Hà Giang

Người đưa cây dược liệu vào phát triển kinh tế ở Phiêng Luông

14:11, 01/05/2018

BHG - Chất đất rừng lâu năm, lại ở độ cao trên 1.300 m, khí hậu mát mẻ, nhiệt độ luôn dưới 30 độ C là những điều kiện thuận lợi để anh Hứa Hữu Thành, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) đầu tư trồng hơn 3 ha cây dược liệu gồm Đương quy, Ấu tẩu, Tam thất,... tại xã Phiêng Luông (Bắc Mê).

Mô hình trồng cây dược liệu của anh Hứa Hữu Thành tại xã Phiên Luông (Bắc Mê).
Mô hình trồng cây dược liệu của anh Hứa Hữu Thành tại xã Phiên Luông (Bắc Mê).

Từ thành công của những mô hình, dự án trồng dược liệu tại Quản Bạ và thấy được tiềm năng, lợi ích của cây dược liệu, anh Hứa Hữu Thành đã đi tham quan, học hỏi nhiều nơi trồng dược liệu trên cả nước cũng như nhu cầu sử dụng, đầu ra của cây dược liệu… nên anh quyết định khai hoang đất đai để đưa cây dược liệu vào trồng.

“Qua khảo sát chất đất, khí hậu thấy phù hợp với việc trồng dược liệu, cùng với đó là niềm đam mê với các loài cây dược liệu và những bài thuốc dân gian mà bản thân đã từng ấp ủ bấy lâu… nên khi đến vùng đất này, ý tưởng về việc đưa cây dược liệu vào trồng đã thôi thúc tôi. Phiêng Luông có nhiều khoảnh đất bằng phẳng mà bà con quanh năm chỉ trồng ngô và cỏ nên lợi ích kinh tế rất thấp. Bởi vậy, tôi quyết định tìm hiểu cách trồng, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các hộ dân tại Quản Bạ để về áp dụng...”, anh Hứa Hữu Thành tâm sự.

Với ấp ủ đó, tháng 12.2017, anh Thành thuê hơn 5 ha đất của bà con xã Phiêng luông và đầu tư hơn 500 triệu đồng, đặt mua giống tại Viện Dược liệu Trung ương, thuê người dân sở tại làm đất, trồng dược liệu và chăm sóc; anh còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động và làm hàng rào bảo vệ... Trong vòng 3 năm tới, nơi đây sẽ trở thành vườn ươm để cung cấp giống cây dược liệu cho người dân; cùng đó, anh trồng thêm các cây bản địa như: Cổ vàng thất, Thất diệp nhất chi hoa, cây Một lá, Kim tuyến,... nhằm bảo tồn những loại thuốc quý và biến nơi đây trở thành vùng sản xuất dược liệu của tỉnh.

Sau hơn 3 tháng trồng thử nghiệm, những cây Đương quy, Ấu tẩu, Tam thất của anh đã trổ lá và phát triển mạnh. Anh cho biết: “Đây đều là những cây cho thu hoạch muộn, thường từ 16 – 18 tháng, với cây Tam thất phải từ 3 năm trở lên. Hầu hết các loại cây đưa vào trồng thử nghiệm đều hợp với chất đất và khí hậu nên cho kết quả khả quan. Cùng với việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, chúng tôi đều sử dụng phân bón hữu cơ, giúp cây không chỉ phát triển theo đúng quy trình mà còn đảm bảo tính tự nhiên...”; anh Thành cho biết thêm.

Những khu đất từng để cỏ mọc um tùm năm xưa, giờ đã trở thành mảnh vườn được lên luống và màu xanh của dược liệu đang dần khép tán. Việc chuyển đổi và đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, không chỉ nâng cao hơn giá trị sử dụng đất mà còn khai thác được những tiềm năng vốn có của vùng đất này. Với sự năng động, tự tin, vận dụng sáng tạo khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất, mô hình trồng dược liệu của anh Hứa Hữu Thành góp phần quan trọng phát triển kinh tế ở địa phương và tạo sinh kế mới cho người dân.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người đảng viên dám nghĩ, dám làm

BHG - Đến thăm trang trại của anh Hà Ngọc Dân, sinh năm 1990, trú thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), khi anh đang chuẩn bị cỏ cho đàn bò. Anh Dân vui vẻ chào khách và mời vào nhà, đồng thời cũng luôn tay tranh thủ chuyển nốt cỏ vào khu chuồng bò. Người dân thôn Bảo An nhận xét, anh Dân là một đảng viên trẻ, luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động Đoàn, công tác xã hội ở địa phương, đồng thời mạnh dạn vay vốn theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi bò sinh sản, lợn, gà. Tạm dừng công việc đang làm, qua trò chuyện, tôi được biết anh Hà Ngọc Dân là một đảng viên năng động. Anh được kết nạp đảng vào năm 2012. 

30/04/2018
Tạo sinh kế cho người dân từ phát triển du lịch cộng đồng

BHG - Hoàng Su Phì – mảnh đất miền Tây đầy nắng, gió của tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Ngoài danh lam, thắng cảnh ruộng bậc thang kỳ vĩ, nơi đây còn có những đồi chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những đỉnh núi cao trên 2 nghìn m so với mực nước biển và nhiều cung đường hiểm trở, thuận tiện cho việc phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá. Những yếu tố đó đã, đang trở thành lợi thế riêng, giúp địa phương mở hướng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), tạo sinh kế cho người dân.

 

30/04/2018
Nỗ lực triển khai nhiệm vụ thu thuế xuất, nhập khẩu

BHG - Theo kế hoạch, năm 2018, Cục Hải quan được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu 230 tỷ đồng thuế xuất, nhập khẩu (XNK) trên địa bàn Hà Giang và Tuyên Quang. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, ngay từ đầu năm, Cục đã xây dựng và triển khai chương trình công tác trọng tâm; kế hoạch cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách; tích cực phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

 

30/04/2018
Hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ Phụ nữ tiểu thương chợ Ngọc Hà

BHG - Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng ủy phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Ngọc Hà đã thực hiện tốt các phong trào thi đua, các mô hình và câu lạc bộ, tổ, nhóm trên địa bàn, gắn liền với quyền lợi, trách nhiệm của hội viên (HV), phụ nữ. Trong đó, phải kể đến mô hình Tổ Phụ nữ tiểu thương (PNTT) chợ Ngọc Hà là mô hình tiêu biểu đã và đang khơi dậy tinh thần lao động cần cù, đoàn kết, nâng cao đạo đức kinh doanh của chị em HV.

 

30/04/2018