Mèo Vạc khống chế dịch sâu keo mùa Thu và tăng cường phòng chống dịch tả lợn châu Phi
BHG - Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai cấp bách các biện pháp phòng trừ dịch tả lợn châu Phi và sâu keo mùa Thu, UBND huyện Mèo Vạc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Người dân thôn Há Xúa, xã Tả Lủng đang kiểm tra tình hình sinh trưởng phát triển của cây ngô sau khi đã diệt trừ sâu bệnh gây hại. |
Như đã thông tin, vào trung tuần tháng 4.2019, nhiều diện tích ngô của huyện Mèo Vạc xuất hiện sâu keo có khả năng lây lan nhanh, gây hại nặng trên diện tích ngô Xuân tại các xã, thị trấn của huyện. Qua thống kê toàn huyện có 1.550,5ha bị nhiễm sâu gây hại. Trong đó 317ha nhiễm nặng, 395ha trung bình, 838,5ha nhiễm nhẹ. Diện tích ngô bị sâu gây hại phân bố rải rác tại 18/18 xã, thị trấn. Xã có diện tích sâu gây hại nhiều nhất là 2 xã Cán Chu Phìn và Lũng Pù. Ngay khi phát hiện diện tích ngô bị sâu gây hại, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai ngay các biện pháp phòng chống sâu hại. Trong đó tăng cường điều tra, phát hiện, tuyên truyền cách phòng trừ sâu hại cho nhân dân thực hiện phòng chống, diệt trừ sâu keo. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện trực tiếp cử cán bộ bám sát địa bàn, đồng thời chủ động hướng dẫn, cảnh báo người dân sử dụng các biện pháp diệt trừ hiệu quả. Diện tích bị nhiễm đã được áp dụng các biện pháp phòng trừ như: phương pháp thủ công 1.416 ha, sử dụng phương pháp phun thuốc trừ sâu 296,5 ha. Nhờ chủ động các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nên đến nay tổng diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại đã giảm đến mức thấp nhất.
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại Chốt kiểm dịch xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc. |
Hiện nay trên địa bàn huyện Mèo Vạc có 32.300 con lợn. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Mèo Vạc chưa phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, huyện đã thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các vùng giáp ranh với tỉnh Cao Bằng. Chốt kiểm dịch được duy trì trực 24/24h, thực hiện kiểm tra, phun khử trùng đối với tất cả các phương tiện giao thông vào địa bàn. Các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi; xây dựng nội dung tuyên truyền bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông để thực hiện tuyên truyền tại các buổi họp thôn và phát trên loa truyền thanh cơ sở vào tất cả các buổi trong ngày; phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn huyện…
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo của huyện thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc phòng trừ dịch sâu keo mùa Thu và phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn; UBND các xã, thị trấn tiếp tục động viên và cùng bà con nông dân bám đồng theo dõi diễn biến sâu hại, hướng dẫn người dân chăm sóc cây ngô đúng quy trình kỹ thuật, giúp cây ngô sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng với sâu bệnh…
Tin, ảnh: Hà Linh (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc