Ứng dụng công nghệ thông tin, biến khó khăn thành cơ hội phát triển

10:15, 04/06/2019

BHG - “Là một trong những địa phương khó khăn bậc nhất của cả nước về điều kiện KT-XH, gây khó khăn đối với việc phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT). Song, với những quyết sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền tỉnh về phát triển, ứng dụng CNTT, khó khăn từng bước trở thành cơ hội phát triển. Và nay, tỉnh ta đã có bước tiến vượt bậc về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT; có 6 ứng dụng dùng chung, tạo nền tảng xây dựng thành công chính quyền điện tử”. Đó là những kết quả quan trọng được Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) Lã Đình Điền chia sẻ khi nói về thành tựu chung của tỉnh trong lĩnh vực CNTT.

Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Hà Giang ứng dụng công nghệ vào giải quyết nhiệm vụ chuyên môn.
Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Hà Giang ứng dụng công nghệ vào giải quyết nhiệm vụ chuyên môn.

Ứng dụng, phát triển CNTT được Đảng, Nhà nước ta xác định là yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược của đất nước (về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng). Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã có những quyết sách quan trọng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, như: Chương trình số 138 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế (theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị khóa XI); Kế hoạch số 126 của UBND tỉnh về duy trì, nâng cao Chỉ số sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng CNTT và truyền thông trên địa bàn tỉnh năm 2019 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, từ năm 2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 139 về chính sách đặc thù hỗ trợ công chức, viên chức chuyên trách CNTT trong các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; với sự hỗ trợ theo hệ số từ 0,4 – 1 của mức lương cơ sở…

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.

Từ quyết tâm chính trị trên đã, đang hướng đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ủy các cấp; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của các cấp, ngành, về ứng dụng, phát triển CNTT, tạo đột phá góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH. Đồng thời, đưa CNTT trở thành động lực quan trọng góp phần đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của tỉnh; nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2020, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đạt mức khá so với các tỉnh/thành trong cả nước; đến năm 2030 đưa năng lực ứng dụng, nghiên cứu, phát triển CNTT đạt trình độ tiên tiến trong khu vực… Minh chứng điển hình cho quyết tâm chính trị này được thể hiện bằng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo Báo cáo Vietnam ICT Index của Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội tin học Việt Nam đánh giá hồi tháng 4 vừa qua thì Chỉ số ICT Index năm 2018 của tỉnh có bước tiến quan trọng, vượt bậc, từ vị trí cuối bảng xếp hạng lên vị trí khá so với các tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Cụ thể, kết quả đánh giá Chỉ số ICT Index của tỉnh đạt 0,5066 điểm trên thang điểm 1, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2017…

Đặc biệt hơn, do đặc điểm là tỉnh miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, là trở ngại cho phát triển, ứng dụng CNTT nhưng tỉnh ta đã biến một trong những khó khăn đó thành cơ hội phát triển. Minh chứng điều này, Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông Lã Đình Điền chia sẻ: Do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách địa lý giữa trung tâm tỉnh với các địa phương khá xa, thậm chí lên đến hàng trăm cây số. Điều này gây bất thuận trong việc tổ chức hội nghị tập trung như các tỉnh miền xuôi – nơi có điều kiện giao thông đi lại thuận tiện. Chính vì vậy, hội nghị trực tuyến là giải pháp tối ưu khắc phục hạn chế trên. Đến nay, tỉnh ta đã triển khai hệ thống thiết bị hội nghị truyền hình trực tuyến cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh kết nối với các cơ quan T.Ư và các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với quy mô 218 điểm cầu trong toàn tỉnh. Và đó cũng là 1 trong 6 ứng dụng dùng chung trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đó là việc sử dụng toàn diện và thống nhất phần mềm Quản lý Văn bản điều hành điện tử (Vnptioffice) đến 100% các cơ quan Đảng, sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn. Vận hành hiệu quả hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Hà Giang với quy mô trên 15.000 hộp thư điện tử; duy trì hiệu quả cổng/trang thông tin điện tử từ tỉnh đến xã. Đặc biệt, tỉnh ta đã triển khai hệ thống “một cửa” điện tử tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ dichvucong.hagiang.gov.vn, do Trung tâm hành chính công tỉnh theo dõi, giám sát thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, hệ thống “một cửa điện tử” và tích hợp trên phần mềm thư điện tử công vụ tỉnh.

Với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền tỉnh, quá trình đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đã, đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt, chắc chắn. Qua đó, từng bước khẳng định, CNTT là công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển của tỉnh trong tình hình mới; trở thành một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh của tỉnh trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, là phương thức quan trọng góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển KT-XH bền vững nơi địa đầu Tổ quốc.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm khoa học vào sản xuất

BHG - Với sự quan tâm đầu tư của T.Ư, của tỉnh và với những nỗ lực của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN), từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã triển khai thực hiện được 107 đề tài, dự án KH&CN. Trong đó có 28 đề tài, dự án cấp T.Ư; 39 đề tài, dự án cấp tỉnh và 40 đề tài, dự án cấp huyện/thành phố. Các đề tài nghiên cứu khoa học trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, khi được ứng dụng vào thực tế trở thành động lực để kích thích sự phát triển KT – XH, góp phần thực hiện "2 đột phá"...

31/05/2019
Sở TT&TT Thanh Hóa trao đổi kinh nghiệm với Sở TT&TT tỉnh

BHG - Sáng 30.5, Đoàn công tác của Sở TT&TT Thanh Hóa đã có buổi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm thực tế với Sở TT&TT Hà Giang về kinh nghiệm triển khai điểm cầu trực tuyến tới các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có đại diện các đơn vị viễn thông của 2 tỉnh. Tại buổi làm việc, đại diện Sở TT&TT Hà Giang chào mừng  đoàn công tác của Sở TT&TT Thanh hóa lên thăm, làm việc tại Hà Giang. Đây là dịp để 2 bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước...

30/05/2019
Ngành KH&CN góp phần xây dựng, bảo hộ thương hiệu các sản phẩm

BHG – Những năm qua, nói đến Hà Giang, ngoài các di sản văn hóa, thiên nhiên nổi tiếng; nhiều người còn biết đến các sản vật của địa phương, như: Thịt bò Vàng, hồng Không hạt, chè Shan tuyết, gạo Già dui… Cùng với sự quan tâm, góp sức của tỉnh; ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản. Tên gọi và xuất xứ của các sản phẩm đang dần trở thành những thương hiệu có tiếng không chỉ ở miền đất Hà Giang.

30/04/2019
Xín Mần phối hợp với Viettel Hà Giang triển khai xây dựng Trung tâm điều hành thông minh

BHG - Thực hiện theo Chương trình ký kết hợp tác giữa huyện Xín Mần và Chi nhánh Viettel Hà Giang, chiều 28.5, BTV Huyện ủy Xín Mần đã có buổi làm việc với lãnh đạo Chi nhánh Viettel Hà Giang về việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (ĐHTM). Trung tâm ĐHTM là nơi làm việc tập trung theo cơ chế phối hợp của  việc giám sát, điều hành các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của đơn vị hành chính như: Giao thông, an ninh công cộng, ứng cứu khẩn cấp, cứu nạn... 

29/05/2019