Hoàng Su Phì phát huy tiềm năng dược liệu
BHG - Thực hiện mục tiêu phát triển dược liệu theo hướng hiệu quả, bền vững, huyện Hoàng Su Phì đang tập trung rà soát quy hoạch, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các HTX, tổ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, chú trọng tư vấn, chọn lọc giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì kiểm tra việc phát triển dược liệu tại xã Hồ Thầu. |
Theo kế hoạch phát triển dược liệu đến năm 2020, Hoàng Su Phì tập trung thu hút đầu tư vào trồng và chế biến, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho người dân; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế từ cây dược liệu của địa phương; điều tra, đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng để có chính sách cụ thể phát triển vùng dược liệu, cây thuốc Nam...
Những năm trở lại đây, với lợi thế sẵn có, xã Hồ Thầu đã và đang thực hiện rất tốt kế hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn. Điển hình như mô hình trồng dược liệu của gia đình anh Lê Văn Thảo, thôn Chiến Thắng, có quy mô hơn 1.000 m2 với 4 loại dược liệu chính gồm: Sâm Vũ diệp, Thất diệp nhất chi hoa, Sa nhân; gần đây gia đình anh trồng thử nghiệm thành công cây sâm Ngọc Linh. Đối với diện tích sâm Vũ Diệp và Thất diệp nhất chi hoa, Sa nhân gia đình anh Thảo trồng được 3 - 5 năm và bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế. Riêng cây sâm Ngọc Linh, gia đình mua hơn 1.000 hạt giống về trồng thử nghiệm từ tháng 10.2018; hiện cây phát triển rất tốt. Đây là loại sâm quý, có giá trị kinh tế rất cao, hứa hẹn mang lại một nguồn thu đáng kể cho gia đình; mở ra một hướng trồng dược liệu mới cho địa phương… Không chỉ vậy, Hồ Thầu cũng là xã có diện tích Thảo quả lớn nhất huyện; sản phẩm từ Thảo quả đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện Hoàng Su Phì: Bình quân tổng sản lượng Thảo quả hàng năm đạt trên 600 tấn quả tươi, giá bán từ 60 – 65 nghìn đồng/kg; Thảo quả khô trên 400 nghìn đồng/kg. Thảo quả cùng với các sản phẩm dược liệu khác đã đem lại nguồn thu nhập ổn định; góp phần tạo động lực để người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy: Việc phát triển dược liệu của huyện dù có những bước tiến đáng kể, nhưng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa thành vùng chuyên canh sản phẩm mang tính đặc hữu; việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu chưa mang tính bền vững… Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ một cách bền vững; bảo tồn và phát triển các loài dược liệu quý hiếm; xây dựng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng dược liệu; khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích hoạt động tốt, nâng cao thu nhập cho các thành viên, người dân có thêm việc làm, đặc biệt là việc trồng, sản xuất, nhân rộng diện tích các loại thảo dược.
Bài, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc