Thành công "Dồn điền – đổi thửa" ở Hạ Thành
BHG- Sau gần 2 tháng UBND huyện Quang Bình bắt tay chỉ đạo công tác “Dồn điền - Đổi thửa” tại thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang đã mang lại kết quả. Chính quyền cơ sở đồng tình, nhân dân ủng hộ. Sản phẩm của công tác “Dồn điền – Đổi thửa” là vụ Xuân năm nay đã cấy trên cánh đồng mẫu lớn rộng trên 5,2 ha. Giải pháp sản xuất “5 cùng” được thực hiện khiến nhiều nơi muốn học hỏi, làm theo...
Cánh đồng thẳng cánh cò bay đang mở ra cách làm ăn mới cho Hạ Thành. |
Ký ức và hiện tại:
Tôi có mặt tại thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang vào buổi chiều nắng đẹp. Cánh đồng đầu làng bờ vùng, bờ thửa được làm đủ để xe cơ giới nhỏ chạy quanh. Mặt ruộng phẳng lỳ, lúa Xuân đã xõa “mái tóc thề”, mởn mơ đón gió...
Thôn Hạ Thành có 5 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông với 97 hộ, 491 khẩu, sống khá tập trung. Một bên làng là những cánh rừng xanh thẳm, một bên là con suối lớn Nậm Tièng, cả rừng xanh và suối mát tạo ra một vòng tay khổng lồ ôm lấy thôn Hạ Thành màu mỡ. Người già trong thôn kể lại: Hạ Thành thời bao cấp vui nhất là những ngày cày cấy và gặt hái; những người ở độ tuổi lao động trong làng đổ ra đồng theo tiếng kẻng HTX. Chỗ cày, chỗ cấy, chỗ nhổ mạ, kẻ gánh phân...; mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ cấy hái là cả làng vào “Hội”. Mọi người cùng làm, cùng hưởng, cùng tương trợ nhau. Sản phẩm thu hoạch về để cả trong kho HTX rồi chia theo công điểm cho từng nhà.
Thời kỳ thực hiện Khoán 100 của Ban Bí thư T.Ư đã có sự thay đổi về sản xuất. Thời kỳ này, HTX vẫn làm chủ, nhưng sự phân công lao động được chia ra thành 2 khâu: HTX đảm nhiệm 5 khâu trong sản xuất; người dân chỉ còn đảm nhận 3 khâu: Cấy, chăm sóc, thu hoạch rồi nộp sản phẩm cho HTX; ruộng đất được giao quyền tự chủ hoàn toàn cho từng hộ. Từ đây, những thửa ruộng to đã được chia nhỏ đến từng gia đình. Đến Khoán 10, Bộ Chính trị xác định: Kinh tế hộ là “chủ đạo” trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế HTX không còn phù hợp. Khoán 10 đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp; giải phóng được sức lao động toàn dân, quy tụ được nguồn lực trong dân và biến đó thành 2 lợi ích (gia đình và xã hội). “Dân giàu – nước mạnh” hôm nay bắt đầu từ thay đổi đó. Đất nước ta từ thiếu đói đã xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới về sản lượng.
Trải qua 30 năm đổi mới, đất nước có nhiều chuyển biến và thay đổi trong đời sống, xã hội, trong hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Vì thế, Đảng ta nhận định, phải từng bước sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Trưởng thôn Hạ Thành, Nguyễn Văn Ty, cho biết: Chủ trương của các cấp đã được chính quyền thôn Hạ Thành xây dựng phương án sắp xếp lại. Sau nhiều lần họp dân bàn bạc, chỉnh sửa, phương án “Dồn điền – đổi thửa” đã được thông qua vào cuối mùa gặt năm 2015.
