Bước đầu ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống cá chép lai 2 và 3 máu
HGĐT- Qua thực hiện đề tài nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá Chép lai 2 và 3 máu do Sở Khoa học Công nghệ tỉnh phối hợp với Trường Đại học Nông-lâm Thái Nguyên thực hiện tại HTX ương nuôi cá giống Lan Anh (Bắc Quang) bước đầu cho thấy những kết quả khả quan với nhiều đặc tính ưu việt, mở ra triển vọng mở rộng quy mô sản xuất giống cá Chép lai 2 và 3 máu trên địa bàn huyện Bắc Quang và một số huyện khác trong tỉnh.
Đề tài nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá chép lai 2 và 3 máu được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh phối hợp với Trường Đại học Nông- lâm Thái Nguyên triển khai thực hiện tại HTX ương nuôi cá giống Lan Anh (Bắc Quang) từ tháng 3.2010; đề tài được thực hiện đến năm 2012, với tổng số kinh phí được phê duyệt gần 600 triệu đồng. Để đề tài triển khai theo đúng nội dung, đem lại kết quả, các đơn vị liên quan đặc biệt quan tâm, phân cử cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn và hướng dẫn trực tiếp cho cán bộ của HTX ương nuôi cá giống Lan Anh về các kỹ thuật, kỹ năng trong sản xuất cá Chép lai 2 và 3 máu; cách chăm sóc, nuôi dưỡng cá bố mẹ, tuyển chọn cá bố mẹ cho đẻ; kỹ thuật cho cá đẻ theo phương pháp tự nhiên, nhân tạo; kỹ thuật ương nuôi cá bột thành cá hương, cá hương thành cá giống...Cùng với đó là hoàn thành việc thiết kế, xây dựng, lắp đặt các thiết bị cho cá đẻ, ương ấp trứng cá, ngư cụ, máy sục khí, xây dựng đường ống cấp nước và cấp điện cho toàn hệ thống ương nuôi cá.
Kết quả sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, cho thấy: Ở nội dung cho cá đẻ, cho cá Chép trắng Việt Nam sinh sản tự nhiên, tỷ lệ cá đẻ đạt 100%, năng suất cá bột đạt từ 5,91- 6,1 vạn con, tổng số cá bột thu được là 356,5 vạn con. Cho cá Chép lai 2 máu Việt Nam- Hungary sinh sản nhân tạo lặp lại 3 lần, mỗi lần 5 cặp, tỷ lệ cá đẻ đạt 100%, năng suất cá bột đạt từ 5,2- 5,61 vạn con/kg cá cái. Cho cá Chép lai 3 máu dòng Việt Nam- Indonêsia- Hungary sinh sản nhân tạo (lặp lại 3 lần, mỗi lần 5 cặp, tỷ lệ cá đẻ 100%, năng suất cá bột đạt từ 5,13- 5,23 vạn con/kg cá cái, tổng số cá bột thu được là 356,5 vạn con. Kết quả ương nuôi cá bột thành cá hương sau thời gian ương nuôi 30 ngày ở 3 lần lặp lại trong 9 ao có diện tích từ 300- 900m2 với tổng số diện tích theo dõi 4.600m2, mật độ thả 150 cá thể/m2 tổng số 69 vạn con, cho thấy: Đối với các Chép dòng Việt thuần khối lượng trung bình của cá là 0,23g/con, tỷ lệ sống trung bình đạt 61%; đối với cá Chép 2 máu (Việt Nam- Hungary) có khối lượng trung bình 0,35g/con; đối với cá Chép 3 máu (Việt Nam- Indonesia- Hungary) có khối lượng trung bình 0,31g/con, tỷ lệ sống trung bình 55%; tổng số cá hương thu được là 37,8 vạn con, vượt so với thuyết minh trên 32 vạn con. Kết quả ương cá hương thành cá giống với thời gian 45 ngày ương trong 9 ao, có diện tích 300- 900m2, mật độ thả 15 cá thể/m2 tổng số 69 vạn con, ở lần lặp 1 trong 3 ao của 3 công thức lai tạo, qua theo dõi thu thập số liệu, cho thấy ở lần lặp đầu tiên này sinh trưởng của cá ở các công thức lai có sự khác nhau rõ rệt, cụ thể: Đối với cá chép dòng Việt thuần có khối lượng trung bình 0,95g/con, tỷ lệ sống trung bình đạt 75%; đối với cá chép lai 2 máu (Việt Nam- Hungary) có khối lượng trung bình 2,9g/con, tỷ lệ sống đạt 67,6%; cá chép lai 3 máu (Việt Nam- Indonêsia- Hungary) có khối lương trung bình 2,57/con, tỷ lệ sống trung bình đạt 68,4%.
Như vậy có thể khẳng định, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá Chép lai 2 và 3 máu đã được Sở Khoa học Công nghệ và Trường Đại học Nông - lâm Thái Nguyên thực hiện thành công, bước đầu đem lại những kết quả quan trọng, mở ra triển vọng mở rộng quy mô, giống cá nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc