Hà Giang

Đưa giống tốt vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế rừng

08:31, 20/09/2017

BHG - Với tiềm năng lớn về đất, khí hậu, kinh tế rừng đang ngày càng được khẳng định và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nhưng theo thống kê, đánh giá của ngành chuyên môn, giai đoạn 2011 – 2014 sản xuất lâm nghiệp chỉ đạt bình quân 565 tỷ đồng/năm, năng suất rừng trồng đạt 40 - 50m3/ha. Đây là những con số khá khiêm tốn so với những tiềm năng, lợi thế mà ngành này có được. Đưa giống tốt vào sản xuất là một trong những giải pháp đã và đang được thực hiện nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế rừng.

Tỉnh ta có 685.201,7 ha đất dốc từ 150 trở lên, chiếm 86,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó 566.723,4 ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế từ rừng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011- 2014, ngân sách nhà nước đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp chỉ đạt 72,9 tỷ đồng/năm, giá trị sản xuất lâm nghiệp trung bình đạt 565 tỷ đồng/năm, đóng góp của lâm nghiệp vào GDP toàn tỉnh xấp xỉ 3,07%. Trong khi đó, giá trị sản xuất của trồng trọt trung bình 4.400 tỷ/năm, chăn nuôi gần 1.600 tỷ/năm. Như vậy giá trị sản xuất lâm nghiệp còn rất thấp so với các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong khi có tiềm năng, lợi thế lớn hơn rất nhiều.

Sau 2 năm, Mô hình Keo tai tượng hạt Úc nhập nội ở thôn Nậm Mái, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) phát triển tốt  Trong ảnh: Một số cây đã cao 7 – 8m, đường kính thân cây 10 -12cm.
Sau 2 năm, Mô hình Keo tai tượng hạt Úc nhập nội ở thôn Nậm Mái, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) phát triển tốt Trong ảnh: Một số cây đã cao 7 – 8m, đường kính thân cây 10 -12cm.

Một trong những nguyên nhân khiến giá trị kinh tế rừng đạt thấp, là do sự đầu tư thấp, cụ thể: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 15 triệu đồng/ha/4 năm; trồng rừng sản xuất hỗ trợ gần 2,6 - 4,84 triệu đồng/ha; trồng cây phân tán hỗ trợ 1,5 - 2,25 triệu đồng/ha; cùng với đó là chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh; bỏ qua hoặc thiếu quan tâm đến khâu chăm sóc và nuôi dưỡng rừng; nguồn giống không đảm bảo... Do đó, giai đoạn 2011 – 2014, tỷ lệ sống của rừng trồng sau nghiệm thu rất thấp, chỉ đạt trên 54% đối với rừng phòng hộ và từ 62 - 80% với rừng sản xuất. Năng suất của rừng trồng rất thấp, đối với Keo tai tượng chỉ đạt 40 - 50 m3/chu kỳ 7 năm, bình quân là 6 - 7 m3/ha/năm; Mỡ và Quế cũng có năng suất thấp, trong khi chu kỳ thu hoạch lại dài (20 năm)...

Trước thực trạng trên, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020; Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020...  tỉnh ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích người dân trồng rừng và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, nâng cao giá trị kinh tế rừng, đưa kinh tế rừng trở thành “trụ đỡ” cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Cuối năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Kế hoạch đột phá ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2016 -2020 là “Đưa giống tốt vào sản xuất lâm nghiệp”, nhằm chuyển đổi bộ giống cây lâm nghiệp trồng rừng sản xuất có năng suất cao tăng từ 20 - 30% trở lên; phấn đấu đạt một số mục tiêu của Đề án Định hướng phát triển Lâm nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành tháng 6.2016 như: Đến năm 2020, năng suất rừng trồng (chu kỳ 7 năm) từ 40 – 50m3/ha (năm 2015) tăng lên 60 – 70m3/ha; tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ bình quân 565 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2011-2014) lên 1.080 tỷ đồng; tỷ lệ thành rừng của rừng trồng từ dưới 70% lên trên 85%; thu hút ngân sách nhà nước đầu tư cho lâm nghiệp từ 200 – 230 tỷ đồng...