Mục tiêu của phương án là: Bước đầu thí điểm dồn đổi ruộng có 31/97 hộ tham gia; dồn 77 mảnh ruộng nhỏ thành 31 thửa ruộng lớn có diện tích 5,2 ha; huy động mọi nguồn lực xây dựng mương dẫn nước, làm bờ vùng, bờ thửa để đưa cơ giới vào đồng ruộng; thực hiện phương pháp “5 cùng” và từng bước tiến tới sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo “chuỗi giá trị”.
Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Quang Bình, Lý văn Ba - người trực tiếp tham mưu cho thôn Hạ Thành từ ngày đầu - cho biết thêm: Sau khi bàn bạc thống nhất, Hạ Thành bắt tay vào đo đạc, khoanh vùng làm đường nội đồng dài 368 m. Xây dựng lại hệ thống kênh mương dẫn nước tưới chủ động dài 161,37 m. Đưa máy san ủi mặt bằng cho các thửa ruộng bằng nhau. Những thửa ruộng cao được san bằng ruộng thấp; ruộng thấp được tôn tạo thêm lên làm cho cả cánh đồng tương ứng bằng phẳng, tiện lợi cho canh tác.
Sau hơn 2 tháng vừa làm, vừa tháo gỡ, vừa xây dựng, giờ nhìn cánh đồng phẳng tít, rộng, đẹp hơn so với 30 năm trước, nhiều người dân Hạ Thành cứ tưởng mình nằm mơ - Trưởng thôn, Nguyễn Văn Ty thốt lên như vậy.
Đưa máy cấy vào cánh đồng lớn thôn Hạ Thành trong sản xuất vụ Xuân. |
“Cánh đồng lớn” thành hiện thực:
“Cánh đồng lớn” là ý tưởng của bà con trong thôn đặt tên khi nó được “Dồn điền - đổi thửa” thành công. Mong muốn của bà con trong thôn, trên cánh đồng này sẽ thực hiện ước mơ làm ăn lớn bằng máy móc, công nghệ, giúp họ xóa hết đói, giảm hết nghèo và hướng tới làm giàu. Và thực tiễn sau 30 năm, vụ Xuân này người Hạ Thành mới lại được chứng kiến cả làng cùng vào “hội” cấy lúa. Hội làm ruộng năm nay chủ yếu do máy móc đảm nhận. Chỗ máy cày cứ cày, chỗ kia máy cấy cứ cấy, chỗ nào làm chưa xong thì mọi người xúm nhau lại cùng làm, vui như hội!
Theo tính toán sơ bộ của thôn: Bước đầu sản xuất trên cánh đồng lớn mọi chi phí đầu vào đều giảm khoảng 1/3 so với cách làm trước kia. Trong đó, giống cấy 60 kg lúa thuần/ha trước kia, giảm còn 40 kg; công lao động chỉ còn 1/2 bởi làm bằng máy cày, máy cấy. Tới đây, là công chăm bón, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cũng sẽ áp dụng “làm cùng lúc trên cả cánh đồng” đối với 31 hộ tham gia. Các chuyên gia về sản xuất nông nghiệp khẳng định: Nếu áp dụng thống nhất một cách làm sẽ dần triệt tiêu được dịch bệnh lây lan, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều đó, sẽ giảm chi phí đầu vào, làm tăng năng suất lao động. Đồng thời, giảm chi phí sản xuất, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là điểm tiên quyết hướng đến mục tiêu xây dựng một nền sản xuất sạch hơn, hiệu quả và an toàn hơn.
Cánh đồng Hạ Thành lúa đủ nước, no phân đã lên xanh. Một cánh đồng thẳng, phẳng, to và rộng để từng bước cơ giới hóa đã hiện hữu. Ước mơ làm ăn lớn ngay trên quê mình đang, đã trở thành hiện thực. Có ước mơ, dám nghĩ, dám làm và có cách làm sáng tạo, ắt thành công.
Điểm “chốt” của thành công ấy ở Hạ Thành chính là sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng đã biết “dựa vào dân”.
NGUYỄN MẠNH HÙNG
Ý kiến bạn đọc