Vương Văn Đằng năng động khởi nghiệp

11:00, 12/02/2019

BHG - Sinh 1992 và lớn lên tại thôn Tát Cà, xã Tùng Bá (Vị Xuyên); đoàn viên Vương Văn Đằng sớm có ý thức tự lập. Sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, Đằng quyết định khởi nghiệp với mô hình kết hợp vườn, ao, chuồng. Sau hơn 3 năm cố gắng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm; mô hình làm kinh tế của anh đã cho những “trái ngọt”.

Đoàn viên Vương Văn Đoàn chăm sóc đàn thỏ.
Đoàn viên Vương Văn Đằng chăm sóc đàn thỏ.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, Đằng đã tích lũy được vốn kiến thức làm nông nghiệp khá đa dạng. Nhận thấy diện tích vườn, đồi tạp của gia đình có thể trồng được các loại cây ăn quả…., anh đã mạnh dạn khai phá, cải tạo đất để trồng Thanh long và bưởi Da Xanh. Mặc dù chưa có kinh nghiệm trồng, chăm sóc đối với 2 loại cây này; nên anh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu cũng như cách chăm sóc, cải tạo chất đất bằng các loại phân chuồng, hữu cơ để chăm sóc cho vườn cây với gần 200 gốc Thanh long và hơn 100 gốc bưởi Da Xanh 4 năm tuổi của anh sinh trưởng, phát triển tốt và không bị sâu bệnh. Vừa qua, anh đã bắt đầu thu hoạch quả cây Thanh long và bán ra thị trường.

Để thực hiện mô hình vườn, ao, chuồng hiệu quả; anh thuê lại ao cá rộng hơn 2.000 m2 của bố mẹ để thả cá. Các loại cá được anh lựa chọn là: Trắm, trôi, mè, rô phi. Tận dụng mặt đất trong vườn cây, anh trồng thêm cỏ, chuối để làm thức ăn cho cá và nuôi gà. Anh cho biết, gia đình anh luôn duy trì số lượng đàn trên 400 con gà giống địa phương. Ngoài thức ăn thô, xanh; anh còn nuôi thêm giun quế để bổ sung dinh dưỡng cho đàn gà. Về đầu ra của sản phẩm, ngoài cung cấp cho một số quán ăn trên địa bàn xã, nhiều thương lái đã tìm đến tận nhà anh thu mua với giá 120 nghìn đồng/kg.

Để đa dạng giống vật nuôi, anh Đằng còn nuôi thêm thỏ; từ 4 cặp thỏ bố mẹ ban đầu, sau một năm, anh  nhân đàn lên trên 20 con. Anh Đằng chia sẻ, nuôi thỏ có nhiều lợi thế do chi phí đầu tư thấp, tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, không tốn công chăm sóc, giống thỏ đẻ khỏe, lớn nhanh nên cho năng suất cao hơn so với các loài vật nuôi khác; anh vừa xuất bán 2 lứa thỏ được 40 kg, giá bán 100 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, năm 2017, được sự động viên của chính quyền địa phương, anh Đằng mạnh dạn vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết 209 để mua 5 con trâu. Sau hơn 2 năm chăm sóc, hiện đàn trâu của gia đình anh đã có 8 con; để có đủ nguồn thức ăn cho đàn trâu, anh trồng thêm hơn 1 ha cỏ voi. Ngoài ra, anh còn tận dụng chất thải từ nuôi trâu, gà để ủ phân bón cho vườn cây và đảm bảo vệ sinh môi trường. Mỗi năm, sau khi trừ hết các khoản chi phí, anh Đằng còn thu được trên 60 triệu đồng từ mô hình của mình.

Nhận xét về đoàn viên Vương Văn Đằng, đồng chí Vương Ngọc Thoan, Bí thư Đoàn xã Tùng Bá, cho biết: Anh Đằng là một đoàn viên trẻ, năng động, mạnh dạn tự tìm hướng khởi nghiệp cho bản thân; sự thành công của anh với mô hình kinh tế tổng hợp là động lực để đoàn viên, thanh niên địa phương học tập và áp dụng.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gặp mặt nhóm thí sinh đạt giải Nhất cuộc thi " Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc"

BHG - Chiều 28.11, tại Hội trường UBND thành phố, Tỉnh đoàn Hà Giang đã tổ chức buổi gặp mặt nhóm tác giả đạt giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc" lần thứ I, năm 2018. Dự buổi gặp mặt có lãnh đạo Tỉnh đoàn, Thành ủy Hà Giang và đông đảo đoàn viên thanh niên đến từ các trường học trên địa bàn thành phố. Vinh dự vượt qua 183 bài thi của các thí sinh đến từ 52 tỉnh, thành đoàn trên cả nước, dự án Green Blessing "Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch trách nhiệm" của nhóm tác giả Hoàng Thị Hảo đến từ Hà Giang... 

29/11/2018
Hoàng Văn Cân tiên phong nuôi ếch ở Tân Nam

BHG - Hơn 3 năm qua, nhờ sự đầu tư trọng điểm từ Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh; nhân dân xã Tân Nam (Quang Bình) đã tiếp cận với nguồn vốn tài trợ thông qua hoạt động của các Nhóm sở thích (GIC) và Nhóm tiết kiệm tín dụng để mua cây, con giống phát triển kinh tế, tăng mức thu nhập và tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn. Trong các nhóm hiện đang duy trì, mô hình nuôi ếch của anh Hoàng Văn Cân, thôn Nậm Hán được đánh giá triển vọng và có khả năng nhân rộng.

28/11/2018
Khởi nghiệp từ trồng rau mầm

BHG- Hiện nay, nhu cầu rau sạch ngày càng trở nên cấp thiết để mang lại những giá trị dinh dưỡng và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Nắm bắt được thị trường kinh doanh rau sạch là hướng phát triển rất tiềm năng, chị Trần Kim Liễu, thôn Trang, xã Trung Thành (Vị Xuyên) đã đầu tư cơ sở để sản xuất rau mầm đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

22/11/2018
Chung Văn Bình điển hình nuôi bò vỗ béo

BHG - Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã tạo hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi của gia đình anh Chung Văn Bình, thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài (Quản Bạ). Thông qua nguồn vốn đã giúp anh trở thành một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế hiệu quả từ nuôi bò vỗ béo. Sinh ra và lớn lên ở xã Tùng Vài, được chứng kiến không ít gia đình sống trong cảnh nghèo, đói; đây cũng chính là động lực khiến anh Bình luôn trăn trở, suy nghĩ tìm cách thoát nghèo. 

22/01/2019