Hà; Nhóm làm nương truyền thống, chăn nuôi bò thôn Thượng Sơn và tổ 3 thị trấn Tam Sơn; 6 hộ liên kết nuôi chim bồ câu ở xã Tả Ván với trên 820 đôi; 10 hộ liên kết trồng Hồng không hạt tại thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận; 10 hộ liên kết nuôi gà xương đen tại xã Quyết Tiến; Nhóm liên kết du lịch cộng đồng ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ... 

Hình thức để hình thành các nhóm liên kết là không giới hạn số lượng hội viên, có cùng quan điểm, sở thích, để tổ chức thành nhóm, từ đó trao đổi giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, ý tưởng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng tìm hiểu các thủ tục vốn vay để sử dụng hiệu quả trong phát triển kinh tế. Các thành viên hỗ trợ, trao đổi thông tin từ khâu sản xuất, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, đóng gói và xuất ra thị trường; bên cạnh đó, người dân có thể học tập, nêu gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; đồng thời lựa chọn 1 đến 2 thành viên am hiểu pháp luật, kinh nghiệm sản xuất, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có uy tín trong dân để làm trưởng nhóm; đảm bảo phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong nhóm trên cơ sở các cơ chế chính sách của tỉnh, huyện vận dụng linh hoạt để phát triển nhóm với mọi lợi ích chung cho cả nhóm và các nhóm thường xuyên báo cáo tổ chức Hội và cấp ủy, chính quyền xã về kết quả hoạt động của nhóm...

Đến thăm Nhóm liên kết nuôi chim bồ câu ở xã Tả Ván, anh Vừ Mí Dia, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tả Ván, Nhóm trưởng Nhóm liên kết nuôi chim bồ câu, cho biết: Hiện toàn xã có 6 hộ liên kết nuôi chim bồ câu với tổng số trên 820 đôi. Sau gần 1 năm liên kết, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại thành nhóm đã thấy sự chuyển biến, có hiệu quả kinh tế hơn, không còn lo ép giá hay chỗ này bán đắt, hộ kia bán rẻ. Từ khi liên kết đến nay, trung bình 1 năm các hội viên thu nhập từ 30 đến trên 60 triệu đồng. Để nhóm hoạt động hiệu quả, chúng tôi thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, phòng dịch bệnh, giải đáp thắc mắc cho các hội viên, cùng tìm đầu ra ổn định. Trong thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục vận động các hội viên tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi chim bồ câu, chăn nuôi trâu bò và nhiều mô hình khác phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Ngoài ra, Nhóm liên kết trồng mía ở thôn Sang Phàng, xã Đông Hà được thành lập từ đầu năm 2019, đến nay diện tích mía của 16 hộ dân phát triển khá tốt. Chị Lò Thị Giàng, hội viên Nhóm, chia sẻ: Từ khi tham gia nhóm liên kết cùng phát triển, diện tích mía của gia đình đã được nhân rộng thêm và cây mía cũng phát triển tốt hơn, thu nhập cũng nhiều hơn mấy năm trước nhờ được các thành viên trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây mía và có động lực để sản xuất. 

Có thể nói, Đề án “Nâng cao hiệu quả liên kết, phát triển kinh tế của nông dân huyện Quản Bạ” dù mới triển khai, nhưng đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH địa phương.

Bài, ảnh: Vương Mai


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện ở Vị Xuyên

BHG - Vị Xuyên có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 585 ha, trong đó, 132 ha thuộc diện tích lòng hồ của 4 nhà máy thủy điện. Những năm gần đây, người dân đã tận dụng diện tích lòng hồ để phát triển nuôi cá lồng với quy mô vừa và nhỏ. Với sự phong phú của các giống loài thủy sản, môi trường phù hợp với sự sinh trưởng của các giống cá nước ngọt...

30/09/2019
Toàn tỉnh có gần 600 người cao tuổi làm kinh tế giỏi

BHG - Để giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) các huyện, thành phố đã phát động phong trào "Tuổi cao - gương sáng"; chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động hội viên tích cực lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, gắn với trồng rừng, trồng cây ăn quả và bảo vệ môi trường. Qua đó đến nay, tòan tỉnh có 5.595 NCT đang tham gia hoạt động kinh tế

30/09/2019
Sơ kết giao ước thi đua Khối doanh nghiệp Năng lượng, Viễn thông, Bảo hiểm

BHG - Chiều 26.9, tại Công ty Xăng dầu Hà Giang, khối giao ước thi đua Khối doanh nghiệp trong lĩnh vực Năng lượng, Viễn thông và Bảo hiểm tổ chức hội nghị sơ kết thi đua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm. 

27/09/2019
Hoàng Tiến Cường khởi nghiệp từ nuôi giun quế

BHG - Thời gian gần đây, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ngày càng lan tỏa sâu rộng trong lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở huyện Hoàng Su Phì. Một trong những mô hình khởi nghiệp hiệu quả đó là nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi tổng hợp của anh Hoàng Tiến Cường, sinh năm 1990, đoàn viên Chi đoàn thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì).

 

27/09/2019