Khi nghị quyết đúng, trúng lòng dân
BHG - Nghị quyết là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng các cấp. Nếu nghị quyết đúng, trúng, phù hợp với thực tiễn sẽ là tiền đề quan trọng để cấp ủy các cấp triển khai hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đối với tỉnh Hà Giang, thời gian qua, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nhiều nghị quyết và triển khai đi vào cuộc sống. Đến nay đã và đang trở thành động lực cho cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc toàn tỉnh thay đổi diện mạo nông thôn, thành thị, nâng cao đời sống của người dân.
Từ nghị quyết đến cuộc sống
Thực hiện chủ trương “Thành phố sáng – xanh – sạch – đẹp và đáng sống” cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Hà Giang triển khai quyết liệt các giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết số 02 của BTV Thành ủy về xã hội hóa xây dựng, chỉnh trang đô thị giai đoạn 2020 – 2025. Một trong những giải pháp hàng đầu trong việc thực hiện nghị quyết đó là thành phố tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật. Nhiều công trình, hạng mục được triển khai như: Lát đá vỉa hè, trang trí đô thị, quản lý các hoạt động công ích cây xanh, điện chiếu sáng, điện trang trí đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. Từ khi nghị quyết được ban hành vào năm 2020 cho đến hết năm 2022, thành phố đã thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, lát gạch, đá vỉa hè hàng chục tuyến đường phố trong đô thị, với tổng diện tích gần 41.425 m2; trải thảm bê tông Át phan được 21.967 m2, trên 43.765 m2 mặt đường bê tông xi măng và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác với tổng kinh phí gần 185 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư gần 120 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 65 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 02 của BTV Thành ủy Hà Giang, đến nay, nhiều trục đường, tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Giang đã được trải Át phan, lát gạch vỉa hẻ góp phần xây dựng diện mạo đô thị với những nét tươi mới. |
Để nghị quyết thực sự được nhân dân đồng tình ủng hộ, cấp ủy phường, tổ dân phố đã sát sao tuyên truyền, vận động, giải thích mục đích, ý nghĩa cho người dân được hiểu chủ trương của nghị quyết. Đồng chí Phùng Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy phường Trần Phú cho biết: Trước khi triển khai thực hiện, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại để tạo sự đồng thuận từ phía người dân. Đảng ủy phường đã lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt công tác quản lý đô thị, hằng năm chỉ đạo xây dựng tuyến phố văn minh, phường văn minh đô thị; UBND phường ban hành kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện, trong đó tập trung siết chặt kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng, hành lang, vỉa hè.
Bà Hứa Thị Thu Giang, tổ 13, phường Trần Phú vui vẻ cho biết: “Trước đây tuyến phố Hà Huy Tập chưa dược trải Át phan, vỉa hè chưa lát đá thì tôi cảm thấy tuyến phố lộm cộm, môi trường, không khí cũng không được xanh, sạch lắm. Nhưng từ khi thực hiện chỉnh trang đô thị tôi thấy tuyến phố nơi tôi đang sinh sống như đang khoác lên mình một chiếc áo mới, mọi thứ thay đổi làm cho hình ảnh nơi đây sáng hơn, sạch hơn và đẹp hơn”.
Tiếp đó, Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp (CTVT), phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 6.500 hộ với trên 6.500 vườn có thu nhập khá. Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.400 hộ thực hiện CTVT với tổng diện tích vườn đã được cải tạo trên 241 ha. Sau gần 3 năm thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, nghị quyết 05 đã thực sự đi vào cuộc sống mang lại màu xanh tươi tốt của những vườn rau, cây ăn quả, thay thế cho mảnh vườn tạp canh tác kém hiệu quả trước đây và từng bước xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân.
Những mô hình CTVT trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Anh Mai Minh Đình, ở thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) chia sẻ: “Trước đây trồng ngô cho thu nhập chưa đến 6 triệu/năm. Từ năm 2012 gia đình tôi bắt đầu chuyển sang nuôi chim bồ câu, có chút tiền lãi tôi bắt đầu trồng thêm cây ổi, năm 2020 có chương trình CTVT gia đình tôi đăng ký và cải tạo lại hơn nghìn mét vuông cây ổi, ban đầu chỉ 100 cây, sau 1 năm thu hoạch được nhiều người đặt mua nên tôi tiếp tục trồng thêm 600 cây và trồng thêm chanh, Hồng không hạt. Hiện nay, gia đình có gần 1 ha ổi, hơn 700 cây trồng xen kẽ với một số cây ăn quả khác, mỗi năm thu hoạch xuất bán ra thị trường, đem lại cho gia đình trên 300 triệu đồng”.
