Hoàng Su Phì từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn
BHG - Xác định phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, để tạo tiền đề và là động lực cho phát triển KT - XH tại địa phương. Những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), nhất là các tuyến đường liên xã, liên thôn; góp phần đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy thông thương mua, bán và giao lưu văn hóa giữa các vùng.
Người dân xã Nậm Ty tích cực đóng góp ngày công tham gia đổ đường bê-tông nông thôn. |
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện đã tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư, tỉnh và lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án như: Chương trình xây dựng Nông thôn mới, 135, 30a, CPRP…, để xây dựng các tuyến đường GTNT. Đồng thời, huy động nguồn lực trong nhân dân như: Góp ngày công lao động, hiến đất làm đường…, qua đó, đã tạo nên phong trào phát triển GTNT tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Chỉ tính riêng trong năm 2017, huyện đã huy động nhân dân các xã, thị trấn tự nâng cấp, mở mới được 74,4 km nền đường, rộng từ 1,5m - 3,5m; tham gia tu sửa đường sau mưa, bão được 661,7 km với gần 3 nghìn ngày công lao động.
Nậm Ty là một trong những xã về đích Nông thôn mới trong năm 2017, trong đó, tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, cũng như nhiều địa phương khác, xã Nậm Ty xác định phát huy nội lực, huy động sức dân là yếu tố chính để hoàn thành tiêu chí giao thông. Đồng chí Phàn Sành Phấu, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Năm 2017, được sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với nguồn lực huy động trong nhân dân, toàn xã đã thực hiện đổ bê-tông được trên 30 km đường giao thông các loại; vận động nhân dân đóng góp trên 10 nghìn ngày công lao động và hiến 22.600 m2 đất. Những tuyến đường liên thôn, liên xóm được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp đã giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bộ mặt nông thôn của xã thêm phần khởi sắc.
Đồng chí Vương Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: Là huyện miền núi, biên giới; hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế, việc phát triển thương mại, dịch vụ cũng còn gặp khó khăn do giao thông chưa đồng bộ. Tuy nhiện, những năm gần đây, hệ thống GTNT trên địa bàn huyện đã được đầu tư hoàn thiện, kết nối với hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, thuận lợi cho việc đi lại của người dân và cơ hội giao thương được mở rộng. Hiện nay, tỷ lệ xã có đường giao thông kiên cố từ huyện đến trung tâm xã là 22/24 xã, chiếm 92% đạt 100% nghị quyết; tỷ lệ đường GTNT, loại đường từ 3,5m trở lên ô-tô đi đến được các thôn, bản ước đạt 179/199 thôn, chiếm trên 90%.
Cũng theo anh Thắng, để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương; thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện làm đường GTNT thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; huy động các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp và tranh thủ nguồn đầu tư từ chương trình xây dựng Nông thôn mới để hoàn thiện các công trình giao thông trên địa bàn huyện; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đường, duy trì, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đường giao thông bảo đảm bền vững, ổn định cho phát triển sản xuất và phát triển nông thôn…
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc