Cần nhân rộng kinh nghiệm trồng, bảo vệ rừng ở Lũng Hồ (Yên Minh)

07:39, 05/10/2017

BHG - Trong khi có địa phương trồng hàng nghìn ha rừng theo các chương trình, dự án nhưng không thành rừng, thì trên 100 ha rừng được trồng tập trung từ những năm 2006 theo Dự án 661 ở xã Lũng Hồ (Yên Minh) có tỷ lệ sống gần như 100% và được bảo vệ, chăm sóc tốt nên trở thành những cánh rừng mẫu ở địa phương này và huyện Yên Minh.

Trên tuyến tỉnh lộ 176, khi đi hết dốc Sa Lỳ, thuộc địa phận xã Ngam La (Yên Minh), chắc chắn những ai qua đây đều bất ngờ với cánh rừng Sa mộc như một bẫy chông dày đặc, đâm thẳng lên nền trời xanh ngát. Cả cánh rừng với diện tích vài chục ha đã được hơn 10 năm tuổi, nhưng không hề có khoảng trống của dấu hiệu khai thác gỗ, dù đường kính thân cây đã đạt từ 15 – 20 cm, đủ tuổi và kích thước khai thác.

Rừng sa mộc ở Lũng Hồ được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn 10 năm qua.
Rừng sa mộc ở Lũng Hồ được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn 10 năm qua.

Theo ông Ma Công Chiến, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Minh, nguyên là cán bộ Dự án trồng rừng 661 ở Yên Minh và trực tiếp thực hiện trồng rừng ở Lũng Hồ đầu những năm 2000: Cánh rừng này ở thôn Lùng Thàng, có diện tích 60 ha được đầu tư trồng theo Dự án 661 từ năm 2006, thuộc loại rừng sản xuất. Chính sách khi đó là hỗ trợ cây giống và công chăm sóc năm đầu tiên với định mức hơn 1,7 triệu đồng/ha, khi đủ tuổi thu hoạch, người dân có quyền khai thác sản phẩm gỗ và trồng tái sinh rừng trong không quá 2 năm sau khai thác. Sau khi nghiệm thu, tỷ lệ sống của rừng là 59,5 ha, tương đương 99,16%; sau đó, người dân đã trồng dặm những diện tích cây bị chết và chăm sóc tốt nên gần như tỷ lệ thành rừng là 100%.

Ngoài 60 ha rừng Sa mộc trồng tập trung ở thôn Lùng Thàng, Lũng Hồ còn có 46 ha rừng Thông cũng được trồng tập trung theo Dự án 661 vào năm 2007, trên đất rừng phòng hộ ở 2 thôn Sảng Lủng và Khẩu Khứ. Tỷ lệ thành rừng cũng đạt gần như 100%. Bí thư Chi bộ thôn Lùng Thàng, Vàng Chứ Hồ cho biết: Khi trồng rừng này, tôi chỉ là một đoàn viên của thôn. Biết có chủ trương trồng rừng, cả thôn tiến hành họp và thống nhất cao đưa ra quy định: Mỗi gia đình cử một người tham gia phát cỏ ở diện tích đất quy hoạch trồng rừng và chia mỗi hộ trồng, chăm sóc một hàng cây từ khi cuốc hố đến khi nghiệm thu. Hộ nào để cây chết phải tự mua cây giống về trồng lại. Nên gia đình nào cũng trồng và chăm sóc cẩn thận số cây hộ mình được giao trồng.

Anh Vàng Mí Và, một hộ dân thôn Lùng Thàng cho biết: “Địa điểm trồng rừng lúc đó là bãi chăn thả gia súc, nên các hộ phản đối nhiều lắm. Nhưng được tuyên truyền về lợi ích của rừng và sự nhất trí của đa số các hộ dân, nên những hộ phản đối đã nghe theo. Cả thôn thống nhất, nếu gia đình nào chăn thả gia súc vào khu vực trồng rừng mà làm chết cây sẽ bị phạt 50 nghìn đồng/cây. Đồng thời tất cả những việc như đi phát đường băng, đào hố, trồng cây, chăm sóc; các hộ trong thôn phải cùng làm để tất cả đều bình đẳng, như vậy mới giữ được rừng như bây giờ anh ạ”.

Được biết, sau khi thành rừng và thấy được các hộ dân đã ý thức cao trong việc chăm sóc, bảo vệ; năm 2014, các thôn có rừng đã chia theo từng nhóm hộ chăm sóc từng khoảnh rừng để chủ động trong công tác bảo vệ. Đối với rừng Sa mộc, thuộc rừng sản xuất, được phép khai thác, nhưng các hộ dân trong thôn nhất quyết không khai thác. Với các hộ khó khăn, khi có nhu cầu xin tỉa một số cây để làm nhà, hoặc chuồng trại gia súc đều phải được sự, nhất trí của các hộ dân trong thôn. Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Hồ, Giàng Mí Vư, cho biết: Để những cánh rừng này thành được rừng như hôm nay, xã đã thường xuyên tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu được tầm quan trọng của rừng. Cùng đó là những chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ gạo, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Hàng năm xã đều tổ chức cho các thôn ký cam kết bảo vệ rừng,  các thôn đưa nội dung bảo vệ rừng vào các quy ước, hương ước để người dân cùng cam kết thực hiện.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Làm giàu từ mô hình vườn-ao-chuồng

BHG - Không ngại khó, ngại khổ, anh Vàng A Chung (sinh 1980) là người dân tộc Giáy, sống tại thôn Nà Bưa, xã Mậu Duệ (Yên Minh) đã từng bước ổn định cuộc sống gia đình từ mô hình vườn-ao-chuồng (VAC).

30/09/2017
Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể

BHG - Nghị quyết 02 của BTV Tỉnh ủy về tổ chức sản xuất cho nông dân giai đoạn 2014 - 2020 ban hành ngày 2.7.2014 đã triển khai được 3 năm. Từ sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự quyết tâm của UBND tỉnh, các hình thái kinh tế tập thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đổi mới và phát triển đáng kể, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.

30/09/2017
Hoàng Su Phì chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc

BHG - Chỉ còn vài tháng nữa là bước vào mùa Đông, đây là thời điểm gia súc dễ bị suy kiệt, chết do đói và rét. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa Đông, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đang tích cực dự trữ rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa vụ Mùa.

29/09/2017
Hội thi Phương án hay nhận ngay tài trợ cho các nhóm cùng sở thích

BHG - Sáng 29.9, tại Trung tâm văn hóa huyện Vị Xuyên, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban điều phối chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh (CPRP) tổ chức hội thi "Phương án hay nhận ngay tài trợ" cho các nhóm cùng sở thích. 

29/09/2017