Lan tỏa phong trào khởi nghiệp ở Mèo Vạc

08:54, 04/04/2018

BHG - Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp (KN) trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang có sức lan tỏa mạnh mẽ; KN không chỉ dừng lại ở lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) mà còn có nhiều tổ chức Hội, đoàn thể triển khai tích cực. Với sự quyết liệt trong việc triển khai các nghị quyết, chương trình, chính sách hỗ trợ của T.Ư, địa phương đã và đang giúp nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả.

Mô hình trồng rau thủy canh của anh Trần Thanh Tùng, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mèo Vạc cho giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng rau thủy canh của anh Trần Thanh Tùng, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mèo Vạc cho giá trị kinh tế cao.

Để KN trở thành phong trào rộng khắp, UBND huyện Mèo Vạc đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức các Diễn đàn thanh niên KN. Cùng đó, Huyện đoàn đã ban hành các kế hoạch về việc “bố trí vốn vay cho thanh niên thực hiện chương trình KN”; phối hợp cùng các đơn vị thẩm định hồ sơ, giải ngân nguồn vốn 500 triệu đồng cho 3 đoàn viên có nhu cầu vốn vay KN; tổ chức cho ĐVTN đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, mở các gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương do thanh niên KN tạo ra...

Đồng chí Phùng Thu Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Mèo Vạc cho biết: Nhằm phát huy tinh thần xung kích của ĐVTN, Huyện đoàn đã triển khai tuyên truyền tới các cơ sở Đoàn và ĐVTN về các chính sách, chương trình và lợi ích của chương trình KN; cũng như những ưu đãi từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 209 và số 86 của HĐND tỉnh về việc ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, định hướng cho ĐVTN lựa chọn nội dung KN…

Hiện, huyện Mèo Vạc đang triển khai nhiều chương trình thu hút ĐVTN tham gia phong trào KN; khuyến khích hình thành các Nhóm sở thích cùng phát triển. Đồng thời, khuyến khích phát triển của các mô hình kinh tế gia đình do ĐVTN và hội viên các Hội, đoàn thể tự chủ động nguồn vốn đầu tư vào các mô hình, như: Chăn nuôi gia cầm tại xã Giàng Chu Phìn, Nậm Ban; nuôi bò vỗ béo tại xã Lũng Chinh, Sủng Trà; nuôi lợn đen, lợn sinh sản tại xã Pả Vi, Tả Lủng; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại tại xã Sơn Vĩ. Qua một thời gian triển khai, hiện toàn huyện có gần 80 mô hình KN; trong đó, Đoàn Thanh niên có 52 mô hình phát triển kinh tế, với tổng kinh phí 2,73 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ từ nguồn vốn KN và các chương trình vốn vay khác trên 1 tỷ đồng; nguồn vốn tự có của ĐVTN 1,16 tỷ đồng. Hội Phụ nữ có 8 mô hình phát triển kinh tế; Hội Cựu chiến binh có 15 mô hình, với tổng kinh phí thực hiện gần 940 triệu đồng…

Trong số các mô hình KN mang lại hiệu quả có mô hình chăn nuôi lợn của Lý Hồng Páo, xã Khâu Vai. Khi được hỗ trợ vốn khởi nghiệp, Páo đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi lợn đen; số vốn thu được từ mô hình Páo quay vòng và tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi. Năm 2017, trừ tiền vốn ban đầu, Páo thu trên 120 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ riêng Lý Hồng Páo, ở Mèo Vạc còn có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, như: Mô hình chăn nuôi của các đoàn viên: Vàng Mí Chạ, xã Pả Vi; Lý Văn Chương, xã Nậm Ban; Phan Quốc Kim, xã Tát Ngà và mô hình trồng rau thủy canh của Trần Thanh Tùng, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mèo Vạc…

Với những kết quả đạt được bước đầu từ các mô hình KN, đã, đang tạo động lực giúp cho nhiều tổ chức, cá nhân; trong đó, có không ít ĐVTN ở Mèo Vạc đã thay đổi tư duy, mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế. Trong năm 2018, Huyện Mèo Vạc xây dựng 10 mô hình dựa trên các ý tưởng, phương án phát triển kinh tế của ĐVTN có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế; đồng thời khuyến khích phát triển mạnh các mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quỹ tín dụng nhân dân Yên Biên thực hiện hiệu quả các phương thức kinh doanh

BHG - Được thành lập từ năm 2008, Quỹ tín dụng nhân dân Yên Biên thành phố Hà Giang là đơn vị tiên phong hoạt động trong hệ thống QTDND của tỉnh, góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thành viên cải thiện đời sống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều thành viên của quỹ đã phát huy hiệu quả của  nguồn vốn vay vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

 

30/03/2018
Petrolimex Hà Giang khởi động Chương trình sử dụng hóa đơn điện tử

BHG - Ngày 29.3, Công ty Xăng dầu Hà Giang (Petrolimex Hà Giang) đã khởi động Chương trình sử dụng Hóa đơn điện tử (HĐĐT). Đến dự có đại diện Chi cục Quản lý thị trường; Cục Thuế tỉnh; Ban Giám đốc, lãnh đạo và nhân viên các phòng chức năng của Công ty cùng hơn 30 khách hàng truyền thống của Công ty là các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Giang.

 

30/03/2018
Mèo Vạc đẩy mạnh sản xuất vụ Xuân - hè

BHG - Đến huyện Mèo Vạc trong những ngày này có thể nhận thấy không khí sản xuất của người dân nơi đây rất hối hả để đảm bảo cho vụ Xuân giành thắng lợi. Anh  Ly Mí Ná, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi vừa khẩn trương cày đất để trồng ngô vừa tâm sự: Năm nay, gia đình tôi trồng khoảng 0,5 ha cây ngô. Năm trước, vào vụ Xuân – hè, trời không mưa nên đất đai khô cằn khó cày lắm; trồng ngô cũng khó sống nữa. Vụ Xuân – hè năm nay, trời mưa nhiều vào đầu vụ, nên thuận lợi cho việc làm đất hơn. Tôi tin, năng suất vụ ngô năm nay chắc sẽ cao hơn những năm trước.

 

30/03/2018
Đồng Văn sau 2 năm thực hiện khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng

BHG - Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra 2 khâu đột phá là "Nâng cao chất lượng công vụ, xây dựng chính sách, vận dụng cơ chế, đưa chính sách vào cuộc sống cho phát triển nhanh, bền vững" và "Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất". Sau 2 năm thực hiện, với cách triển khai cụ thể, linh hoạt sát với tình hình thực tế, bước đầu có sự chuyển biến tích cực, là "cú hích" lớn tạo đà cho những năm tiếp theo.

 

29/03/2018