Đam mê chè Shan

11:39, 13/07/2021

BHG - Từng thất bại nhiều lần khi khởi nghiệp, anh Trần Danh Tuyên, tổ 5, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang quay sang sản xuất chè Shan tuyết và trở thành một người làm chè sáng tạo, được sự công nhận từ nhiều khách hàng sành trà trong nước. Với quan điểm làm phải có đam mê và tâm huyết, không ngại khó ngại khổ, luôn tìm tòi... anh đã tạo được chỗ đứng trong làng chè Việt với những sản phẩm thuộc dòng chè cao cấp tiêu thụ trong và ngoài nước.

Anh Trần Danh Tuyên và sản phẩm trà lên men đóng bánh.
Anh Trần Danh Tuyên và sản phẩm trà lên men đóng bánh.

Là một người yêu văn hóa chè Việt, đặc biệt là dòng chè Shan tuyết cổ thụ, tôi biết đến anh Trần Danh Tuyên khi tìm hiểu về dòng chè Móng Rồng-dòng chè rừng đặc sản trên những đỉnh núi cao Hà Giang. Mở xưởng sản xuất từ năm 2019, chế biến các dòng chè cao cấp như chè Xanh, Hồng trà, chè Móng rồng, Bạch tiên, chè lên men đóng bánh và chè ống lam; chỉ hơn 1 năm với lòng đam mê và sự học hỏi từ những người làm chè đi trước, anh Tuyên đã tạo được chỗ đứng trong làng sản xuất chè Shan tuyết ở Hà Giang.

Anh Trần Danh Tuyên và vườn chè cổ thụ của người dân ở thôn Lùng Vài, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. 			Ảnh: TRỌNG TOAN
Anh Trần Danh Tuyên và vườn chè cổ thụ của người dân ở thôn Lùng Vài, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. Ảnh: TRỌNG TOAN

Với anh, khâu đầu vào nguyên liệu được coi là một phần quan trọng, quyết định chất lượng sản phẩm nên anh đặt thu mua chè từ bà con với yêu cầu rất cao. Để có những mẻ chè thành phẩm chất lượng, anh đặt riêng từng vùng chè để bà con thu hái nguyên liệu theo các tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm. Hà Giang là vùng chè đa dạng nên chất lượng từng vùng nguyên liệu cũng khác nhau, bên cạnh đó do người dân khi thu hái trà trộn các vùng nguyên liệu với nhau làm giảm chất lượng nên anh vẫn luôn muốn làm chủ một vùng nguyên liệu tốt để yên tâm sản xuất. Năm 2019, sau khi tìm hiểu và khám phá các vùng chè cổ thụ khắp dãy núi Tây Côn Lĩnh, anh Tuyên gặp được vườn chè cổ thụ với những cây chè tán rộng, búp đẹp ở thôn Lùng Vài, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang và quyết định thuê lại vườn chè này để ổn định sản xuất. Vườn chè cổ thụ với diện tích 1 ha ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển có nội chất tốt là nguồn nguyên liệu để anh sản xuất các loại chè đặc sản.

Hiện tại, xưởng sản xuất của anh nằm ở thôn Mè Thượng, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang sử dụng các loại bom sao chế bằng gas, bom củi và điện có công xuất 1 - 1, 5 tấn chè tươi/ngày; tập chung chủ yếu vào các dòng chè đặc sản như Hồng trà, chè Xanh 1 lá, 2 lá và chè ống lam truyền thống. Những dòng trà này chủ yếu phục vụ khách hàng sành chè trong nước. Là người luôn biết lắng nghe phản hồi từ khách hàng đã giúp anh ngày 1 nâng cao tay nghề. Tâm sự với tôi, anh Tuyên cho biết: Riêng sản phẩm Hồng trà, một dạng chè lên men đã khiến anh mất hơn 1 năm để học hỏi và nghiên cứu kỹ thuật từ nhiều người làm chè và uống chè trong và ngoài tỉnh. Mỗi mẻ Hồng trà làm ra không hề đơn giản với các công đoạn làm héo, vò, ủ, sấy và hong nắng... để ra được sản phẩm làm hài lòng khách hàng khó tính nhất. Để có được sản phẩm tốt phải qua rất nhiều lần thử nghiệm, mà với nghề chè, một lần sai đồng nghĩa với mất ngày công hôm đó và rất nhiều chi phí mua nguyên liệu.

Để đa dạng sản phẩm với các dòng chè, anh Tuyên học và sản xuất thêm chè Móng rồng, Bạch tiên... tạo được đầu ra ổn định. Năm 2020, xưởng của anh là một trong những cơ sở sản xuất sản phẩm chè Móng rồng, Bạch tiên nhiều nhất Hà Giang và tiêu thụ rất nhanh. Hai dòng chè đặc sản này tương đối mới trên thị trường trong nước, nhiều người sành chè lần đầu thưởng thức nhưng đã bị mê hoặc bởi hương vị đặc trưng đậm nét hoang dã núi rừng Hà Giang. Nhưng điều khiến họ nhớ đến cũng phải nhờ tay nghề của người làm chè, giữ được hương vị của từng loại chè đã quan trọng nhưng bên cạnh đó còn phải là mẫu mã khiến khách hàng ưng ý cả về hình thức và chất lượng sản phẩm. 

Bài, ảnh: TRỌNG TOAN


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp với nghề chăm sóc thú cưng ở Hà Giang

BHG - Bác sĩ thú y không phải là một nghề mới, tuy nhiên tại Hà Giang vẫn còn rất ít người theo đuổi nghề này. Nhìn nhận được những tiềm năng còn bỏ ngỏ, chị Phùng Thị Hảo – chủ phòng khám Thú y Hà Giang (Tổ 8, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang) là một trong những người tiên phong đưa dịch vụ thú y trở nên phổ biến hơn tới người dân ở Hà Giang.

31/03/2021
Đoàn viên Lương Văn Quỳnh làm giàu từ mô hình cải tạo vườn tạp

BHG - Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, ngay từ khi còn nhỏ, anh Lương Văn Quỳnh, sinh năm 1990, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang (Vị Xuyên) đã mang trong mình ý chí vươn lên làm giàu. Qua tìm hiểu, anh nắm được chủ trương cải tạo vườn tạp gắn với thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2019, anh Quỳnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện cải tạo vườn tạp đã giúp gia đình anh có thu nhập ổn định.

 

24/12/2020
Triệu Quang Vinh khởi nghiệp từ chế biến chè hữu cơ

BHG - Năm 2008, hồ thủy điện Nặm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) dâng nước, gần 20 ha đất trồng lúa của thôn Nặm An nằm dưới lòng hồ. Diện tích đất lúa của thôn bị thu hẹp, anh Triệu Quang Vinh, dân tộc Dao, người con của quê hương Nặm An luôn trăn trở tìm hướng đi mới để thoát nghèo.

20/01/2021
Vương Quốc Hiếu với khát vọng làm giàu trên nương rau
BHG - Thời gian qua, "luồng gió" khởi nghiệp trên địa bàn huyện Quản Bạ đã và đang lan tỏa mạnh mẽ; đây cũng là hướng phát triển sinh kế dành cho thanh niên có sức trẻ, ý chí vươn lên làm giàu. Trong đó, có thể kể đến niềm khao khát, ý chí quyết tâm và khát vọng làm giàu trên chính nương ngô, mảnh ruộng nơi vùng quê của thanh niên Vương Quốc Hiếu, thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến. 
18/02/2021