Đổi mới hoạt động cơ quan dân cử nơi cực Bắc
BHG - Kỳ 2: Mang “hơi thở” cuộc sống vào nghị quyết
Đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan, kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, giải quyết các vấn đề xã hội quan tâm... Những quyết sách được HĐND các cấp ban hành đã, đang mang lại giá trị, hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.
“Trái ngọt” từ quyết sách đúng
Được vay vốn từ Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh để cải tạo vườn tạp giúp chị Hậu Thị Hương, xã Phú Linh (Vị Xuyên) vươn lên thoát nghèo. |
Chị Hậu Thị Hương, thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên) là hộ nghèo. Năm 2021, chị được vay 30 triệu đồng để cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 58/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (Nghị quyết 58) về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Chị Hương đầu tư trồng Dưa hấu, các loại rau ngắn ngày, nuôi gà giống địa phương.
Sau 1 năm chịu khó lao động, học tập kinh nghiệm, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng quy trình kỹ thuật, mảnh vườn của chị đã mang lại hiệu quả. Dưa hấu được thương lái vào mua tận vườn, các loại rau bán cho trường học và người dân trên địa bàn. Những khoản thu nhập đầu tiên được chị tái đầu tư, mở rộng diện tích, trồng thêm Thanh long ruột đỏ, gừng và nhiều loại rau, củ theo mùa, tăng quy mô đàn gà. Năm 2022, tổng thu nhập của gia đình chị Hương đạt trên 100 triệu đồng và vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá.
Là tỉnh nông nghiệp với khoảng 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý, tập quán canh tác truyền thống, năng suất, giá trị kinh tế từ vườn hộ thấp, chưa tạo thu nhập bền vững cho người dân. Thực hiện khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” vào điều kiện thực tiễn, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 58, đối tượng áp dụng là hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế vườn hộ với lãi suất bằng 0%, mức vay vốn từ 10 - 30 triệu đồng/hộ, thời gian vay vốn tối đa 30 tháng. Sau 2 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống, toàn tỉnh có 2.325 hộ được vay vốn theo Nghị quyết 58, tổng số tiền giải ngân trên 60 tỷ đồng; có 1.935 vườn đã mang lại hiệu quả kinh tế, bình quân đạt 18,8 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 2 – 3 lần so với trước đây.
Người dân xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) làm đường bê tông nông thôn. |
Nghị quyết 58 đã “đánh thức” hàng nghìn mảnh vườn tạp bị “ngủ quên” để vươn mình đơm hoa, kết trái, mang lại ấm no cho đồng bào. Cùng với đó, hàng loạt các nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững, chương trình OCOP, thương mại, du lịch, giáo dục, y tế, văn hóa đều nhanh chóng đi vào cuộc sống, giải quyết được khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và tạo động lực phát triển KT - XH của tỉnh.
Cụ thể hóa chương trình vào điều kiện thực tiễn
Tại kỳ họp thứ 2 (chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 ban hành Nghị quyết số 36/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Hà Giang với tổng vốn nguồn ngân sách Nhà nước lên đến 14.987 tỷ đồng. Đây là nghị quyết rất quan trọng nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của T.Ư, của tỉnh về phát triển KT - XH 5 năm giai đoạn 2020 - 2025, đồng thời thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công, phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật; bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, tránh lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; bảo đảm sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp quy hoạch; tạo sự chủ động cho các cấp, ngành xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.
Đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG), Hà Giang là địa phương có số lượng dự án và đối tượng thụ hưởng lớn. Để kịp thời triển khai 3 chương trình MTQG đúng tiến độ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh với tổng kế hoạch vốn lên đến hơn 6 nghìn tỷ đồng. Tại các kỳ họp chuyên đề sau đó, HĐND tỉnh chính thức thông qua danh mục các dự án chi tiết của 3 chương trình MTQG làm cơ sở để UBND tỉnh tổ chức thực hiện. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vị Xuyên Đỗ Anh Tuấn chia sẻ: “Các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành rất kịp thời, tạo nền tảng cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương triển khai đồng bộ, phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, khẩn trương trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, thúc đẩy sự phát triển bền vững”.