Vườn rau đang lên chồi non xanh mướt là kết quả sau những buổi tuyên truyền và sự hỗ trợ của UBND xã Đông Minh (Yên Minh) đối với gia đình ông Cháng A Sài ở thôn Bó Mới trong thực hiện chương trình CTVT theo nghị quyết 05. Đó cũng chính là kết quả của sự cần cù, dám thay đổi nếp nghĩ, cách làm của gia đình. Ông Cháng A Sài chia sẻ: “Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chính từ cây lúa và ngô. Nhưng từ cuối năm 2021, được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, thôn, gia đình tôi đã tiến hành cải tạo trên 300 m2 đất vườn để trồng các loại rau: Mướp đắng, rau bí, rau mùng tơi, rau ngót và các loại đậu...một tháng thu nhập từ việc bán rau cũng đem về cho gia đình từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn chăn nuôi thêm lợn để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình, mỗi lứa xuất bán cũng mang lại 15-20 triệu đồng, thu nhập từ lợn và rau màu mỗi năm khoảng 30-40 triệu đồng. So với trước đây thì việc CTVT đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình”.
Có thể thấy, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về CTVT, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 đã cho thấy nghị quyết thực sự đi vào đời sống, đưa cuộc sống của người dân vào nghị quyết của Đảng, đảm bảo sự thống nhất về ý chí và hành động. Đồng thời, trong quá trình triển khai một số địa phương vận dụng linh hoạt, có nhiều sáng kiến, cách làm hay, xây dựng thêm các tiêu chí phù hợp với thực tế; huy động động ngày công các hội đoàn thể hỗ trợ người dân thực hiện…đã giúp nhiều gia đình từ hộ nghèo đến cận nghèo và thoát nghèo, dần dần vươn lên làm giàu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Nguyễn Đình Duẩn cho biết: “Thực hiện chương trình CTVT, huyện lựa chọn những hộ có diện tích vườn từ trước đến nay chưa từng cải tạo để thực hiện một cách bài bản thành các vườn mẫu, vườn điểm để nhân rộng. Đến nay, các vườn cũng đã cho thu nhập, đặc biệt cái được nhất là nhận thức của người dân đã đồng tình thực hiện chương trình CTVT để phát triển kinh tế một cách ổn định”.
Cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện nghị quyết
Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, các hủ tục trong việc cưới của đồng bào các dân tộc như tục thách cưới cao đã giảm đáng kể, tục ép hôn, gả bán đã dần được loại bỏ. Việc tang cơ bản đã thay đổi hình thức phúng viếng, đi lễ, trả lễ bằng gia súc, gia cầm, hiện vật trong đám tang sang các hình thức khác phù hợp hơn; hạn chế mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám tang, góp phần chống lãng phí. Trong sinh hoạt đời sống đã tích cực vận động nhân dân di dời chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, chủ động thâm canh tăng vụ, chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng…là một số nét nổi bật mà NQ 27 và Chỉ thị 09 thực hiện trong suốt thời gian qua. Để thực hiện hiệu quả NQ 27 và Chỉ thị 09 tại các địa phương đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và việc tiên phong, nêu gương của cán bộ đảng viên trong mọi tầng lớp trên địa bàn tỉnh là một trong những khâu then chốt trong việc triển khai thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Ông Phàn Thái Anh, là đảng viên đồng thời là người có uy tín thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) cho biết: “Trước kia dân tộc Dao có nhiều thủ tục rườm rà, tốn kém, như cưới tổ chức kéo dài 2 - 3 ngày, mổ rất nhiều lợn, gà. Thực hiện nghị quyết 27 và Chỉ thị 09 của tỉnh và chỉ đạo của huyện, xã về xóa bỏ hủ tục xây dựng nếp sống mới, bản thân tôi trước hết phải là người tiên phong thực hiện trong chính gia đình của mình, làm đám ma không quá 24 tiếng, các nghi lễ, thủ tục trong đám ma được rút ngắn, hạn chế giết mổ gia súc, không thách cưới, không được kết hôn cận huyết…Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các hội đoàn thể của xã tích cực tuyên truyền, vận động anh em, con cháu xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng hương ước, quy ước của dòng họ. Có như thế thì mới vận động bà con thực hiện theo chủ trương, nếp sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Nghị quyết 05 đã giúp người dân biến mảnh đất cằn thành khu vườn cây, rau màu trù phú. Trong ảnh: Anh Ly Mí Sình, ở thôn Nà Tạo, xã Hữu Vinh (Yên Minh) với mô hình trồng bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. |
Đồng chí Hoàng Trung Tá, Bí thư Đảng ủy xã Tùng Bá (Vị Xuyên) cho biết: Đảng bộ xã đã phát huy vai trò tiên phong các cán bộ, đảng viên, đồng thời ký bản cam kết cá nhân gương mẫu thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ chúng tôi thực hiện kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của tỉnh, huyện coi đây là một trong những tiêu chí để xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm; phê bình, đấu tranh và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu để gia đình, người thân vi phạm. Ngoài ra, không xem xét thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, đảng viên mà chính bản thân cá nhân đó tham gia, duy trì các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu như đã cam kết.
Xác định thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững, trên nguyên tắc tuân thủ thực hiện đúng Chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên cả hai phương diện xây và chống trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh để nêu gương cho quần chúng làm theo. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình và có hình thức xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tại phiên bế mạc Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đầu tháng 8 vừa qua, để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên, nỗ lực thực hiện cao nhất, toàn diện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII.
Việc cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ trực tiếp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mà còn tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội để việc cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương, chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mỗitổ chức đảng tại đia phương đó đề ra.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc