Hà Giang

Phát triển nghề dệt lanh trên Cao nguyên đá

09:12, 03/01/2019

BHG - Sinh ra và lớn lên ở xã Phố Cáo (Đồng Văn), chị Vàng Thị Cầu, sinh năm 1973, dân tộc Mông có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bằng quyết tâm vượt khó, với ý tưởng khôi phục và phát huy nghề dệt lanh của người Mông trắng, chị đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Lanh Trắng, giải quyết việc làm cho nhiều bà con người Mông.

Chị Vàng Thị Cầu (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn các chị em cách tra sợi vào khung.
Chị Vàng Thị Cầu (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn các chị em cách tra sợi vào khung.

Trang phục truyền thống của người Mông trắng được đánh giá là một trong những bộ trang phục đẹp của cộng đồng 17 dân tộc anh em trên Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Song trước sự thay đổi của đời sống, trang phục của người Mông dần bị pha trộn và mất đi bản sắc, nét đẹp vốn có. Chị Vàng Thị Cầu tâm sự: “Khoảng chục năm trở lại đây, hình ảnh các cô gái mặc váy Mông ít dần, họ chọn cho mình những chiếc váy pha trộn nhiều sắc màu hơn, được may công nghiệp. Cùng với đó, số lượng người biết dệt và thêu váy Mông truyền thống giảm, khiến những chiếc váy truyền thống của người Mông trắng dần bị phai nhòa. Nhận thấy điều này, tôi thành lập HTX dệt lanh kết hợp dạy nghề cho chị em, nhằm khôi phục vẻ đẹp của chiếc váy Mông truyền thống cũng như sản xuất những sản phầm từ cây lanh...”.

HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Lanh Trắng của chị Cầu đã hoạt động hơn 2 năm tại thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn (Đồng Văn). Tại đây, bước đầu chị Cầu mở lớp dạy nghề dệt, thêu, nhuộm vải, làm trang phục Mông và các sản phẩm từ lanh cho các thành viên HTX. Nhờ sự năng động tìm kiếm thị trường, cộng với du lịch ở huyện Đồng Văn phát triển, chị Cầu dần mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, HTX có hơn 20 thành viên, thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Để có những sản phẩm đẹp, không chỉ phục vụ nhu cầu của phụ nữ địa phương, còn bán cho du khách, chị Cầu không ngừng tìm tòi, học hỏi, cải tạo các sản phẩm từ lanh. Chị cho biết: “Để nâng cao tay nghề, bản thân đã đi tìm, tòi học hỏi ở nhiều nơi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An... về cách dệt, pha màu và tạo nên những nét mới trong sản phẩm. Từ 7 màu cơ bản, nay đã nhuộm được 20 màu; mở rộng được khung dệt, thử nghiệm pha tơ với sợi lanh tạo nên sản phẩm vải lanh rộng và mượt hơn, cùng với đó, các họa tiết được biến tấu không còn thô sơ, cứng nhắc mà mềm mại, uyển chuyển hơn...”.

Sự tận tâm trong công việc của chị Cầu đã tiếp lửa, giúp nhiều chị em vốn xưa nay thường nhút nhát mạnh dạn tham gia HTX, học nghề và có công ăn, việc làm. Chị Sùng Thị Si, thành viên HTX, cho biết: “Khi mới vào chưa biết làm nên tôi còn rất e ngại vì công việc phải tiếp xúc với nhiều người, đôi khi cả khách nước ngoài. Nhưng sau khi có sự chỉ bảo của chị Cầu, tay nghề của tôi và nhiều chị em trong HTX dần nâng lên. Hiện nay, tôi thêu khá thành thạo, học được cách nhuộm vải, được tiếp xúc với khách hàng khiến mình bạo dạn hơn. Nếu so với trước đây, quanh năm chỉ làm nương, cái ăn không đủ, thì nay bằng đôi tay của mình mỗi tháng kiếm được 4 – 5 triệu đồng đấy...”.

Không chỉ làm ra những bộ trang phục giữ nguyên nét truyền thống, HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Lanh Trắng còn tạo ra nhiều sản phẩm phong phú từ lanh như: Túi, mũ, quần, áo, vỏ gối, vỏ chăn... Các sản phẩm của HTX được thị trường ưa chuộng, bày bán tại các điểm như: Nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, Phố cổ Hà Nội và cung cấp cho khách hàng từ Ai Cập, Pháp; sản phẩm của HTX còn được vinh dự trưng bày tại một số sự kiện của Liên Hiệp Quốc... Từ đó, giúp cho hoạt động của HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Lanh Trắng làm ăn hiệu quả và ngày càng mở rộng vùng sản xuất.

 Một tin vui là ý tưởng khôi phục nghề dệt lanh và sản xuất trang phục Mông trắng của chị Cầu đã lọt vào top 20 ý tưởng xuất sắc tại vòng Chung kết Cuộc thi Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2018, do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gặp mặt nhóm thí sinh đạt giải Nhất cuộc thi " Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc"

BHG - Chiều 28.11, tại Hội trường UBND thành phố, Tỉnh đoàn Hà Giang đã tổ chức buổi gặp mặt nhóm tác giả đạt giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc" lần thứ I, năm 2018. Dự buổi gặp mặt có lãnh đạo Tỉnh đoàn, Thành ủy Hà Giang và đông đảo đoàn viên thanh niên đến từ các trường học trên địa bàn thành phố. Vinh dự vượt qua 183 bài thi của các thí sinh đến từ 52 tỉnh, thành đoàn trên cả nước, dự án Green Blessing "Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch trách nhiệm" của nhóm tác giả Hoàng Thị Hảo đến từ Hà Giang... 

29/11/2018
Hoàng Văn Cân tiên phong nuôi ếch ở Tân Nam

BHG - Hơn 3 năm qua, nhờ sự đầu tư trọng điểm từ Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh; nhân dân xã Tân Nam (Quang Bình) đã tiếp cận với nguồn vốn tài trợ thông qua hoạt động của các Nhóm sở thích (GIC) và Nhóm tiết kiệm tín dụng để mua cây, con giống phát triển kinh tế, tăng mức thu nhập và tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn. Trong các nhóm hiện đang duy trì, mô hình nuôi ếch của anh Hoàng Văn Cân, thôn Nậm Hán được đánh giá triển vọng và có khả năng nhân rộng.

28/11/2018
Hai anh em người Dao khởi nghiệp từ nuôi giun Quế

BHG - Mô hình nuôi giun Quế của hai anh em Phàn Văn Canh và Phàn Văn Dân nằm giữa những thửa ruộng bậc thang của gia đình tại thôn Thành Công, xã Bản Péo (Hoàng Su Phì). Đầu năm 2017, sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại trang trại nuôi giun Quế ở thị trấn Việt Vinh (Bắc Quang), Phàn Văn Canh (sinh năm 1992) luôn nung nấu ý tưởng đưa loại giun này về nuôi trên quê hương mình. Là Phó Bí thư Đoàn xã Bản Péo nên Phàn Văn Canh có ít thời gian thực hiện, do vậy anh rủ thêm người em họ là Phàn Văn Dân cùng chung tay nuôi giun Quế. Phàn Văn Dân...

24/10/2018
Khởi nghiệp từ trồng rau mầm

BHG- Hiện nay, nhu cầu rau sạch ngày càng trở nên cấp thiết để mang lại những giá trị dinh dưỡng và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Nắm bắt được thị trường kinh doanh rau sạch là hướng phát triển rất tiềm năng, chị Trần Kim Liễu, thôn Trang, xã Trung Thành (Vị Xuyên) đã đầu tư cơ sở để sản xuất rau mầm đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

22/11/2018