Để đưa giống tốt vào sản xuất đại trà, người dân yên tâm sử dụng các loại giống chất lượng, nâng cao năng suất gỗ và giá trị kinh tế trên một diện tích rừng trồng, từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ và vận động xã hội hóa thực hiện 2 mô hình trồng rừng bằng giống chất lượng cao với tổng diện tích 10ha. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương toàn bộ diện tích rừng trồng có hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đều phải sử dụng giống tốt, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, được các cơ quan chuyên môn kiểm tra, nghiệm thu đánh giá trước khi trồng. Qua đó, năm 2016 toàn tỉnh đã trồng được 1.422ha rừng bằng giống tốt.

Đến thăm mô hình trồng Keo tai tượng hạt Úc nhập nội tại thôn Nậm Mái, xã Kim Ngọc (Bắc Quang), đây là mô hình trồng rừng bằng giống chất lượng cao do Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 3 gia đình thực hiện trên diện tích 3ha. Anh Nguyễn Văn Thái, một trong 3 hộ tham gia mô hình cho biết: So với trước đây, giống keo hạt Úc này lớn nhanh hơn. Cây đã trồng được 2 năm, trung bình chiều cao đạt 4 – 5m, đường kính thân cây 5- 7cm, có những cây đã cao 7-8m, đường kính đạt 10 -12cm. Loại keo này phát triển lõi nhanh nên đến kỳ khai thác chắc chắn sẽ năng suất hơn loại cây giống thông thường.

Theo thông tin từ Chi cục Lâm nghiệp – Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năng suất và giá trị gỗ trên một đơn vị diện tích phụ thuộc lớn vào giống cây và cách chăm sóc, thâm canh. Vì vậy, hiện nay chủ trương của ngành là chú trọng song song 2 khâu này. Nhưng riêng đối với khâu giống, để đảm bảo tỷ lệ giống tốt khi đưa vào sản xuất, tỉnh đã phân cấp ủy quyền nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận lô cây con tại các huyện vùng động lực, để các huyện chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát cây giống được sản xuất tại địa bàn quản lý. Ngoài ra, việc đưa giống tốt vào sản xuất cùng với quan tâm thâm canh rừng, sẽ giúp các hộ dễ được cấp chứng chỉ rừng tiêu chuẩn FSC, có chứng chỉ này, giá trị gỗ sau khai thác sẽ bán được giá cao hơn từ 10 – 15%.

Được biết, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) hầu hết diện tích rừng sản xuất của người dân và Công ty lâm nghiệp Ngòi Sảo phần lớn sử dụng giống Keo lai nuôi cấy mô (một trong những giống tốt đang được nhân rộng vào trồng rừng sản xuất), cho năng suất trung bình trên dưới 80m3/chu kỳ 7-8 năm; năm 2016, huyện Vị Xuyên đã trồng 76 ha giống Keo tai tượng hạt Úc nhập nội và 5ha mô hình keo lai nuôi cấy mô... Qua đó có thể thấy, người dân và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã và đang quan tâm tới việc sử dụng giống tốt vào trồng rừng để nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng.

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Làng thanh niên lập nghiệp nơi biên cương Tổ quốc

BHG - Dọc theo con đường đang được thi công từ thôn Bản Hình vào thôn Phìn Sảng, chúng tôi thăm Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) biên giới Minh Tân (Vị Xuyên). Dưới những nếp nhà sàn truyền thống của người dân tộc Dao, cuộc sống nay đã no đủ hơn; ven đồi vài đàn dê thong dong gặm cỏ, những nương chè, nương ngô xanh mướt. 

20/09/2017
Góp phần thực hiện "Năm cao điểm Vệ sinh an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp"

BHG - Những năm qua, việc tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp là chủ đề rất được quan tâm. Ngày 29.3.2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 87 thực hiện "Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp". 

20/09/2017
Đảng viên Hoàng Văn Pẳn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình ở thôn Tân Sơn

BHG - Đảng viên Hoàng Văn Pẳn, sinh năm 1960, Bí thư Chi bộ thôn Tân Sơn, xã Nà Chì (Xín Mần) luôn được người dân yêu quý và mến phục bởi ông không chỉ là cán bộ thôn luôn hết lòng, trách nhiệm với các hoạt động của địa phương mà còn là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình.

20/09/2017
Người phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Sủa Pả A

BHG - Sinh ra và lớn lên trong đói nghèo, lam lũ, chị Vàng Thị Mỷ, người con của dân tộc Mông, sinh năm 1984 ở thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo (Đồng Văn) thấu hiểu rằng muốn để con cái có được một tương lai tốt đẹp, gia đình được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì phải tìm cách để phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh lên nương rẫy tìm cái ăn mỗi ngày. 

19/09/2017