Trong quá trình thực hiện, căn cứ quy định, hướng dẫn của T.Ư và tình hình thực tế của tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phân bổ kế hoạch vốn bổ sung thực hiện 3 Chương trình MTQG, điều chỉnh một số nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức, phương án phân bổ vốn, nội dung hỗ trợ, quy định mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực. Đến hết quý I năm 2023, đã giải ngân vốn năm 2022 đạt 621,2 tỷ đồng/2.061,6 tỷ đồng. Nguồn vốn năm 2023 đang được các địa phương khẩn trương thực hiện.
Đổi mới ban hành nghị quyết
Trước đây, một số nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh sau khi ban hành tính khả thi thấp, khó áp dụng vào thực tiễn, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Để đảm bảo các nghị quyết sau khi được ban hành đúng pháp luật, khoa học, tính khả thi cao, phát huy hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP -AN và nâng cao đời sống nhân dân, việc ban hành nghị quyết đã được chú trọng đổi mới ở tất cả các khâu; bắt đầu từ việc xây dựng dự thảo, thẩm tra văn bản của các Ban HĐND, thảo luận tại kỳ họp.
Trong đó, hoạt động thẩm tra đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực, tăng cường giám sát, khảo sát, nắm tình hình thực tiễn và nghiên cứu tài liệu tham khảo để phục vụ hoạt động thẩm tra; chủ động tham gia ngay vào quá trình soạn thảo nghị quyết khi được cơ quan soạn thảo mời. Đối với những vấn đề quan trọng, nội dung mang tính chuyên môn sâu, phức tạp, tầm ảnh hưởng rộng thì mời cơ quan chức năng, chuyên gia tham gia thẩm tra để thu thập thông tin, xin ý kiến hoặc đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh các hình thức phù hợp tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến nhân dân. Các báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, có tính phản biện, thể hiện rõ chính kiến của Ban về các nội dung phù hợp, chưa phù hợp trong dự thảo nghị quyết, qua đó làm cơ sở để đại biểu HĐND nghiên cứu, thảo luận và quyết định các nội dung của nghị quyết.
Thông thường, HĐND các cấp họp 2 kỳ chính trong 1 năm, tuy nhiên khối lượng công việc nhiều, không đảm bảo thời gian để các đại biểu thảo luận, nghiên cứu, cho ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Vì vậy, đối với các nghị quyết quan trọng và nghị quyết cần ban hành kịp thời để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của T.Ư, tỉnh, HĐND các cấp đã tổ chức các kỳ họp chuyên đề. Tại các kỳ họp này, dự thảo nghị quyết sẽ được đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, thảo luận, nghiên cứu kỹ trước khi quyết định biểu quyết thông qua.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh nhấn mạnh: Với mục tiêu phấn đấu 100% các dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh được tổ chức tham vấn lấy ý kiến nhân dân trước khi trình HĐND tỉnh thông qua; 100% các nghị quyết ban hành đúng quy định của pháp luật, khả thi, sát với thực tế, được phổ biến, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh tổ chức 11 kỳ họp, ban hành 157 nghị quyết, trong đó 146 nghị quyết chuyên đề, 11 nghị quyết về công tác cán bộ để cụ thể hóa các quy định của T.Ư và yêu cầu, tình hình thực tế của tỉnh. Các nghị quyết sau ban hành đã đi vào thực tế đời sống, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của địa phương và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Bài, ảnh: Thu Phương, Biện Luân – Trần Kế
Đổi mới hoạt động cơ quan dân cử nơi cực Bắc - Kỳ cuối: “Cầu nối” ý Đảng - lòng dân
Ý kiến bạn đọc