Những kết quả trong bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh ở Đồng Văn
BHG - Tại huyện Đồng Văn, sau hơn 1 năm triển khai Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, không thể phủ nhận những kết quả tích cực mà chỉ thị và nghị quyết mang lại. Sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ ràng trong nhận thức từ những cán bộ, đảng viên đến từng người dân; từ trung tâm huyện đến các thôn, bản xa xôi.
Có thể nói, để đạt được những kết quả đó, ngay từ những ngày đầu triển khai Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27, công tác tuyên truyền được cả hệ thống chính trị huyện Đồng Văn đẩy lên cao độ. Trong năm, các cấp ủy, tổ chức chính trị, xã hội đã tổ chức được gần 2.000 hội nghị với gần 74 nghìn lượt người tham gia. Tuyên truyền bằng loa không dây lưu động tại các phiên chợ, các xã, thị trấn, xe thông tin lưu động của huyện được trên 16.000 buổi. Nổi bật nhất là hình thức tuyên truyền sân khấu hóa, kết hợp với tuyên truyền miệng bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng dân tộc Mông). Đặc biệt, Hội thi “Dân vận khéo” với nội dung hướng đến là vấn đề bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh do Huyện ủy tổ chức đã thu hút trên 550 lượt cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Các trường học hưởng ứng bằng cách đưa nội dung bài trừ hủ tục giảng dạy cho học sinh thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, các môn học có nội dung liên quan để học sinh nắm được những hủ tục cần phải xoá bỏ như: Giết mổ nhiều gia súc trong đám ma, tục kéo vợ, tảo hôn…
Xã Lũng Cú dán các nội dung về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh tại cửa mỗi gia đình. |
Thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn huyện Đồng Văn phải kể đến những chuyển biến trong trong việc cưới, việc tang. Đến nay, trên địa bàn 19 xã, thị trấn các đám tang, đám cưới không còn ăn uống linh đình, kéo dài ngày, gây tốn kém, lãng phí, không có hôn nhận cận huyết thống, không còn tục kéo bắt vợ, thách cưới cao, hiện tượng tảo hôn, nạn tự tử giảm, không có mê tín dị đoan; các vấn đề học đạo, truyền đạo và theo đạo trái pháp luật không phát sinh phức tạp. Trong năm 2022, trên địa bàn huyện có gần 800 cặp kết hôn và tổ chức đám cưới. Các đám cưới cơ bản đều thực hiện theo nếp sống văn minh, trang trọng, vui tươi, tiết kiệm; các nghi lễ được tổ chức đơn giản hoá, gọn nhẹ, phù hợp với văn hoá truyền thống của từng dân tộc. Trong đám tang cơ bản không kéo dài ngày, không mổ nhiều gia súc, không uống nhiều rượu, tổ chức ăn, uống hợp vệ sinh và một số thủ tục rườm rà được loại bỏ. Đặc biệt, trong năm, đã vận động được 5 dòng họ, nhánh dòng họ cho người chết vào áo quan.
Hủ tục dần được xóa bỏ, đời sống tinh thần được cải thiện, nhân dân tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Trong năm 2022, toàn huyện đã vận động nhân dân hiến đất được trên 42.000 m2 đất; đóng góp gần 20 nghìn ngày công, nâng cấp được 7.500 m đường; hàng trăm công trình nhà vệ sinh, nhà tắm được xây dựng; cứng hoá, di dời 58 chuồng trại; xây 290 bể nước; người dân tham gia hàng nghìn buổi vệ sinh thôn, xóm, công trình công cộng; triển khai được 108 vườn tạp, duy trì 191 vườn thực hiện trong năm 2022. Số vườn tạp triển khai trong năm 2021 đến nay đã cho thu nhập trung bình khoảng 7,6 triệu đồng/hộ/năm/vườn, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho nhân dân.
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết: Nhiệm vụ bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương được huyện thực hiện một cách đồng bộ quyết liệt. Nhờ đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân được nâng lên. Đến nay, có 14/19 xã, thị trấn ban hành Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Một số xã đã biên soạn ngắn gọn, đầy đủ các nội dung cốt lõi, phù hợp với thực tế tại địa phương và dán tại các hộ, nhà văn hóa các thôn để người dân nắm được. Với phương châm, quan điểm đây là “nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững”; đồng thời, xác định công tác xoá bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh là góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hoá đặc sắc trong các dân tộc huyện Đồng Văn, những kết quả đã đạt được sẽ là tiền đề để huyện tiếp tục thực hiện xóa bỏ các hủ tục, mang lại cuộc sống văn minh, tiến bộ cho người dân.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc