Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong Nhân dân

10:02, 10/02/2025

BHG - Câu chuyện giảm nghèo bên chén trà Xuân với Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh xoay quanh chủ đề làm thế nào để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Bên cạnh sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, KT - XH giúp người nghèo tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản thì việc đồng hành, động viên, khuyến khích ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của người dân là vấn đề cốt lõi, quan trọng, tạo ra giá trị mới, cách làm mới mang lại hiệu quả bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh kiểm tra công tác giáo dục tại xã Bạch Ngọc.
Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh kiểm tra công tác giáo dục tại xã Bạch Ngọc.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Giai đoạn 2022 - 2024, huyện Vị Xuyên được giao nguồn vốn sự nghiệp và nguồn bổ sung thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gần 36 tỷ đồng. Huyện ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo tập trung thực hiện; thường xuyên giao ban, kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Các công trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này tập trung vào đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi phục vụ sản xuất, mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ trang thiết bị thông tin...

Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư từ 3 chương trình MTQG giúp người dân đi lại và giao thương thuận lợi.
Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư từ 3 chương trình MTQG giúp người dân đi lại và giao thương thuận lợi.

Huyện triển khai đồng bộ các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình, trong đó, thực hiện 37 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; 26 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; tổ chức 21 lớp đào tạo nghề cho 686 học viên; 1 hội chợ cấp huyện và 5 phiên chợ cụm xã tư vấn, giới thiệu việc làm với gần 3.000 người tham gia. Chiến dịch truyền thông và giảm nghèo về thông tin được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, giúp hộ nghèo tiếp cận kịp thời, đầy đủ chính sách. Đối với chính sách tín dụng cho hộ nghèo, đến nay tổng dư nợ đạt trên 645 tỷ đồng/11.400 hộ vay; có 185 hộ cải tạo vườn tạp.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo từ các chương trình, dự án khác cũng được triển khai đồng bộ. Huyện tập trung liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tư vấn tuyển dụng lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu. Trong năm đã giải quyết việc làm mới cho 3.750 lao động, đạt 177% so với kế hoạch tỉnh giao; tổ chức khám, chữa bệnh cho gần 13.000 lượt người, 100% người thuộc diện hộ nghèo đa chiều được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, đi lại và tiền ăn; 90% hộ nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong năm đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới gần 100 nhà ở cho hộ nghèo từ nguồn vốn Quỹ vì người nghèo, Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện và nguồn xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Anh Vừ Vả Phứ (ngoài bên phải), thôn Đội 5, xã Ngọc Linh sau khi được đầu tư phát triển chăn nuôi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.
Anh Vừ Vả Phứ (ngoài bên phải), thôn Đội 5, xã Ngọc Linh sau khi được đầu tư phát triển chăn nuôi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

Đặc biệt, thông qua công tác tuyền thông, “dân vận khéo” và sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, người nghèo được nâng cao nhận thức, tạo động lực và ý thức vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Hoàng Thanh Tịnh nhấn mạnh: “Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện được đổi mới, linh hoạt trong triển khai thực hiện từ huyện đến cơ sở, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản đang thiếu hụt thì việc giảm nghèo bằng hình thức đầu tư có thu hồi, luân chuyển, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách, khơi dậy sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân có ý nghĩa rất quan trọng”.

Đến nay, các mục tiêu giảm nghèo đều đạt kết quả nổi bật: 100% xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, KT - XH liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; nhiều mô hình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khởi nghiệp, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập được nhân rộng; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hiện các chương trình; 100% người trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tiếp cận các thông tin về thị trường, tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ tìm việc làm. Năm 2024, toàn huyện giảm 1.192 hộ nghèo (giảm 4,57%), đạt 130,6% kế hoạch tỉnh giao và đạt 108,8% chỉ tiêu của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,55%.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông thôn bừng sáng
BHG - Khi mùa Xuân căng tràn nhựa sống phủ khắp muôn nơi, khởi đầu cho năm Ất Tỵ 2025 cũng là thời khắc huyện Bắc Quang bước vào hành trình mới, thi đua nước rút cho chặng đường về đích huyện Nông thôn mới (NTM).
31/01/2025
Vững vàng đi tới mùa Xuân
BHG - Xuân Ất Tỵ năm 2025 đã về trên quê hương Quang Bình mang theo nhiều niềm tin và ước vọng. Niềm vui được nhân lên khi công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện có những chuyển biến sâu sắc, vững vàng, khơi gợi tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
31/01/2025
Xuân thắm nơi mảnh đất có “địa chỉ đỏ”
BHG - Khép lại một năm nhiều gian khó, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân các mục tiêu phát triển kinh tế đảm bảo đúng hướng; lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường; QP – AN được củng cố, giữ vững và ổn định. Những thành quả đó là một “nhành Xuân thắm” tạo động lực cho huyện Bắc Mê - mảnh đất có “địa chỉ đỏ” phát triển toàn diện để đón một mùa Xuân Ất Tỵ năm 2025 đầm ấm, hạnh phúc.
30/01/2025
Tết ấm trong nhà mới
BHG - Tết đang gõ cửa từng nhà. Niềm vui như được nhân lên khi gần trăm hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn huyện Quản Bạ, được an tâm đón Tết cổ truyền của dân tộc trong những ngôi nhà mới vững chãi, sạch đẹp. Niềm vui ấy có được nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và sự cố gắng của chính mỗi gia đình.
29/01/2025